Những kỷ niệm sâu sắc về Bác Hồ trong ký ức học sinh miền Nam trên đất Bắc
VOV.VN - Những kỷ niệm không thể nào quên về Bác Hồ trong tâm trí thầy và trò các Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc.
Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc được ví như “vườn ươm” đặc biệt của Bác Hồ. Từ đây những thế hệ “hạt giống đỏ” đã nảy mầm, trở về quê hương chiến đấu, góp phần thống nhất đất nước cũng như xây dựng Tổ quốc sau này.
Sau khi Hiệp định Geneve được ký kết năm 1954, ông Hoàng Quốc Việt dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ vào Nam để nắm tình hình chuyển quân. Bác Hồ đã căn dặn ông Hoàng Quốc Việt nhắc nhở các cấp, các ngành quân, dân, chính ở miền Nam thực hiện nghiêm túc và chuẩn bị chu đáo việc đưa thiếu nhi, học sinh miền Nam tập kết theo đúng tiêu chuẩn, chính sách, khẩn trương và đảm bảo an toàn.
Từ cuối năm 1954, các học sinh miền Nam bắt đầu tập kết ra Bắc học tập. Hệ thống trường học sinh miền Nam trên đất Bắc từng bước hình thành, phát triển và luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ, Đảng, Nhà nước cũng như nhân dân miền Bắc.
Mặc dù bận công việc, nhưng Bác Hồ thường xuyên thăm hỏi, gửi thư động viên học sinh miền Nam và tới thăm các trường học sinh miền Nam khi có dịp thích hợp. Sự quan tâm và tình cảm của Bác Hồ là nguồn động lực mạnh mẽ để các thế hệ học sinh miền Nam với đi nỗi buồn xa gia đình và dốc sức học tập vì tương lai phục vụ quê hương, đất nước.
Nhà văn Kim Nhất kể rằng, tình cảm với Bác Hồ đã cổ vũ bà lên đường ra Bắc tập kết:“Với một đứa trẻ 8-9 tuổi như mọi đứa trẻ khác quen sống trong vòng tay cha mẹ, buôn làng, nay bỗng dưng phải đi xa lâu ắt sẽ nhớ, nhớ quá thì khóc nhiều. Nhưng tôi chợt nghĩ đến Bác Hồ và lòng khao khát được gặp Bác đã thôi thúc tôi lên đường xa vạn dặm”.
Sau này, nhà văn Kim Nhất đã được thoả ước mơ gặp Bác Hồ trong những lần Người đến thăm trường. Bà còn rất tự hào khi từng được biểu diễn cho Bác Hồ xem trong thời gian công tác tại Đoàn Văn công Tây Nguyên Trung ương.
Những dịp gặp Bác Hồ không chỉ trở thành kỷ niệm đặc biệt với người trong cuộc mà còn tác động thiết thực tới phong trào thi đua, rèn luyện trong các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc.
Bà Hoàng Thị Vinh, cựu học sinh trường Học sinh miền Nam số 4 nhớ lại phong trào “Nếp sống mới” được phát động sau khi Bác Hồ cùng Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Tiệp Khắc về thăm trường năm 1963:“Tất cả học sinh học tập Bác, noi gương Bác, ăn ở vệ sinh, giữ gìn trường lớp sạch sẽ; Đội Thanh niên cờ đỏ phải tăng cường hơn nữa vai trò của mình, các lớp, các tổ, các khối… thi đua với nhau, giữ gìn môi trường sống, nếp sống ‘Đẹp như công viên, sạch như bệnh viện, ngăn nắp, kỷ luật như quân đội’”.
Cũng có mặt trong buổi Bác Hồ về thăm trường Học sinh miền Nam số 4 tại Hải Phòng năm 1963, nhà giáo Nguyễn Đình Năng gọi đây là kỷ niệm đẹp nhất cuộc đời. Khi đó, ông Năng đang là giáo viên môn vật lý tại trường Học sinh miền Nam số 18 thì bất ngờ được điều động sang trường bạn làm nhiệm vụ giữ trật tự.
Ngày hôm ấy, ông Năng tình cờ được trò chuyện với Bác Hồ và nhớ mãi lời căn dặn: “Cháu dạy thế nào để học sinh dễ hiểu và phải gắn với cuộc sống”. Nhà giáo Nguyễn Đình Năng ấn tượng sâu đậm với ký ức Bác Hồ đệm đàn guitar để mọi người cùng hát. Một hình ảnh đẹp và chân tình, khiến ai ai cũng cảm động.
“Năm tháng đi qua, những kỷ niệm đó với tôi không bao giờ quên. Những lúc gặp khó khăn, tôi vẫn nhớ lời Bác dặn năm xưa mà cố gắng làm tốt hơn công việc dạy học của mình. Lần gặp gỡ Bác năm đó đã in đậm trong ký ức của tôi, và hình ảnh Bác đệm đàn guitar cùng hát với Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Tiệp Khắc khi đến thăm Trường học sinh miền Nam ở Hải Phòng đã trở thành kỷ niệm đẹp nhất trong suốt quãng đời dạy học của tôi” - nhà giáo Nguyễn Đình Năng viết.
Bác sĩ Hoàng Lê Thuý, cựu học sinh miền Nam số 6 tự hào vì đã được thấy Bác Hồ nhiều lần trong cuộc đời học sinh và có kỷ niệm không thể quên với Bác Hồ trong lần đầu đi bỏ phiếu bầu cử.
Bà Thuý nhớ lại buổi sáng tháng 4/1959, khi mình cùng 11 bạn khác được đứng làm hàng rào danh dự ở địa điểm bầu cử khu Trúc Bạch (Ba Đình, Hà Nội): “Bác hỏi: “Ở đây có cháu nào lần đầu đi bỏ phiếu?”. Tôi đáp ngay rất to: “Thưa Bác cháu đây, cháu đây Bác” và giơ tay lên, một vài bạn khác cũng trả lời như tôi. Bác vỗ nhẹ vào đầu tôi và nói: "Các cháu cố gắng học hành cho thật tốt để xứng đáng là con em của đồng bào miền Nam, ngày thống nhất đất nước các cháu sẽ trở về quê hương phục vụ cho bà con quê hương mình!” Tất cả chúng tôi không sao cầm được nước mắt. Tôi thấy Bác mắt ướt hàng mi…
Hôm ấy trong phiếu bầu có tên của Bác. Chúng tôi không ai bảo ai đều ghi “Bác Hồ muôn năm” ngay cạnh tên Bác. Đó là lá phiếu đầu tiên trong đời tôi được đi bầu cử, một kỷ niệm khắc ghi đầy cảm động không bao giờ quên”.
Kỷ niệm về Bác Hồ in sâu trong tâm trí, trở thành nguồn động viên với bác sĩ Hoàng Lê Thuý suốt những năm tháng ác liệt trên chiến trường cũng như khi đất nước hòa bình, thống nhất.
Nhìn lại chặng đường trưởng thành của những thế hệ học sinh miền Nam, PGS.TS Hồ Sĩ Hiệp, cựu học sinh Trường học sinh miền Nam số 28 bày tỏ sự khâm phục với tầm nhìn của Bác Hồ: “Ngay từ những ngày đầu, Bác Hồ đã nghĩ đến việc bồi dưỡng và đào tạo một thế hệ cán bộ cho cách mạng miền Nam. Bác Hồ ước mong “phải đào tạo cán bộ cho miền Nam, để đến ngày nước nhà thống nhất, các cháu ấy về góp phần xây dựng miền Nam thân yêu”…Ước muốn đó của Bác nay đã trở thành hiện thực”.
Bài viết sử dụng tư liệu trong các cuốn sách:
- Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc (NXB Chính trị Quốc gia)
- Nửa thế kỷ học sinh miền Nam trên đất Bắc (NXB Chính trị Quốc gia)