Những phát ngôn thấm vào lòng dân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
VOV.VN - Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều phát ngôn ấn tượng, nhẹ nhàng mà thấm thía. Những phát ngôn của ông đã đi vào lòng dân, được Nhân dân tin yêu và kính trọng.
Trái tim của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người chiến sĩ cộng sản, nhà lãnh đạo xuất sắc, trí tuệ, bản lĩnh, một nhân cách lớn và nghĩa tình - đã ngừng đập vào hồi 13 giờ 38 phút ngày 19/7/2024 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Với 80 năm tuổi đời, gần 57 năm tuổi Đảng, 14 năm trên cương vị Tổng Bí thư, hơn 2 năm trên cương vị Chủ tịch nước, hơn 5 năm trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn trăn trở, tâm huyết với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, cùng với Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người cộng sản chân chính, một lãnh đạo tài ba, người luôn nhất quán giữa nói và làm, lấy dân làm thước đo, lấy dân làm chuẩn mực, lấy lợi ích của dân làm mục tiêu phấn đấu; luôn gần dân, sát dân và có một trái tim vô cùng nhân hậu.
“Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ tiềm lực vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay có thêm nhiều điều kiện tiền đề thuận lợi để vững bước trên con đường mà Đảng ta, nhân dân ta và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn” - Đây là khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII và tại nhiều hội nghị quan trọng khi Tổng Bí thư tới dự và có các phát biểu chỉ đạo quan trọng.
Không phải ngẫu nhiên Tổng Bí thư đã nhấn mạnh đến điều này khi thực tế cho thấy, sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, từ một đất nước nghèo nàn, có cơ sở vật chất - kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu, trình độ thấp, đến nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; văn hoá, xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có bước đột phá; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh, độc lập, chủ quyền được giữ vững; vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
“Ta là con cháu cụ Hồ, Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam dân tộc là dân tộc Việt Nam, đất nước này nhất định phải phát triển đi lên không được phép tụt hậu so với các nước khác không cam chịu kém người khác. Chúng ta phải xác định quyết tâm ý chí như vậy”, Tổng Bí thư nói.
Để đưa Đất nước tiếp tục phát triển sánh vai với các cường quốc 5 châu như điều Bác Hồ hằng mong muốn, theo Tổng Bí thư ngoài sự đồng sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong cả nước thì cũng cần đặc biệt coi trọng công tác cán bộ. Tới dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, làm tốt hơn nữa công tác cán bộ, nhất là việc quản lý, nhận xét, đánh giá cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài; thật sự “cần, kiệm, liêm, chính”, “chí công vô tư”; thật sự tâm huyết vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy chính phủ và chính quyền các cấp.
Tổng Bí thư nhắc nhở: Đừng “nhìn gà hóa cuốc”, “đừng thấy đỏ tưởng là chín”, đừng bị cám dỗ bởi những lợi ích xấu xa, những việc làm vô liêm sỉ. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những phần tử hư hỏng, suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn”.
Còn tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV vào ngày 20/7/2021, khẳng định là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, Quốc hội cần phát huy những thành tựu và kinh nghiệm của 75 năm qua, tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động để đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đất nước trong giai đoạn mới.
Muốn thế Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng không quên dặn dò: “Tất cả các vị đại biểu Quốc hội chúng ta khoá này cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt, gần gũi và lắng nghe ý kiến của nhân dân, thực hiện và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân giao phó”.
Còn riêng trong công tác đối ngoại, tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định về sự hình thành, phát triển của Trường phái đối ngoại, ngoại giao: “Cây tre Việt Nam: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam” và ngày càng được quốc tế thừa nhận rộng rãi: Nhất định Ngành ngoại giao phải tiếp tục thể hiện được trí tuệ bản lĩnh đạo đức và Cốt Cách Của Nền Ngoại Giao Thời Đại Hồ Chí Minh và kế tiếp truyền thống đối ngoại quật cường nhưng hòa hiếu của dân tộc Việt Nam, tiếp tục đổi mới phát triển mà nên đối ngoại ngoại Giao Việt Nam hiện đại vững mạnh toàn diện mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam”.
Một trong những dấu ấn đọng lại trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn từ đầu nhiệm kỳ khóa XI đến nay là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục được đẩy mạnh gắn liền với nhiều câu nói thấm thía của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tổng Bí thư khẳng định, với việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương (trực thuộc Bộ Chính trị) đến nay, công tác PCTN, tiêu cực “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”. Do đó, “Mọi thái độ nể nang, né tránh, hữu khuynh, “ngậm miệng ăn tiền” hoặc cực đoan, muốn lợi dụng phê bình để đả kích người khác, gây rối nội bộ, đều là không đúng”.
Theo Tổng Bí thư, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc xây dựng tổ chức, xây dựng con người, là công tác con người, rất dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người. Vì vậy, đòi hỏi mỗi chúng ta phải tự phê bình, phân tích, mổ xẻ những ưu, khuyết điểm của chính bản thân mình; phải nhận xét, đánh giá về người khác. Nếu không thật tự giác, chân thành, công tâm, khách quan thì rất dễ chủ quan, thường chỉ thấy ưu điểm, mặt mạnh của mình nhiều hơn người khác; trong khi chỉ thấy khuyết điểm, mặt yếu của người khác nhiều hơn mình.
“Tôi đã nhiều lần nói rồi nay xin nhắc lại, những ai có tư tưởng này thì hãy dẹp sang một bên cho người khác làm, đời người chỉ sống có một lần phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những việc làm ti tiện đớn hèn vô liêm sỉ, tiền bạc lắm, làm gì hết ca mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất”- Tổng Bí thư căn dặn.
“Tôi nhớ nhà văn Nga Mắc-xim Goóc-ky có nói: “Con người - hai tiếng ấy vang lên kiêu hãnh làm sao!”. Nhưng con người cũng có không ít tật: “Kém một miếng không chịu được”, “Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng thì lộn gan lên đầu!”. Vì vậy, thường rất khó, rất phức tạp. Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ”.
Trong lĩnh vực văn hóa, lúc sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nêu rõ vai trò hết sức quan trọng của văn hóa là nền tảng tinh thần, động lực phát triển của xã hội. Chính nhờ có một nền văn hóa thấm đẫm bản sắc dân tộc làm bệ đỡ, dân tộc ta đã vượt qua được mọi thử thách cam go, không ngừng tiến lên theo dòng chảy của lịch sử. Chính vì vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt yêu cầu, cả hệ thống chính trị toàn Đảng toàn dân, toàn quân cần tiếp tục nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của văn hóa bởi trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của văn hóa, luôn luôn coi văn hóa là một mặt trận đấu tranh cách mạng, là ngọn đuốc “soi đường cho quốc dân đi”.
Tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc vào ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng để lại một câu nói đầy thấm thía: “Người ta nói, mặt con người có văn hóa, một gia đình có văn hóa, một dân tộc có văn hóa rồi lối sống văn hóa, nếp sống văn hóa, cách ứng xử có văn hóa … còn những gì xấu xa việc làm ti tiện đớn hèn, những hành động phi pháp bỉ ổi là vô văn hóa, phi văn hóa, là phản văn hóa. Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền lắm của, ăn ngon mặc đẹp mà còn là sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái lẽ phải và công bằng”.
Sinh thời mỗi khi muốn nói thay lời tâm sự lòng mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nhắc lại một một câu trong tác phẩm nổi tiếng “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Liên Xô Nikolai Ostrovsky:
“Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ty tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người mang lại hạnh phúc cho nhân dân!”.