Ngành Kiểm sát cần bảo đảm không làm oan người vô tội
VOV.VN -Mọi tội phạm được phát hiện đều bị xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2014, sáng 16/1, tại Hà Nội.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trò chuyện với cán bộ kiểm sát |
Theo báo cáo của Viện KSND tối cao, năm 2013, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp; số vụ án mới khởi tố tăng so với năm 2012; một số loại tội phạm có xu hướng gia tăng, tính chất, mức độ nguy hiểm và hậu quả thiệt hại nghiêm trọng. Tội phạm về kinh tế, tham nhũng xảy ra ở nhiều lĩnh vực, gây thất thoát lớn về tài sản của Nhà nước. Hoạt động của các băng, nhóm tội phạm có tính chất “xã hội đen” diễn biến phức tạp...
Trước thực tế đó, ngành Kiểm sát đã chủ động lựa chọn, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đấu tranh với các loại tội phạm, đồng thời đẩy mạnh đổi mới tổ chức hoạt động từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Đặc biệt là trách nhiệm công tố được đề cao, tiến độ giải quyết án được rút ngắn, hạn chế bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội; chất lượng, kỹ năng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa được nâng lên; Công tác xây dựng Đảng, xây dựng ngành đạt nhiều kết quả tích cực.
Đáng chú ý là, nhiều vụ án lớn đã được điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, được nhân dân đồng tình, ủng hộ...Những kết quả đạt được đó đã góp phần quan trọng bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của nhân dân, bảo vệ pháp chế XHCN, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhiệt liệt biểu dương những kết quả mà ngành Kiểm sát đã đạt được trong năm qua. Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục của ngành Kiểm sát như còn để xảy ra một số trường hợp truy tố oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; việc giải quyết một số vụ án còn kéo dài, xử lý chưa nghiêm. Chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại một số phiên tòa chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm dân sự còn để tồn đọng nhiều. Một số Viện kiểm sát địa phương chưa bổ nhiệm đủ cán bộ có chức danh tư pháp, còn có cán bộ vi phạm phải xử lý… Những hạn chế, khuyết điểm đó nếu không khắc phục kịp thời sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và hiệu quả công tác của ngành.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, năm 2014, chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều trở ngại, thách thức như kinh tế còn nhiều khó khăn; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp; nạn tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn mà còn có những biểu hiện phức tạp hơn; một số loại tội phạm có xu hướng gia tăng; các thế lực thù địch luôn tìm cách gây mất ổn định chính trị xã hội, đe dọa chủ quyền lãnh thổ.
Do đó, ngành Kiểm sát nhân dân phải phân tích, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm tìm giải pháp khắc phục hạn chế, trong đó cần tập trung thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, bảo đảm mọi tội phạm được phát hiện đều bị xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm. Đây là nhiệm vụ rất hệ trọng của các cơ quan tư pháp, trong đó có vai trò rất lớn của ngành Kiểm sát nhân dân.
“Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, trước hết Viện kiểm sát các cấp phải tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra; kiểm sát đầy đủ, chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; kiên quyết thực hiện đầy đủ các quyền hạn khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp để loại trừ oan sai và lọt tội, bảo đảm các quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng có căn cứ, đúng pháp luật. Phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra để làm tốt vai trò, trách nhiệm công tố. Phát hiện kịp thời và yêu cầu xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật trong điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; ngăn chặn, khắc phục sự lạm quyền, xâm phạm các quyền dân chủ của công dân, đồng thời khắc phục tình trạng thiếu kiên quyết để lọt tội, đảm bảo thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, kiên quyết thực hiện bằng được mục tiêu “xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa”.
Nhấn mạnh yêu cầu đổi mới mạnh mẽ và toàn diện của ngành kiểm sát, Chủ tịch nước yêu cầu trên cơ sở Hiến pháp (sửa đổi), ngành cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện thể chế liên quan đến tổ chức và hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân; đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) và Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), bảo đảm cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời và đúng tinh thần Hiến pháp về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân, nâng cao chất lượng cơ quan điều tra của ngành nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và thực tiễn đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước lưu ý, ngành Kiểm sát cần đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên vững vàng về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm, có kỷ luật và có trách nhiệm cao. Đồng thời làm tốt công tác xây dựng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI và Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị, gắn với việc thực hiện lời dạy của Bác Hồ đối với người cán bộ kiểm sát: “công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
Chủ tịch nước tin tưởng rằng dù còn những khó khăn trong khi thi hành nhiệm vụ, nhưng với sự quyết tâm, đồng lòng, cán bộ, ngành kiểm sát sẽ vượt qua, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó./.