Nghị quyết Trung ương 4: "Bí quyết thành công là đã nói là làm"
Ông Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban tư tưởng văn hóa Trung ương trao đổi về Nghị quyết “Một số cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Nghe băng tại đây:
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, tại các kỳ đại hội, nhiều Nghị quyết của Đảng đã được ban hành và đi vào cuộc sống, đáp ứng kịp thời với công cuộc xây dựng, đổi mới của đất nước. Và đặc biệt tại Hội nghị lần thứ Tư vừa qua, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua Nghị quyết “ Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Đây được coi là bản Nghị quyết có tầm quan trọng lớn lao đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Mục tiêu điểm của chương trình Theo dòng thời sự hôm nay chúng tôi mời ông Hà Đăng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương tham gia để cùng trao đổi về vấn đề này.
PV: Thưa ông, có thể nói Nghị quyết hội nghị Trung ương 4 cũng như bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc đã gây ấn tượng sâu sắc, không chỉ với những đảng viên mà với cả đông đảo quần chúng nhân dân. Cá nhân ông tâm đắc nhất điều gì?
Ông Hà Đăng: Ấn tượng sâu sắc nhất của tôi là thái độ nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật của Trung ương trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.
Sự thật có nhiều mặt: tốt và xấu, tích cực và tiêu cực, thành tựu và yếu kém khuyết điểm. Phải nhìn toàn diện, khách quan, trung thực, không quẩn quanh, né tránh.
Sự thật là qua hơn 80 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng ta đã vượt qua vô vàn khó khăn và thử thách, với bản lĩnh một Đảng cách mạng chân chính, gắn bó máu thịt với nhân dân, Đảng ta đã lãnh đạo, tổ chức và phát huy sức mạnh to lớn của toàn dân, toàn quân giành được nhiều thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng.
Sự thật là trong 25 năm đổi mới vừa qua, cùng với những thắng lợi trong đổi mới và phát triển đất nước trên các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị đến an ninh quốc phòng, Đảng ta cũng đã có nhiều cố gắng và tiến bộ trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo hướng từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo; bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức và lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nhờ đó đội ngũ cán bộ đảng viên của Đảng đã đóng góp tích cực vào những thành tích chung của đổi mới.
Nhưng cũng có một sự thật khác là bên cạnh những thành tích đó, công tác xây dựng Đảng cũng còn khá nhiều hạn chế và yếu kém, thậm chí có những yếu kém kéo dài không những chậm được khắc phục mà còn có xu hướng trầm trọng hơn, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng và như Nghị quyết TW đã nói: nếu không được sửa chữa, sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.
PV: Thưa ông đó là những yếu kém gì?
Ông Hà Đăng: Thứ nhất, đó là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, với những biểu hiện khác nhau như như: phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí.
Thứ hai, đội ngũ cán bộ các cấp, trước hết là cấp Trung ương - cấp chiến lược, chưa được xây dựng một cách cơ bản. Công tác quy hoạch cán bộ mới tập trung thực hiện ở cấp địa phương, chưa thực hiện ở cấp Trung ương là cấp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Việc đánh giá, bố trí cán bộ có nhiều trường hợp không đúng, không công tâm.
Thứ ba, nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” làm chưa thật đúng, có nơi chỉ là hình thức. Thẩm quyền và trách nhiệm giữa tập thể và cá nhân, nhất là người đứng đầu không rõ ràng. Có thành tích thì ai cũng vơ vào. Có khuyết điểm thì ai cũng đùn đẩy, thậm chí cái gì cũng đổ lỗi cho tập thể.
PV: Theo ông, có phải xuất phát từ những yếu kém nêu trên mà Hội nghị Trung ương 4 đã nêu lên ba vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay không? Sự khác biệt giữa những vấn đề cấp bách và những vấn đề cơ bản trong xây dựng Đảng là ở chỗ nào?
Ông Hà Đăng: Đúng là xuất phát từ ba loại yếu kém nêu trên mà Trung ương đã chọn ba vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.
Một là kiên quyết đấu tranh ngăn chặn đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp.
Thứ hai là xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Ba là, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể, cấp ủy, cơ quan, đơn vị.
Về sự khác nhau giữa vấn đề cơ bản và vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng, xin được hiểu như sau: Đại hội XI của Đảng (tháng 1/2011) đã đề ra phương hướng và nhiệm vụ bao trùm về xây dựng Đảng trong thời kỳ mới là: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”.
Tám nhiệm vụ cơ bản được được nêu lên một cách toàn diện, gồm từ xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, lý luận đạo đức, tổ chức bộ máy, cán bộ đến công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, đổi mới phương thức và phong cách lãnh đạo của Đảng…
Những nhiệm vụ cơ bản phải tiến hành một cách thường xuyên, liên tục, không chỉ trong nhiệm kỳ khóa XI mà còn cả một số nhiệm kỳ sau. Nhưng trong những nhiệm vụ cơ bản ấy, đang nổi lên những vấn đề rất cấp bách, đang tạo nên những sự bức xúc, trì trệ cần được tháo gỡ ngay càng sớm càng tốt để trong một vài năm có thể tạo được bước chuyển biến rõ rệt để tiếp tục tiến lên, đẩy mạnh một cách toàn diện công tác xây dựng Đảng trong những năm sau.
PV. Thưa ông, mối quan hệ giữa ba vấn đề cấp bách là gì?
Ông Hà Đăng: Về mối quan hệ giữa ba vấn đề cấp bách, có thể nói đó là quan hệ nội tại, hữu cơ, giải quyết vấn đề này có quan hệ đến vấn đề khác. Muốn nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phải đồng thời giải quyết cả ba vấn đề ấy, trong đó vấn đề thứ nhất: ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức và lối sống - được coi là vấn đề trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất.
Không giải quyết được vấn đề này sẽ không giải quyết quyết được hai vấn đề sau. Chừng nào sự suy thoái còn diễn ra trong đội ngũ cán bộ, đảng viên thì không thể nào nói đến việc xây dựng đội ngũ lãnh đạo và quản lý các cấp cho mạnh được.
PV: Ông đánh giá như thế nào về hệ thống giải pháp mà Trung ương nêu lên cho việc xử lý ba vấn đề cấp bách. Điểm mới trong hệ thống các giải pháp ấy là gì?
Ông Hà Đăng: Tôi cho rằng hệ thống giải pháp mà Trung ương nêu lên là rất toàn diện. Hệ thống giải pháp ấy bao gồm 4 nhóm: Một là nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiên phong gương mẫu của cấp trên. Hai là nhóm giải pháp và tổ chức cán bộ và sinh hoạt Đảng. Ba là nhóm giải pháp về cơ chế và chính sách. Bốn là nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị tư tưởng.
Có ý kiến cho rằng, 4 nhóm giải pháp ấy tuy có tính toàn diện, nhưng về thực chất, không có gì mới. Bởi đó là những biện pháp từng được nói đi nói lại nhiều lần. Theo tôi cái mới cần được hiểu là cái lần đầu tiên được nêu lên, cũng có thể là cái từng được nói tới nhưng nay đề cập với tinh thần mới và nội dung mới, cũng có cái tưởng như cũ nhưng do đặt trong bối cảnh tình hình đã khác trước mà trở thành mới.
Xin lấy thí dụ về nhóm giải pháp tự phê bình và phê bình. Ai chẳng biết tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Điều đó đã được ghi ngay trong Cương lĩnh đầu tiên và Điều lệ đầu tiên của Đảng. Tự phê bình và phê bình được quán triệt trong mọi cuộc vận động về xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ trước đến nay. Nhưng nhóm giải pháp và tự phê bình và phê bình trong Nghị quyết Trung ương 4 lần này đã nêu lên ba điều rất cụ thể.
Xin được nhắc lại là: Một là, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương tập trung kiểm điểm, đánh giá làm rõ tại sao những hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra nhiều năm nhưng chậm được khắc phục, có mặt còn yếu kém, phức tạp thêm; làm rõ nguyên nhân trở ngại trong việc lãnh đạo thực hiện các nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng.
Hai là, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương tiến hành kiểm điểm, đánh giá liên hệ bản thân về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan đến một số vấn đề cấp bách nêu trong Nghị quyết này, đề ra biện pháp khắc phục. Tập trung làm rõ trách nhiệm cá nhân, gương mẫu thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức, lối sống.
Ba là, các đồng chí ủy viên ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các ban của Trung ương Đảng, Ban thường vụ các Tỉnh ủy, Thành ủy và cấp ủy các cấp nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, nêu gương bằng hành động thực tế. Trong quá trình kiểm điểm cần liên hệ, gắn với xem xét việc thực hiện các quy chế, quy định; việc giải quyết những vấn đề về tổ chức, cán bộ; về giải quyết những vấn đề bức xúc của ngành, cơ quan hoặc địa phương.
Cái mới ở đây là việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình phải làm từ trên xuống, cấp càng cao càng phải nghiêm, càng phải gương mẫu, trên có chính, dưới mới yên. Kiểm điểm không phải để đấy mà là để sửa, để làm cho công việc tốt hơn.
Nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt Đảng là một sự bổ sung rất cụ thể cho nhóm giải pháp thứ nhất về tự phê bình và phê bình. Theo đó việc tự kiểm điểm phải đi liền với việc đánh giá cán bộ, xây dựng tiêu chuẩn cán bộ, sàng lọc cán bộ, thực hiện quy chế chất vấn tại các kỳ họp của Trung ương và các cấp ủy, quy chế định kỳ hàng năm lấy ý kiến tín nhiệm cán bộ, thực hiệc việc kê khai tài sản theo quy định của Đảng và Nhà nước và việc kê khai đó phải được công khai ở nơi công tác và nơi cư trú của cán bộ.
Nhóm giải pháp này cũng đề ra việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng lãng phí; tiếp tục sửa đổi, bổ sung luật phòng chống tham nhũng, kiện toàn và nâng cao hiệu quả các cơ quan phòng, chống tham nhũng; xét xử nghiêm những vụ án phòng chống tham nhũng, trước hết là những vụ án nghiêm trọng, phức tạp được dư luận quan tâm.
Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách đặc biệt nhấn mạnh việc rà soát loại bỏ các cơ chế, chính sách đã lạc hậu, xây dựng, ban hành đồng bộ các chính sách để đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ. Trọng tâm là đánh giá cán bộ, xây dựng tiêu chuẩn cán bộ theo chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ làm căn cứ cho việc quy hoạch, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu cấp ủy và cơ quan, đơn vị.
Tôi nhớ lại cách đây mấy chục năm, ở nhiệm kỳ Trung ương khóa VI, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từng phê phán hiện tượng làm công tác cán bộ tùy tiện, thiếu quy hoạch, khiến cho mỗi lần có đại hội lại một lần đốt đuốc đi tìm cán bộ, giống như người đốt đuốc đi bắt ếch, thấy con nào nhô đầu lên cao thì chộp lấy, rốt cuộc không bắt được ếch mà bắt phải nhái. Đồng chí cũng từng cảnh báo về tình trạng “nhà dột từ nóc dột xuống”.
Trong các Hội nghị Trung ương 3 và Trung ương 4 mới đây, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần nói đến việc kiên quyết chống lại thói đặc quyền, đặc lợi, lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ. Không thể chấp nhận việc một cán bộ có có quyền, chỉ sau một vài nhiệm kỳ bỗng nhiên giàu sụ lên mà nguồn gốc thu nhập lại không rõ ràng.
PV: Theo ông, triển vọng việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 ra sao? Và đâu là bí quyết thành công?
Ông Hà Đăng: Nghị quyết Trung ương 4 đã đặt vấn đề đúng và trúng. Quyết tâm của Trung ương là rất cao. Các giải pháp đề ra là toàn diện và có tính khả thi. Cán bộ và nhân dân đặt rất nhiều kỳ vọng vào Nghị quyết này. Vấn đề hiện nay là làm sao đưa Nghị quyết vào cuộc sống, tức là thực hiện cho được Nghị quyết. Bí quyết thành công là ở chỗ đã nói là làm, làm như đã nói; không nói nhiều làm ít, không nói khác, làm khác, thậm chí nói một đàng làm một nẻo.
Tuy nhiên, như đồng chí Tổng Bí thư đã nói, để thực hiện cho được Nghị quyết này, sắp tới còn phải làm rất nhiều việc. Phải tiến hành các giải pháp một cách đồng bộ, có bước đi, có lộ trình; có phương pháp đúng đắn, khoa học, với mong muốn đạt được hiệu quả thiết thực, từng bước tạo chuyển biến trên thực tiễn.
Có những việc phải làm ngay, nhưng ngay không có nghĩa là hôm nay nói là mai làm được, mà phải có sự chuẩn bị rất kỹ, không phải chỉ cho năm nay mà phải đến hết nhiệm kỳ, không phải chỉ nhiệm kỳ này mà có khi phải làm tiếp nhiệm kỳ sau.
Nói xây dựng Đảng là xây dựng con người, cho nên phải làm thường xuyên, liên tục, đòi hỏi quyết tâm cao, biện pháp phải quyết liệt, phải rất bền bỉ, bình tĩnh, tỉnh táo, không vội vàng. Theo tôi đó chính là bí quyết thành công.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!./.