Nhiều kiến nghị cấp bách đưa ra tại Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ

VOV.VN - Nhiều kiến nghị và giải pháp cấp bách được đưa ra tại Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ diễn ra vào sáng nay (18/7) tại Thành phố Hồ Chí Minh, dưới sự chủ trì Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng.

Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của Vùng nhằm phối hợp triển khai thực hiện các định hướng của Vùng đã được Quốc hội, Bộ Chính trị thông qua, là dấu mốc quan trọng trong chuỗi các chương trình cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã công bố Quyết định số 825 ngày 11/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ. Đây là 1 trong 4 Hội đồng điều phối vùng được Thủ tướng Chính phủ thành lập, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ.

Quan điểm phát triển vùng Đông Nam Bộ phải là vùng phát triển năng động, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á, giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác.

Mục tiêu phát triển vùng đến năm 2030 xây dựng Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại. Cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và khu vực; đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới.

Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế phát triển đứng đầu cả nước. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ nét và dẫn đầu cả nước. Tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 8 - 8,5%; GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 380 triệu đồng, tương đương 14.500 USD; Hoàn thành đường vành đai 3, vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn l.

Đến năm 2050, Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hoà giữa kinh tế với văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh; có chất lượng cuộc sống cao, có trình độ y tế, giáo dục thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á.

Thành phố Hồ Chí Minh là hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng; nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trí thức trẻ đến sinh sống và làm việc; nơi tập trung các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Tại hội nghị, lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học đã đề xuất, kiến nghị và đưa ra nhiều giải pháp nhằm phát triển Vùng Đông Nam Bộ trong 6 tháng cuối năm và thời gian tới về các nội dung như: Giải pháp phối hợp và thu hút nguồn lực xây dựng mạng lưới giao thông vùng Đông Nam Bộ đồng bộ, hiện đại; Giải pháp điều phối, xây dựng và phát triển các đô thị lớn trong Vùng trở thành các thành phố hiện đại mang tầm cỡ khu vực; Giải pháp hình thành và đẩy mạnh phát triển trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai; Giải pháp xử lý các vấn đề về môi trường; chuyển đổi số và xây dựng Trung tâm dữ liệu vùng; Đề xuất một số cơ chế chính sách đặc thù cho Vùng; Giải pháp phát triển vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistic dọc tuyến vành đai 3, vành đai 4; các giải pháp kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh… Đặc biệt là giải pháp phối hợp và thu hút nguồn lực xây dựng mạng lưới giao thông vùng Đông Nam Bộ đồng bộ, hiện đại. 

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chỉ ra 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong đó nhấn mạnh, nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, vượt trội để đẩy mạnh phát triển Vùng Đông Nam Bộ, thúc đẩy liên kết vùng tương tự như một số cơ chế, chính sách thí điểm của Thành phố Hồ Chí Minh đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 98/2023/QH15, trong đó tập trung vào như: Thực hiện phân cấp, phân quyền triệt để cho các địa phương có năng lực kinh nghiệm thực hiện đầu tư KCHT liên vùng, nhằm chủ động huy động, sử dụng các nguồn lực của địa phương, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và bố trí nguồn lực phù hợp

Xây dựng các cơ chế, chính sách tăng tính hấp dẫn và hiệu quả đầu tư của các dự án PPP như: tăng tỷ lệ phần vốn góp của nhà nước tham gia dự án; khai thác có hiệu quả nguồn lực từ tài sản kết cấu hạ tầng (như nhượng quyền khai thác KCHTGT sẵn có), xây dựng cơ chế ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư chiến lược…; Nghiên cứu, triển khai cơ chế tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ hai bên tuyến đường bộ cao tốc, các công trình nhà ga của tuyến đường sắt qua đô thị gắn với mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD).

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Thắng cũng đề nghị các địa phương trong vùng cần chủ động dành nguồn lực để đầu tư, hoàn thiện, nâng cấp kịp thời, đồng bộ các tuyến đường kết nối từ đường cao tốc, giao thông trục chính vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển, sân bay và cảng thủy nội địa, để đảm bảo khai thác đồng bộ hạ tầng giao thông, không để xảy ra tình trạng “cảng chờ đường” gây lãng phí nguồn lực.

Về giải pháp điều phối, xây dựng và phát triển các đô thị lớn trong vùng trở thành các thành phố hiện đại mang tầm cỡ khu vực, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã đưa ra các giải pháp, đồng thời đề nghị quan tâm dành nguồn lực thỏa đáng cho công tác lập quy hoạch, tập trung hoàn thành, phê duyệt quy hoạch vùng Đông Nam bộ, quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng trong vùng; rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng không còn phù hợp để đảm bảo yêu cầu đầu tư phát triển, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với các quy hoạch, với các cấp độ quy hoạch.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ và các địa phương quan tâm dành đủ nguồn lực để đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, trong đó tập trung cho kết cấu hạ tầng giao thông cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải; cân đối bố trí đủ nguồn lực để đầu tư cho các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là các công trình hạ tầng kỹ thuật trọng điểm tại các đô thị lớn và quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công dân đảm bảo thực hiện mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ của các địa phương trong thực hiện Đề án phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030.

Cho biết nhu cầu nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội tại vùng Đông Nam bộ là lớn nhất cả nước, ông Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh viêc cần đưa các chỉ tiêu về phát triển nhà ở, trong đó có chỉ tiêu bắt buộc về phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hằng năm của các tỉnh trong vùng. Hình thành các đô thị gắn với phát triển các khu công nghiệp tại các tỉnh xung quanh Thành phố Hồ Chí Minh nhằm chia sẻ, giảm áp lực gia tăng dân số tại khu vực đô thị trung tâm Thành phố.

Nâng cấp, cải tạo, xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội hiện đại tại đô thị và mạng lưới cung cấp dịch vụ hạ tầng xã hội lồng ghép vào quá trình lập và phê duyệt chương trình phát triển đô thị. Tiếp tục có chính sách khuyến khích đối với các dự án cung cấp dịch vụ xã hội đô thị ở các khu kinh tế của khẩu, các vùng công nghiệp lớn.

Về giải pháp xử lý các vấn đề về môi trường, ngập úng thích ứng với biến đổi khí hậu trong đó tập trung vào giải pháp bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đưa ra nhiều giải pháp, trong đó nêu rõ cần phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, tuần hoàn, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế các bon thấp, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, Tiếp tục tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra và xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.  

Ông Đặng Quốc Khánh đề nghị, cần chủ động kiểm soát các nguồn thải lớn, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; ngăn chặn các tác động xấu đối với môi trường thông qua mô hình tổ giám sát đối với dự án, cơ sở sản xuất lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường cao; thiết lập các cơ chế kiểm soát liên ngành, liên vùng, ngăn chặn các hoạt động phát thải gây hại đến môi trường trong vùng và liên vùng

Đặc biệt chú trọng đến các vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải; phân luồng các dự án đầu tư mới theo mức độ tác động đến môi trường ngay từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư để kiểm soát trong suốt vòng đời hoạt động; kiểm soát ô nhiễm môi trường từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thông qua giấy phép môi trường, quy hoạch BVMT, khả năng chịu tải môi trường và quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Khẩn trương hoàn thành quy hoạch

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính – Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ khẳng định, đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của Vùng nhằm điều phối và liên kết vùng, phối hợp triển khai thực hiện các định hướng đã được Quốc hội, Bộ Chính trị thông qua.

Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung chính, trong đó nêu rõ, các Bí thư Thành uỷ, Bí thư Tỉnh uỷ, thành viên Hội đồng vùng cần tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án, các hoạt động liên kết vùng bảo đảm đồng bộ, nhất quán và hiệu quả, phù hợp với quy định pháp luật và các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thủ tướng lưu ý, hiện nay, chúng ta đang tập trung cho 3 động lực tăng trưởng (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu); do đó, phải gắn nhiệm vụ phát triển Vùng với 3 đột phá chiến lược và 3 động lực tăng trưởng này; phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, đổi mới tư duy trong trong việc vay vốn; cố gắng lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội.

Thủ tướng cũng yêu cầu phải nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, mở rộng các thị trường xuất khẩu. Thủ tướng mong vùng Đông Nam Bộ tiên phong trong những nhiệm vụ này với diện tích chiếm 9% và dân số chiếm 20% nhưng vùng Đông Nam bộ đã đóng góp hơn 30% GDP, khoảng 45% tổng thu ngân sách nhà nước và hơn 32% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Nhấn mạnh cần tập trung cho công tác xây dựng quy hoạch – vấn đề đòi hỏi cấp bách, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thành quy hoạch; các thành viên Hội đồng tập trung chỉ đạo công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh, quy hoạch vùng; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh cần phát huy tối đa mọi tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, hoá giải tốt nhất mọi hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn của vùng; trước mắt xử lý 3 vấn đề là ách tắc giao thông; bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường sống và môi trường sinh thái; giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp.

Chủ động nghiên cứu đề xuất các cơ chế; thúc đẩy thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội; nghiên cứu các cơ chế đột phá cho Vùng, nhất là nguồn lực, các cơ chế ưu tiên; nguyên tắc nguồn lực bắt nguồn tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân.

Hỗ trợ các địa phương trong Vùng giải quyết các vấn đề liên tỉnh, thành phố không thuộc thẩm quyền của các địa phương. Có vấn đề phát sinh thực tế mà liên quan nhiều địa phương thì khẩn trương đề xuất Hội đồng; có sự đoàn kết, thống nhất, đặt lợi ích chung lên trên hết; vượt thẩm quyền thì báo cáo.

Điều phối trong lĩnh vực logistics, đổi mới sáng tạo, dịch vụ chất lượng cao. Theo Thủ tướng, chúng ta cần phải nghiên cứu đầu tư hệ thống đường sắt tốc độ cao để tăng cường giao thương, giảm chi phí logistics. Thủ tướng đề nghị Vùng đi đầu, gương mẫu làm tốt đổi mới sáng tạo. Theo Thủ tướng, cần hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo, dữ liệu quốc gia của vùng. Vùng là trung tâm công nghiệp trọng điểm của cả nước, do đó các thành viên cùng nhau suy nghĩ cách làm.

Về vấn đề nguồn lực cần có cách huy động, vốn nhà nước cần phải sử dụng đúng, trúng, trọng điểm, kích hoạt các nguồn lực khác; phải thành lập các quỹ đầu tư; phát huy cơ cấu chế hợp tác công tư; chú trọng vay vốn, vấn đề là bảo đảm hiệu quả, vay vốn tập trung vào đầu tư; cần đề xuất cơ chế để huy động, nhất là phát triển các tuyến đường sắt đô thị. Cùng với đó là nguồn lực về con người, có các giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng nghề, phân luồng học sinh để phù hợp khả năng, điều kiện, không lãng phí nguồn lực con người.

Về một số nhiệm vụ cụ thể khác, Thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành phố khác thành lập bộ phận giúp việc để tham mưu cho Hội đồng; từ nay đến cuối năm phải rõ, cụ thể, riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần rà soát, kiện toàn tổ chức, vấn đề giúp việc, hiệu quả thực chất, đã làm phải ra sản phẩm; đôn dốc quy hoạch; tập trung thúc đẩy đầu tư công; có các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng.

Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương nghiên cứu kỹ thành lập các Quỹ phát triển hạ tầng, trình cấp thẩm quyền trong quý III này; các bộ, ngành, địa phương kiện toàn các tổ chức bộ máy giúp việc nhưng không được để cồng kềnh mà phải có phân công rõ ràng, gọn nhẹ, sử dụng bộ máy đang có, hiệu lực, hiệu quả; phát huy vai trò của người đứng đầu phải trách nhiệm, hăng hái vì nhiệm vụ chung, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá. Theo Thủ tướng, vấn đề là cần có cơ chế phù hợp.

Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, phải bắt tay ngay vào công việc, gắn việc triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội với việc triển khai công việc của Hội đồng vì Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu, trung tâm, hạt nhân của Vùng; cần tập trung vào kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đi tiên phong.

Thủ tướng hoan nghênh Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ động trong các vấn đề thuộc thẩm quyền; nêu rõ sẽ kiện toàn Hội đồng dần cho phù hợp, bảo đảm tinh gọn, phù hợp, hiệu quả.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, với khí thế mới, phương pháp mới, cách làm mới, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động có trọng tâm, trọng điểm, Hội đồng sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó./.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ

VOV.VN - Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ, diễn ra sáng 18/7 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ

VOV.VN - Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ, diễn ra sáng 18/7 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Thủ tướng điều chỉnh phân công thành viên Chính phủ làm việc với địa phương
Thủ tướng điều chỉnh phân công thành viên Chính phủ làm việc với địa phương

VOV.VN - Ngày 17/7, Thủ tướng đã có quyết định về việc điều chỉnh phân công thành viên Chính phủ chủ trì làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trên địa bàn.

Thủ tướng điều chỉnh phân công thành viên Chính phủ làm việc với địa phương

Thủ tướng điều chỉnh phân công thành viên Chính phủ làm việc với địa phương

VOV.VN - Ngày 17/7, Thủ tướng đã có quyết định về việc điều chỉnh phân công thành viên Chính phủ chủ trì làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trên địa bàn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn

VOV.VN - Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bắc Kạn tăng cường thu hút các dự án đầu tư; chú trọng tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công và dự án đầu tư ngoài ngân sách.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn

VOV.VN - Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bắc Kạn tăng cường thu hút các dự án đầu tư; chú trọng tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công và dự án đầu tư ngoài ngân sách.