Nhiều vấn đề "nóng" được đặt ra tại kỳ họp HĐND tỉnh Đắk Nông và Gia Lai
VOV.VN - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, theo khảo sát mới nhất, trữ lượng bô xít của Đắk Nông chiếm 60% cả nước, là lợi thế của tỉnh. Nhưng thực trạng hiện tại lại đang rất khó, rất vướng.
Rất khó, rất vướng
Tiếp tục kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Đắk Nông khoá IV hôm nay thảo luận tình hình phát triển kinh tế, xã hội. Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười trả lời một số vấn đề cử tri và đại biểu HĐND tỉnh quan tâm, đặc biệt chú trọng vào công tác quy hoạch bô xít, đất đai.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nêu ra 7 vấn đề trọng tâm, đáng lưu ý trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh 6 tháng qua và thời gian tới. Trong đó, vấn đề bô xít đã được nhiều đại biểu HĐND tỉnh đề cập tại kỳ họp.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, theo khảo sát mới nhất, trữ lượng bô xít của Đắk Nông chiếm 60% cả nước, là lợi thế của tỉnh. Nhưng thực trạng hiện tại lại đang rất khó, rất vướng.
Quy hoạch từ năm 2007 về phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bô xít, cho đến nay vẫn chưa có điều chỉnh nên 1062 dự án của tỉnh bị chồng lấn với quy hoạch bô xít, trên diện tích lên đến gần 6.700ha. Điều này dẫn đến hầu hết các đề xuất chủ trương đầu tư trên địa bàn tỉnh Đắk Nông phải tạm dừng, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng thu hút đầu tư.
“1062 dự án hiện nay đang giậm chân tại chỗ, thậm chí không làm được, không thể xử lý được vì liên quan đến luật khoáng sản. Muốn làm thì phải khai thác xong đã, hai là gom lại một chỗ. Mà bô xít chiếm 1/3 đất sản xuất của tỉnh, gom thì để đâu, ai quyết định là gom mức nào, sâu mấy mét. Chúng tôi cũng đã báo cáo Thủ tướng ngay trong kỳ họp vừa rồi, nếu Thủ tướng, các bộ ngành không giải quyết cho Đắk Nông thì Đắk Nông không hoàn thành nhiệm vụ. Đây là vấn đề mấu chốt của mọi vấn đề. Không giải ngân được thì kinh tế, xã hội không phát triển, không kêu gọi được đầu tư” - ông Hồ Văn Mười nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cũng thông tin, tỉnh đã hai lần gửi giấy mời lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ TN&MT vào làm việc. Và dự kiến trong tháng 7 này hai bộ sẽ vào làm việc với tỉnh để tháo gỡ vấn đề bô xít, vì hiện nay đã rất cấp thiết.
Đối với vấn đề sử dụng đất công, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nêu ra thực trạng đáng buồn: “Không có thành phố nào đất bỏ hoang nhiều như ở Gia Nghĩa”. Đất bỏ hoang, cỏ mọc um tùm quanh thành phố là rất lãng phí. Trong khi đó, vấn đề giao đất, cho thuê đất công trên địa bàn tỉnh cần phải xem xét và xử lý. Nhất là tình trạng giao đất cho doanh nghiệp để thực hiện dự án nhưng nhiều năm không triển khai, hoặc doanh nghiệp lại lấy đất được giao cho nông dân của tỉnh thuê để canh tác.
Ông Hồ Văn Mười yêu cầu mời tất cả doanh nghiệp làm việc với tỉnh, những diện tích nào không sử dụng, để lãng phí hoặc sử dụng không đúng mục đích cần phải thu hồi.
“Tại sao chúng ta hiện nay đang rất khó khăn về đất sản xuất mà lại như thế này. Chúng ta giao cho doanh nghiệp, bây giờ doanh nghiệp lại cho nông dân thuê. Tại sao không trực tiếp với người nông dân mà lại để như thế này? Tôi đề nghị Giám đốc Sở KH&ĐT thống kê, đánh giá lại toàn bộ trên toàn tỉnh và có thư mời ngay các doanh nghiệp đang nhận đất mà không làm, làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Nông. Phải giải quyết ngay vấn đề làm hay không làm, khi nào làm. Làm sao để giải quyết, thu hồi những dự án không thực hiện” - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nói.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, 2 năm qua, tỉnh đã rất nỗ lực trong việc cải cách hành chính, giúp chỉ số PCI tăng 14 bậc, từ vị trí 52 lên 38/63 tỉnh thành. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận Đắk Nông vẫn còn chậm phát triển, chưa bền vững và chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.
Do đó, cùng với việc đề nghị Trung ương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách thì các cấp, các ngành trong tỉnh cần nâng cao vai trò, trách nhiệm, nhất là người đứng đầu, để giải quyết những tồn tại, hạn chế, tạo động lực cho kinh tế, xã hội phát triển.
Homestay, biệt phủ xây dựng trái phép
Ngày 6/7, trong phiên chất vấn đầu tiên tại Kỳ họp thứ 13, Khoá XII, nhiệm kỳ 2021-2026 của HĐND tỉnh Gia Lai, các đại biểu đã tập trung chất vấn nhiều vấn đề nóng trong lĩnh vực xây dựng tại địa phương. Trong đó, vấn đề các homestay, biệt phủ xây dựng trái phép và chậm hoàn thiện các loại quy hoạch tại các địa phương trong tỉnh, thành lực cản đối với sự phát triển và triển khai các dự án đầu tư.
Trả lời chất vấn của đại biểu về trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc để nhiều homestay, khu nghỉ dưỡng, quán cà phê xây dựng trái phép, ông Nguyễn Bá Thạch- Giám đốc Sở Xây dựng Gia Lai cho rằng, công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng ở nhiều địa phương trong tỉnh có tình trạng bị buông lỏng
Công trình trái phép hoàn thiện mới được phát hiện, dẫn tới khó xử lý. Ý thức chấp hành của người dân hạn chế, nhiều trường hợp biết sai nhưng cố tình vi phạm, gây khó khăn, kéo dài thời gian xử lý hành chính để tồn tại công trình trái phép.
Về việc chậm triển khai các quy hoạch, dẫn tới nhiều khó khăn trong quản lý trật tự xây dựng và ảnh hưởng việc triển khai nhiệm vụ đầu tư công, ông Nguyễn Bá Thạch cho biết thực tế hiện nay, tỷ lệ quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại tỉnh mới đạt dưới 30%, thấp hơn trung bình chung cả nước.
Dự kiến, tới năm 2025, thành phố Pleiku mới đạt phủ kín 100% quy hoạch phân khu; thị xã Ayun Pa, thị xã An Khê đạt 50%.
Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh Gia Lai ban hành nhiều quyết định, kế hoạch thực hiện các chỉ đạo của trung ương về công tác quy hoạch, phát triển đô thị; các hướng dẫn gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố về công tác quản lý quy hoạch, phát triển đô thị và quản lý trật tự xây dựng.
Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa chủ động triển khai tốt, hoặc chủ động, nhưng chưa có đủ nguồn lực triển khai.
“Đề nghị các địa phương, các quy hoạch không còn tồn tại, nên rà soát để huỷ bỏ; bố trí nguồn vốn để lập quy hoạch chi tiết, đảm bảo các cấp độ cơ bản. Trong thời gian chưa đủ nguồn lực và thời gian để lập phủ kín quy hoạch chi tiết tại địa phương mình thì xây dựng ngay quy chế quản lý kiến trúc để quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn” - Giám đốc Sở Xây dựng nói.