Nhà báo chiến trường từng chụp những bức ảnh đầu tiên ở Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975
VOV.VN - Nhà báo Đậu Ngọc Đản cho biết: "Trưa 30/4, sau khi “tác nghiệp” ở Dinh Độc Lập, tôi phải tìm cách nào đó để chuyển bài vở ra Bắc thật nhanh".
Với tư cách phóng viên mặt trận của Thông tấn quân sự, nhà báo Đậu Ngọc Đản là một trong số những phóng viên đầu tiên của miền Bắc có mặt tại Dinh Độc lập vào lúc 11h30 ngày 30/4/1975, chứng kiến và ghi lại những hình ảnh lịch sử: Nội các của Dương Văn Minh đầu hàng (bước xuống bậc tam cấp theo sự quản lý của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 304, Lữ đoàn 203); Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 bước lên nhận sự đầu hàng của chính quyền Sài Gòn; Đại đội trưởng Bùi Quang Thận treo cờ Tổ quốc trên tầng thượng của Dinh Độc lập…
Chia sẻ với phóng viên VOV.VN, nhà báo Đậu Ngọc Đản cho biết, xuất thân là phóng viên quân sự thuộc Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị, ông đã có mặt ở nhiều chiến trường, trận địa. Ông luôn biết ơn những cơ hội đó, nó không chỉ giúp ông trưởng thành trong nghề nghiệp, mà quan trọng hơn, qua chứng kiến những hình ảnh tàn khốc nhất nhưng cũng vinh quang nhất trong cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, người chiến sĩ cầm bút như ông thấy mình phải có trách nhiệm hơn với mỗi con chữ, hình ảnh, thước phim.
PV: Thưa ông, sau khi chớp được những hình ảnh đầu tiên về giờ phút lịch sử ngày 30/4/1975 đó, ông làm thế nào để chuyển tin bài về tòa soạn, kịp thời lên báo?
Nhà báo Đậu Ngọc Đản: Trưa 30/4, sau khi “tác nghiệp” ở dinh Độc Lập, tôi phải tìm cách nào đó để chuyển bài vở ra Bắc thật nhanh. Trong sân dinh Độc Lập lúc đó, rất nhiều nhân viên, tùy tùng của chính quyền Sài Gòn đứng đợi. Không hiểu sao tôi bỗng cất giọng hỏi rất to: “Chúng tôi là phóng viên ở miền Bắc vào. Đây là thời cơ lập công của các ông. Ai có thể chở chúng tôi ra sân bay Tân Sơn Nhất?”.
Có năm, sáu cánh tay giơ lên, tôi chỉ vào một người. Đó là Võ Cự Long, sĩ quan lái xe dẫn đường của chính quyền Sài Gòn. Nhờ người này, chúng tôi nhanh chóng đến được Bộ Tổng Tham mưu Việt Nam cộng hòa, sân bay Tân Sơn Nhất. Nhưng đến Tân Sơn Nhất thì không có máy bay. Chúng tôi phải đi thẳng ra Đà Nẵng mới chuyển được. Tôi quyết định động viên Võ Cự Long đưa tôi và anh Hoàng Thiểm về Đà Nẵng bằng xe Zep. Một mình Long lái xe suốt tối 30 đến rạng sáng 2/5 thì về đến Đà Nẵng.
Ngay buổi trưa hôm đó, anh Thiểm theo máy bay đưa tài liệu ra Hà Nội. Báo Nhân Dân và Quân đội Nhân dân ngày 3/5 đã đăng những hình ảnh đầu tiên về giờ phút lịch sử ngày 30/4/1975.
PV: Làm sao ông có thể nghĩ ra ý định thuyết phục sĩ quan đó lái xe giúp ông chuyển tin bài?
Nhà báo Đậu Ngọc Đản: Tôi nghĩ đấy là phản ứng nghề nghiệp, phản ứng do tính cấp bách, trọng đại của công việc, của lời thề người lính khi nhận nhiệm vụ, phải tận tâm tận lực thi hành một cách nhanh nhất và chính xác.
PV: Được biết ông vào chiến trường khi tuổi còn rất trẻ. Ông đã có sự chuẩn bị ra sao để dấn thân?
Nhà báo Đậu Ngọc Đản: Với tư cách là phóng viên chiến trường, tôi có may mắn được có mặt ở nhiều mặt trận. Năm 1972 ở Quảng Trị, năm 1975 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, năm 1979 ở phía Bắc, năm 1984 sang Campuchia, năm 1988 ra đảo Gạc Ma… Ở mỗi trận địa đó, mình có điều kiện trưởng thành hơn trong nghề nghiệp và định hình cho mình phong cách của một phóng viên thực sự, bởi đi vào thực tế cuộc sống chiến đấu như thế, nếu không có một phong cách thực sự thì khó trở thành phóng viên chiến trường.
PV: Phong cách của phóng viên chiến trường như ông vừa đề cập, có thể hiểu là gì?
Nhà báo Đậu Ngọc Đản: Là trước hết anh phải tìm hiểu về nơi mình sẽ đến, sẽ viết về nó. Ví như trước khi tham gia phản ánh một trận đánh, anh phải hiểu được quy mô của trận đánh đó, nắm được cách thức tiến hành chiến tranh. Phóng viên không chỉ chăm chăm vào những gì diễn ra trước mắt mà còn có cả những câu chuyện ở phía sau để có thể hiểu hơn về cục diện chung của trận đánh. Phóng viên phải thu thập cho mình những tài liệu như thế.
PV: Ông đã chuẩn bị tâm lý ra sao để đối diện với những khó khăn, thử thách rất khốc liệt ở chiến trường khi còn trẻ như vậy?
Nhà báo Đậu Ngọc Đản: Tôi cũng như nhiều chiến sĩ khác, chiến trường không phải là nơi dễ dàng, chỉ có cách mình phải làm sao để chiến thắng và hoàn thành nhiệm vụ. Chính trong khó khăn, gian khổ lại giúp con người ta bộc lộ được những năng lực vốn có của mình, có những sáng tạo, cách làm hay. Càng khó khăn, gian khổ càng phải kiên trì, hướng đến mục tiêu cuối cùng của mình là phải có được những bài báo hay, có những tấm hình đẹp, tiêu biểu để phản được kịp thời cuộc sống chiến đấu gian khổ của đồng đội mình, cũng những cán bộ chiến sĩ đã hy sinh.
Đối với người làm báo, trong những điều kiện hiểm nguy nhất, càng phải giữ tầm nhìn rộng hơn, bám theo đồng đội, chiến sĩ, sống chết với họ, nó tạo cho mình năng lượng để có thể vượt qua khó khăn. Từ thực tế làm báo trong thời kỳ chiến tranh, càng khó khăn gian khổ thì những ý tưởng, sức sáng tạo càng lớn, có những tác phẩm lớn hơn.
PV: Từ kinh nghiệm thực tiễn của mình, theo ông, phóng viên trẻ hôm nay, tuy không còn phải đối mặt với chiến tranh ác liệt như xưa, nhưng với những sự kiện bất ngờ xảy ra, ví như cuộc chiến chống dịch Covid-19 vừa rồi, họ sẽ phải chuẩn bị ra sao để có thể dấn thân một cách hiệu quả?
Nhà báo Đậu Ngọc Đản: Tôi cho rằng thế hệ phóng viên trẻ hiện nay hầu hết có được thế mạnh hơn trước đây, đa phần đều được đào tạo cơ bản, có kiến thức và quan trọng hơn là có công cụ hỗ trợ rất mạnh cũng như phương thức để truyền tải tác phẩm của mình đến với công chúng rất nhanh, rất tốt. Họ cũng tiếp bước được thế hệ đi trước ở sự dũng cảm, sáng tạo không ngừng. Thực tế qua cuộc chiến đấu bảo vệ biển đảo quê hương những năm vừa qua, và đặc biệt trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19, đã có những tác phẩm được phản ánh rất sáng tạo.
Ngày xưa các cụ dạy, muốn viết được, trong đầu phải có 3 vạn cuốn sách, mắt phải thấy được hết núi non hiểm trở thì hãy đặt bút viết, biết 10 nhưng chỉ nên nói 1. Theo tôi lời dạy đó là chí lý. Nội dung tác phẩm là yếu tố quyết định, cho nên muốn làm được phải học, phải đọc, phải suy nghĩ, phải lăn vào cuộc sống như vốn có của nó.
PV: Xin cảm ơn ông./.