Nghĩ về bản lĩnh báo chí Việt Nam và người làm báo
VOV.VN - “Nói đến báo chí, trước hết phải nói đến những người làm báo chí”. Càng suy ngẫm càng thấm thía chiều sâu câu nói của Bác``...
1. Báo chí cách mạng Việt Nam đi từ không đến có. Với tầm nhìn xa và trí tuệ kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng hai bàn tay không cùng vài học trò thân cận, Bác Hồ đã tạo dựng báo Thanh niên (1925), mở ra kỷ nguyên mới cho báo chí Việt Nam. Báo Thanh niên có vai trò và hiệu quả lớn. Những bài viết dưới hình thức báo chí đăng trên gần 90 số báo ra hầu như đều đặn hàng tuần, trong những điều kiện vô cùng gian nan, là cốt lõi nội dung tác phẩm Đường kách mệnh, mà sứ mệnh được tác giả giải bày lại Lời nói đầu: “Mục đích sách này là để nói lại cho đồng bào ta biết rõ: Ta muốn sống thì phải cách mệnh. Cách mệnh là việc chung của cả dân chúng chứ không phải việc của một hai người...”[1]
Nối tiếp và theo hướng báo Thanh niên gợi mở, từ năm 1925 đến năm 1945 Cách mạng tháng Tám thành công, nước ta có ít nhất 250 ấn phẩm phần lớn lưu hành bí mật, phần còn lại tùy tình hình, thời cuộc từng lúc từng nơi mà xuất bản công khai hợp pháp hoặc nửa hợp pháp. Trong số đó, hai tờ báo có nhiều cống hiến vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945 là Cờ giải phóng và Cứu quốc (1942-1945)[2].
Con số “ít nhất 250” hoặc “trên 250” ấn phẩm là dựa trên danh mục liệt kê. Còn lại bao nhiêu tờ lưu hành lặng lẽ tại một địa bàn, hướng tới một công chúng nhất định, ra có khi mới mỗi một số rồi mất bóng luôn, đơn giản bởi người làm báo đã bị xích tay tống vào tù và không loại trừ khả năng bị thủ tiêu.
Tác dụng của mỗi ấn phẩm báo chí cách mạng lưu hành bí mật, nửa công khai hoặc công khai thời kỳ ấy là như thế nào? Không có bất kỳ ai đủ sức đánh giá. Như một hệ thống nước ngầm có mạch lớn có mạch nhỏ, cũng có con suối trồi lên mặt đất một quãng ngắn, mỗi tờ một vẻ, một chức năng, một số phận, rốt cuộc cùng góp phần đào tạo cán bộ, củng cố tổ chức, thức tỉnh người dân, vạch mặt kẻ thù, làm thối ruỗng dần, lung lay tận gốc rễ chế độ thực dân, phong kiến, chờ ngọn sóng Tháng Tám 1945 trào lên lật nhào tất tật.
2. “Nói đến báo chí, trước hết phải nói dến những người làm báo chí” (lời Bác Hồ)[3]. Thế hệ những người làm báo cách mạng đầu tiên, được sự dắt dẫn trực tiếp hoặc từ xa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuyệt nhiên không có ai là nhà báo chuyên nghiệp hiểu theo nghĩa coi báo chí là một nghề mưu sinh hay làm nên danh vọng phù vân mà là những nhà hoạt động chính trị coi báo chí là một giải pháp, một phương thức hành động, một vũ khí đấu tranh, như Nguyễn An Ninh “Tôi chỉ muốn làm cơn gió thổi”[4], như Phan Đăng Lưu “Báo Dân từ trước đến nay chỉ có một mục đích, một phương châm là bênh vực dân, giúp đỡ dân...[5], như Trường Chinh, “Tác giả có ý chí kiên cường, tác phẩm khắc mang tính chiến đấu”[6], như Trần Huy Liệu cáo biệt độc giả, khi được tin tờ báo ông đang làm chủ bút bị thực dân Pháp đóng cửa: “Viết xong bài này thì đành liệng cây bút xuống, không nói nữa, không viết nữa, chỉ chờ người ta đến khóa tay dẫn đi mà thôi”, và bao tên tuổi nữa khó lòng kể hết.
Bác Hồ nói: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”[7]. Lời Bác đúng theo nghĩa bóng, người chiến sĩ “lấy cây bút, trang giấy làm vũ khí” mà chuẩn xác cả về nghĩa đen, hiển hiện trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, trong trận chiến đẩy lùi quân Trung Quốc xâm lăng biên giới. Tổng cộng có trên 500 nhà báo, liệt sĩ ngã xuống các chiến trường trong lúc đang tác nghiệp nhằm cứu nước, thực hành chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Trên thế giới không có quốc gia nào có nhiều người làm báo bỏ mình tại chiến trường nhiều đến vậy, kể cả những quốc gia đông dân nhất thế giới tham gia Chiến tranh thế giới thứ hai.
Đó là khí phách báo chí cách mạng Việt Nam, đó là bản lĩnh người làm báo Việt Nam. Và đó chính là tinh túy, là cốt lõi, là căn cứ giúp ta đi sâu đánh giá và phân tích toàn diện những thành tựu của báo chí cách mạng Việt Nam từ ngày xuất hiện đến nay.
3. “Nói đến báo chí, trước hết phải nói đến những người làm báo chí”. Càng suy ngẫm càng thấm thía chiều sâu câu nói của Bác. Như vậy, tôn vinh báo chí trước hết là vinh danh người làm báo; đánh giá chất lượng, hiệu quả của một nền báo chí là có nhận thức đúng về bản lĩnh, phẩm chất, năng lực đội ngũ những người làm nên báo chí ấy. Đầu tư cho báo chí khởi đầu bằng đầu tư nhân lực.
Nói cách khác, nhìn vào báo chí một quốc gia, chúng ta không cần phải choáng ngợp trước sự hoành tráng của nó về số lượng, loại hình, tích hợp, hội tụ, lan tỏa, v.v... (và dĩ nhiên khoản lợi nhuận kếch xù nó mang lại), mà trước hết cần xem xét chất lượng, nội dung nó chuyển tải, đối tượng nó phục vụ, nó đã và đang cống hiến những gì vào cuộc đấu tranh xây dựng đất nước, vì lợi ích đích thực của dân tộc họ, vì hòa bình thế giới, tiến bộ xã hội và phẩm giá con người. Chất lượng nội dung, cống hiến của báo chí ta vào cuộc đấu tranh của dân tộc thế kỷ qua nhìn dưới lăng kính ấy sẽ cho ta thấy đẳng cấp, bản lĩnh, năng lực, đạo đức của các thế hệ người làm báo cách mạng Việt Nam.
4. Đến thăm và nói chuyện tại Đại hội III Hội nhà báo Việt Nam năm 1962, với “tư cách một người có ít nhiều kinh nghiệm về báo chí”, Bác Hồ mở đầu bằng lời khen: “Từ ngày hòa bình được lập lại, cán bộ báo chí, thông tin và đài phát thanh đã có cố gắng nhiều và tiến bộ khá. Số báo chí cũng đã tăng rất nhiều, tỉnh nào cũng có báo, ngành nào cũng có báo”. Và Bác tiếp luôn: “Từ nay cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng của báo chí để nó làm tròn nhiệm vụ cao cả của nó”.
Hồi ấy miền Bắc có hơn 150 tờ báo các loại, một hãng thông tấn và một đài phát thanh quốc gia. So sánh với hệ thống phương tiện thông tin đại chúng của ta ngày nay, có thể thấy nhịp độ phát triển 60 năm qua, đặc biệt mươi, mười lăm năm trở lại đây, mạnh mẽ dường nào. Một em thiếu nhi mới lớn, khỏe mạnh, hồn nhiên, trong sáng đứng cạnh một đấng nam nhi cao to vạm vỡ, vóc dáng chẳng kém mấy ai. Đó là một bước phát triển tất yếu, đúng hướng, phù hợp quy luật tự nhiên và xu thế chung của thời đại. Tuy nhiên, nhìn kỹ một chút, không cần tinh ý lắm vẫn có thể nhận ra đấng nam nhi này sớm có hội chứng béo phì. Nếu không có giải pháp xử lý kịp thời, hợp tình hợp lý thì cùng với thời gian, hội chứng trở thành trọng bệnh, khó có thuốc trị đặc hiệu, hậu quả sẽ khôn lường.
Chúng tôi hoan nghênh chủ trương sắp xếp hệ thống báo chí nước ta theo hướng nâng cao chất lượng là chính. Đó không phải là hạn chế phát triển mà là tạo điều kiện cần cho phát triển vững bền. Then chốt quyết định thành công và cũng là giải pháp song hành với sắp xếp là bồi dưỡng, phát huy bản lĩnh người làm báo, nâng cao năng lực thực chất, chủ động, tự tin chứ không phải a dua, học đòi mọi thứ được coi là thời thượng trên đời. Khẳng định chức năng cao quý của nghề báo, nâng cao trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp của mỗi người.
Sắp xếp tất bao gồm xử lý. Xử lý mọi thực thể và hành vi đi ngược bản chất, mục đích, tôn chỉ báo chí cách mạng, làm phương hại bản sắc văn hoá dân tộc. Điều chỉnh khuynh hướng thương mại hóa đơn thuần, dẫn tới lá cải hóa báo chí, như lo ngại chính đáng của một số người. Báo chí cần có tiền, phải làm ra tiền, nhưng kiếm tiền không phải là mục đích của báo chí cách mạng. Sắp xếp là tăng cường, lấy tăng cường nhân lực làm ưu tiên. Sắp xếp cũng là dịp lãnh đạo, quản lý khẳng định bản lĩnh của mình.
5. Trước chủ trương đúng đắn của ta, đã có và sẽ càng rộ hơn luận điệu vu cáo Việt Nam hạn chế tự do ngôn luận, tự do báo chí. Theo tôi nghĩ, không có gì lạ và chẳng đáng để ta quá ngại ngùng. Câu chuyện này nói dài dài cả tháng cả năm chưa hết. Ở phương Tây có tự do báo chí, tự do ngôn luận đích thực, tức là vì dân, mà cũng có tự do, dân chủ trá hình, báo chí chuyên phục vụ lợi ích nhóm hoặc phe phái. Vài năm lại đây, mấy tờ báo lớn hàng đầu của Mỹ mạnh tay xử lý một số cộng sự bị bắt quả tang đạo văn, lừa dối độc giả. Đó là những việc không thể không làm, và xét đến cùng, cũng là những chiêu tiếp thị ngoạn mục.
Việc của ta ta cứ làm. Ta sẵn sàng lắng nghe, suy nghĩ, tiếp nhận những lời thiện ý, và sẵn sàng phản biện mọi phát biểu xô bồ bất kỳ chúng đến từ đâu. Cũng là cơ hội toả sáng bản lĩnh của người làm báo Việt Nam, chọn lọc cái hay, cái đẹp từ nước khác mà học, đồng thời nhận ra cái dở, cái kém của người mà tránh, chứ không phải hội nhập là nhắm mắt làm theo người tất tật. Tiếp thu có chọn lọc là bản lĩnh cố hữu của người cách mạng Việt Nam.
6. Báo chí nước ta ra đời muộn hơn châu Âu hai thế kỷ, và cách đây chưa lâu ta vẫn tụt hậu cả trăm năm so với các nước phát triển. Dù có cố gắng bươn chải đến đâu, cầm chắc trong nhiều năm nữa, ta chưa dễ gì đuổi kịp họ về hạ tầng cơ sở và công nghệ truyền thông. Tuy nhiên, báo chí Việt Nam có những nổi trội mà ít nước sánh bằng, toả sáng trong sự nghiệp giành độc lập tự do, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bản lĩnh người làm báo là tự hào với báo chí đất nước mình, thuỷ chung với nghề nghiệp mình, không vênh vang kiêu ngạo và chẳng có gì phải mặc cảm tự ti trước bất kỳ ai.
Nhà báo Trần Bạch Đằng, tên thường gọi Tư Ánh, là một cây bút đa dạng đa tài. Trong người anh Tư Ánh có nhà thơ Hưởng Triều, nhà viết kịch nói và điện ảnh Nguyễn Trương Thiên Lý, nhà chính luận Trần Quang, nhà nghiên cứu lịch sử, địa chí miền Nam họ Trần. Ít người biết, thời chống Mỹ, hoạt động bí mật trong nội thành, khi Ngô Đình Diệm làm mưa làm gió, ông còn là nhà báo Văn Lê, tay đàng hoàng cầm thẻ nhà báo do chính quyền Sài Gòn cấp. Ký giả Văn Lê đều đặn viết bình luận, phiếm luận đăng trên tờ nhật báo Buổi sáng phát hành rộng rãi tại Sài Gòn, bút hiệu Tổng Tào Lao - ám chỉ Tổng Ngô Đình. Bước vào tuổi 80, anh Tư Ánh tự bạch: “Báo chí là trận địa mà tôi ưa thích, và viết báo với tất cả hứng thú sẽ cùng đi với tôi đến khi tôi không còn viết được nữa”[8].
Nhà báo Hoàng Tùng, mà cuộc đời gắn bó suốt 30 năm với cây đa cổ thụ trước phòng họp chúng ta hôm nay, người từng giữ nhiều trọng trách trong đó có hai ghế nóng thời dân tộc ta như ngồi trên nước sôi lửa bỏng, là Bí thư Thành uỷ Hà Nội và Bí thư Thành uỷ Sài Gòn năm 1945-1946. Ông ra đi ở tuổi 91 để được « thường trú cạnh Bác Hồ” - lời ông nói vui trên giường bệnh. Nhiều người đến viếng lễ tang ông ngạc nhiên: Bên trên bàn thờ và linh cữu nhà cách mạng lão thành quàn tại Nhà tang lễ quốc gia, là dòng chữ: Vô cùng thương tiếc Nhà báo Hoàng Tùng. Nhà báo Hoàng Tùng. Đơn giản vậy thôi. Con trai ông lý giải: “Cha em dặn thế”.
Để khỏi chịu tiếng « mèo khen mèo », cho phép tôi dẫn một trường hợp nước ngoài. Tiểu thuyết gia Pháp Francois Mauriac (1885-1970) là một văn hào thành danh sớm. Ông được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp ở tuổi 47, tiếp đó nhận Giải Nobel văn học. Một người bạn ngỏ ý với viện sĩ, mời anh thi thoảng viết cho báo tôi vài bài, viết thế nào cũng được, chỉ cần cái tên anh trên mặt báo. Ông gào lên: “Không! Nhà văn một khi cầm đến cây bút thì dấn thân trọn mình vào bài viết nhỏ nhất”. Và văn hào đã dành gần nửa thế kỷ cuối đời dấn thân cho nghề báo, cộng tác với hơn mười tờ báo và tạp chí khác nhau. Nghề báo, tức thực tại cuộc sống đời thường, đã đưa nhà văn xuất thân dòng dõi tư sản bự, người luôn tự hào là một con chiên ngoan của Chúa, về chính trị thuộc phái De Gaulle, nhích dần từ hữu sang tả, thân thiết với thi hào Louis Aragon, chủ bút báo Văn học Pháp, nhà báo Pierre Courtade, cây bút chính của báo Nhân đạo. Ông tham gia chống phát xít Đức. Ông phản đối cuộc chiến tranh bẩn thỉu của Pháp ở Việt Nam. Hai bài viết ngắn gọn, kịp thời, xúc động mọi người đọc, in trên chuyên mục Sổ tay do ông phụ trách về Ngày giải phóng thủ đô Paris năm 1944 và Ngày ký Hiệp định Genève lập lại hòa bình tại Việt Nam năm 1954 (viết lúc ông đang đi nghỉ hè), là những áng văn hay để đời. Tuổi 80, sắp về với Chúa, tiếp một đoàn nhà báo nước ngoài ai cũng nôn nóng được diện kiến và phỏng vấn nhà báo-văn hào mỗi một câu thôi, Francois Mauriac nói: “Các bạn thật khó mà tin nổi, kỳ diệu xiết bao được từ giã cõi trần trên cương vị một người làm báo... Nhờ nghề báo, tôi còn sống khoẻ trên đời này... Nghề báo cho tôi cảm giác mình còn có sức phục vụ những ý tưởng thân thiết với mình, phụng sự niềm tin của mình, bảo vệ bè bạn của mình...”[9]
___________________________________
[1] Các trích dẫn lời hoặc tác phẩm của Bác Hồ đều rút từ Hồ Chí Minh toàn tập.
[2] Nguyễn Thành, Báo chí cách mạng Việt Nam 1925-1945. Báo Thanh niên ra 200 số, trong đó chỉ 88 số đầu do Bác Hồ thực hiện.
[3] Nói chuyện tại Đại hội lần thứ II HNBVN (1959)
[4] Lời chí sĩ Nguyễn An Ninh nói với nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai năm 1939, theo Hồi ký của bà Nguyễn Thị Minh, con gái Nguyễn An Ninh.
[5] Báo Dân, 1939.
[6] Nói chuyện với cán bộ báo Nhân Dân, 1981.
[7] Nói chuyện tại Đại hội lần thứ III HNBVN (1962).
[8] Trần Bạch Đằng, Cuộc đời và ký ức.
[9] Báo Le Figaro littéraire, 1968.