Người hai quốc tịch phải chịu sự quản lý của luật hiện hành
VOV.VN -Người mang hai quốc tịch, trong đó có quốc tịch Việt Nam, khi nhập cảnh chịu sự quản lý theo luật hiện hành của Việt Nam.
Tiếp tục phiên họp thứ 24, chiều 13/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa, các dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp. Cùng dự có đại diện Bộ: Tư pháp, Tài chính, Công an, Giao thông Vận tải.
Dự án Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh sửa 40 điều trong tổng số 57 điều của 9 chương.
Đây là dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6 vừa qua. Một số nội dung còn có ý kiến khác nhau được tập trung thảo luận trong phiên họp chiều này là: Vấn đề quá cảnh; người không quốc tịch; đơn phương miễn thị thực hay thẩm quyền mời, bảo lãnh của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Về tên gọi của dự án luật, đa số ý kiến đề nghị giữ nguyên như dự thảo là “Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam”.
Về vấn đề người không quốc tịch, các đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm này để xác định đối tượng bị điều chỉnh, cũng như thuận lợi trong việc ký kết các thỏa thuận hợp tác quốc tế liên quan.
Đối với người mang hai quốc tịch, trong đó có quốc tịch Việt Nam, khi nhập cảnh chịu sự quản lý theo các luật hiện hành của Việt Nam.
Đa số ý kiến tán thành với việc đơn phương miễn thị thực, nhằm tạo điều kiện cho quan khách quốc tế tới Việt Nam làm việc, cũng như để bảo đảm chặt chẽ, khẳng định chủ quyền nước ta dự thảo cần ghi “đơn phương miễn thị thực có thời hạn”.
Cũng trong chiều nay, các đại biểu cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa.
Các vấn đề còn có ý kiến khác nhau được tập trung cho ý kiến như: Phạm vi điều chỉnh, quy hoạch phát triển và quản lý; khai thác kết cấu hạ tầng, cũng như việc quản lý, khai thác cảng, bến thủy nội địa.
Về việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông đường thủy nội địa, các đại biểu đề nghị cần siết chặt quản lý, đặc biệt là quy định độ về tuổi điều khiển phương tiện đường thủy.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai, dự thảo luật cần xem xét tuổi đối với thuyền viên và người lái phương tiện để phù hợp với Luật lao động hiện hành.
Ngày mai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp cho ý kiến án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 7, dự án Luật hải quan (sửa đổi) và bàn chương trình hoạt động đối ngoại năm 2014 của các cơ quan của Quốc hội./.