Nhà sử học Dương Trung Quốc:Hòa hợp dân tộc là một quá trình lâu dài!
VOV.VN - Theo Nhà sử học Dương Trung Quốc, vấn đề hòa hợp, đại đoàn kết dân tộc là một mục tiêu không đơn giản.
Gần 40 năm đất nước thống nhất, non sông được thu về một mối, nhưng đâu đó trong lòng người dường như vẫn còn có sự ngăn cách. Chia sẻ với nhận xét này, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng không nên lý tưởng hóa một cách dễ dàng bởi để đạt được mục tiêu hòa hợp dân tộc đòi hỏi một quá trình lâu dài. Khi mỗi con người với ý thức công dân của mình, trách nhiệm của mình cùng tham gia vào quá trình đó mục tiêu của chúng ta sẽ sớm đạt được.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: 40 năm ấy cho chúng ta hai cảm xúc: Thứ nhất, sau 40 năm chúng ta đã đi được một chặng đường dài, nhưng phải thừa nhận rằng chúng ta đã thống nhất được lãnh thổ, thống nhất được quốc gia và xây dựng được một nền kinh tế phát triển; hội nhập với thế giới nhưng thống nhất lòng người vẫn còn nhiều điều phải băn khoăn.
Cảm xúc thứ hai, 40 năm ấy là chặng đường chúng ta đã làm được nhiều điều đúng như mục tiêu của cuộc đấu tranh của chúng ta. Tuy nhiên, có những mục tiêu tưởng chừng đơn giản chúng ta vẫn chưa đạt tới. Điều Chủ tịch Hồ Chí Minh trên con đường phấn đấu xây dựng đất nước luôn mong muốn nước Việt Nam được hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh. Đấy vẫn là những mục tiêu ở phía trước.
Cứ mỗi dịp kỷ niệm sự kiện 30/4 chúng ta càng thấm thía rằng mục tiêu không chỉ gìn giữ độc lập mà quan trọng hơn nền độc lập ấy phải gắn với toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất quốc gia là sự nghiệp vô cùng to lớn, vô cùng cao cả mà thế hệ chúng ta, thời đại chúng ta đã đạt được những điểm căn bản nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề ở phía trước.
PV: Sau 40 năm thống nhất đất nước, vấn đề hòa hợp dân tộc, đại đoàn kết dân tộc vẫn là điều mà nhiều người còn trăn trở. Là người làm công tác nghiên cứu lịch sử, ông có suy nghĩ gì về điều này?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Hoàn toàn đúng và chúng ta có thể giải quyết được vấn đề này. Sự trăn trở này có cả những yếu tố chủ quan và khách quan. Chúng ta đang sống trong một thời kỳ rất phức tạp, những yếu tố bên ngoài và bản thân con đường phát triển của chúng ta gặp không ít khó khăn làm người dân chưa thể hài lòng, nhất là chúng ta còn đang trên một tiến trình xây dựng một nền dân chủ mọi người có quyền làm chủ vận mệnh của mình, làm chủ đất nước của mình. Đây là một quá trình phải phấn đấu và chúng ta không thể quá vội vã nhưng cũng không thể quá thỏa mãn với những gì đã làm được.
Nói đến sự nghiệp cách mạng, xây dựng đất nước chúng ta đừng nên lý tưởng hóa, đó chỉ là mong muốn, đường lối, chính sách và cuối cùng là con người. Con người ở đây là trách nhiệm đứng về phía Nhà nước, tổ chức xã hội để thực thi mục tiêu ấy. Không thể đòi hỏi ở bản thân mỗi con người điều gì ngoài sự thay đổi chính mình để theo kịp. Cho nên khi nhìn nhận vấn đề đó, ta đổ cho lý do này, lý do kia nhưng đầu tiên phải thử hỏi mình đã làm được gì cho đất nước. Trong thực tiễn xây dựng đất nước, nảy sinh không ít tiêu cực, yếu tố làm suy giảm lòng tin và đại đoàn kết dân tộc và mục tiêu xây dựng một xã hội tốt đẹp.
Khi bàn về vấn đề này, đừng lý tưởng hóa một cách dễ dàng bởi đây là một mục tiêu không đơn giản. Trong thế kỷ vừa rồi, do hoàn cảnh lịch sử và sự thực cho thấy chúng ta phải đương đầu với rất nhiều cuộc chiến tranh, hy sinh, mất mát rất to lớn, nhưng mục tiêu của chúng ta thực ra rất đơn giản: dân tộc được sống độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước thì mới đạt được nền hòa bình bền vững. Mục tiêu chỉ có thế, nhưng chúng ta phải đương đầu với nhiều thế lực, nên cho đến giờ công cuộc ấy vẫn còn đang tiếp tục.
Chúng ta đang hội nhập với thế giới trong đó có cả những quốc gia từng là kẻ thù của mình. Tại sao chúng ta có thể hòa giải với rất nhiều quốc gia, như Pháp, Nhật, Mỹ, trong khi những vấn đề của chính chúng ta lại chưa thực hiện được. Điều đó buộc phải suy nghĩ.
Vì thế tôi cho rằng khi đặt vấn đề này, ai cũng cảm thấy bức xúc nhưng phải hiểu rằng bức xúc ấy chỉ được giải quyết khi mỗi con người với ý thức công dân của mình, trách nhiệm của mình phải tham gia vào quá trình đó.
PV: Sau hòa bình, đất nước đổi mới, hội nhập quốc tế, làm bạn với tất cả nước theo đường lối đối ngoại của Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài cũng có xu hướng trở về nước nhiều hơn. Tuy nhiên, còn không ít người gắn với chế độ cũ vẫn giữ tư tưởng cực đoan, thiếu thiện chí với trong nước. Theo ông, chúng ta phải làm gì để dần xóa bỏ khoảng cách này?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Cá nhân tôi cũng như nhiều người Việt Nam khác, trong mỗi gia đình, dòng họ trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể, có một bộ phận có thể đi theo phía này, phía kia, tuy nhiên rất nhiều vấn đề chúng ta đã thực hiện hòa hợp được trọn vẹn. Cá nhân tôi đã từng gặp ông Nguyễn Cao Kỳ, ông Phạm Duy – những người từng có thời gian đứng về chiến tuyến bên kia nhưng rồi họ cũng nghĩ được và quay trở về đất nước. Hòa hợp nhìn chung là trên ý nghĩa đó. Chúng ta cũng thấy rằng có những bạn trẻ hầu như không có ký ức gì về quá khứ nhưng vẫn có sự khác biệt về quan điểm, thậm chí có những hành vi cực đoan.
Có thể khẳng định rằng điều đó là khó tránh khỏi, nhất là trong đời sống, xã hội phát triển như ngày nay, đời sống thông tin, sự lựa chọn là vấn đề luôn được đặt ra. Vì thế, tôi cho rằng mỗi người dân phải có một sự nỗ lực, muốn hòa hợp phải đến với nhau, điều đó hết sức quan trọng. Phải quay trở lại nguyên lý ngay từ thời điểm kết thúc cuộc chiến tranh, ai cũng nhớ tới lời nói của Tướng Trần Văn Trà khi ngồi với ông Dương Văn Minh – Tổng thống chế độ cũ, rằng “ở đây không có người Việt Nam nào thua, chỉ có kẻ xâm lược thua thôi”.
Nguyên lý ấy cho đến ngày nay chúng ta vẫn chưa thực hiện được trọn vẹn. Đó là vấn đề mà chúng ta phải luôn nhìn lịch sử để tìm thấy nguồn lực đồng thời cũng thấy được những luận chứng cuộc sống để phấn đấu và vượt qua được nhận thức. Đó là một quá trình lâu dài, không có cách nào khác là mỗi người cùng phấn đấu hướng đến cái tốt, đến với nhau, chúng ta sẽ thực hiện được. Đương nhiên có những thế lực thù địch, thời gian sẽ là liệu pháp giúp chúng ta khắc phục từng bước.
PV: Trong sự phát triển của đất nước thời gian qua không thể phủ nhận sự đóng góp của kiều bào. Vấn đề kêu gọi nguồn lực kiều bào tham gia vào công cuộc phát triển đất nước được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, để thu hút hơn nữa nguồn lực từ 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, chúng ta cần thay đổi gì so với cách làm hiện nay?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tôi có cảm giác rằng chính sách hòa hợp dân tộc nói chung và chính sách với kiều bào nói riêng từ trước đến nay về căn bản là đúng cho từng giai đoạn lịch sử. Nhưng tại sao những chính sách ấy không đi vào đời sống, có một sự thực là phía kiều bào có thể mặc cảm, nhưng về phía đất nước chúng ta cũng có những sai sót. Vì thế, từ chính sách đến đời sống vẫn còn khoảng cách. Đó là trách nhiệm của mỗi con người và cơ chế giám sát. Rõ ràng không phải lý thuyết, yếu tố dân chủ, minh bạch để mọi người cùng tham gia, cùng giám sát được bộ máy thực hiện các chính sách. Trong Quốc hội, chúng ta bàn câu chuyện muốn bà con Việt kiều hào hứng về nước sinh hoạt, đầu tư phải có chỗ ở cho họ. Chính sách bán nhà cho kiều bào đã được đặt ra nhưng khi đi vào vận hành có rất nhiều rào cản, đôi khi khiến bà con nản lòng, người ta đâm ra nghi ngờ chính sách ấy liệu có thực không hay chỉ là hình thức. Tôi cho rằng đây là quá trình mà ta phải thực hiện tốt quyền giám sát của người dân, để chính sách đúng, chính sách phải “đi vào” đời sống. Điều đó làm tăng lòng tin của bà con.
Chúng ta đang đứng trước những thách thức rất lớn trong bước chuyển đổi và khi chúng ta thừa nhận xã hội còn có tiêu cực, một bộ phận suy thoái đó chính là nhân tố tác động vào vấn đề chính sách không đi vào đời sống nói chung, trong đó có chính sách với kiều bào. Cuộc phấn đấu này là tổng hòa tất cả, không giải quyết một chính sách cụ thể, mà giải quyết cả một cơ chế.
PV: Xin cảm ơn ông./.