Ổn định để phát triển

(VOV) - Ổn định và phát triển được xem như một cặp có mối quan hệ biện chứng, tác động và hỗ trợ nhau một cách mật thiết...

Ổn định luôn luôn và bao giờ cũng là nhu cầu, là mục tiêu của các quốc gia và của toàn cầu. Ở giác độ mỗi quốc gia thì ổn định cần thiết ở trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, văn hoá, xã hội và môi trường. Ổn định với nội hàm của nó đã chứa đựng một giá trị vững chắc cho xã hội, con người và thiên nhiên trong cả hiện tại và tương lai. Nói đến phát triển trước tiên phải nói tới ổn định, phát triển phải dựa trên nền tảng của sự ổn định, hay nói  cách khác có ổn định thì mới phát triển được và ngược lại khi phát triển thì nó trở lại hỗ trợ cho sự ổn định. Như vậy ổn định và phát triển được xem như một cặp có mối quan hệ biện chứng, tác động và hỗ trợ nhau một cách mật thiết, hữu cơ và hiệu quả.

Trên thực tế, tuỳ thuộc vào tình hình cụ thể mà các quốc gia quan tâm đến việc bảo đảm ổn định ở các lĩnh vực khác nhau. Ví như ở nước ta trong thời điểm hiện nay thì việc ổn định nền kinh tế vĩ mô để tăng trưởng bền vững là hết sức cần thiết. Đó là làm sao để lạm phát ở mức cho phép; cán cân thanh toán trong nước và ngoài nước tương đối cân bằng; tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng; sản xuất phát triển, đảm bảo ổn định cung - cầu về hàng hoá, nâng cao chất lượng nguồn lực...

Trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước, chúng ta còn thiếu nhiều kiến thức và kinh nghiệm, chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức lớn. Nhiều nơi, nhiều lúc thấy còn khó khăn, phức tạp và gian khổ không kém gì thời kỳ chiến tranh. Điều đó được hiểu rằng “thương trường là chiến trường”. Sẽ chẳng có con đường nhung lụa nào cho việc làm giàu một cách đích thực và cũng chẳng ai cho không chúng ta cái gì cả. Sự cạnh tranh khốc liệt trong hội nhập kinh tế quốc tế luôn là áp lực đẩy các quốc gia lên những cao trào, kịch tính của sự tăng trưởng và đương nhiên của cả những cơn bĩ cực của khủng hoảng, suy thoái. Từ những kinh nghiệm về thành công cũng như thất bại của các nước, chúng ta phải tự tìm cho mình một triết lý để làm giàu đất nước, đó là tự lực từ cường. Ta phải dựa vào chính sức mạnh, trí tuệ và bản lĩnh của dân ta, phát huy nội lực để tạo ra động lực cho phát triển. Tuy chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng đất nước chúng ta đã sản sinh ra không ít những danh nhân tài năng, có tư tưởng và cách thức để làm giàu, và ngày nay càng không thiếu những con người có khát vọng đó. Tự lực tự cường kết hợp tiếp thu một cách có chọn lọc thành quả tinh hoa của nhân loại về lý luận cũng như thực tiễn phát triển kinh tế sẽ giúp chúng ta vững vàng trong thế ổn định.

Đất nước ta vốn dĩ phát triển và đi lên từ nông nghiệp, 70% dân ta hiện nay đang sống ở nông thôn. Ước mơ khiêm nhường của người nông dân là đến năm 2020 mỗi gia đình ở nông thôn có đủ 5 thứ là: Tivi - radio; máy tính; bếp ga; vòi sen tắm và nhà vệ sinh tự hoại. Nếu ước mơ ấy thành hiện thực thì đấy chính là tiêu chí vàng để góp phần xây dựng nông thôn mới và đến lúc đó thì đất nước ta sẽ chuyển sang một giai đoạn phát triển mới mà ở đó chất lượng cuộc sống của người dân đã được nâng lên đáng kể. Trong nhiều năm qua đặc biệt là năm 2011, 2012 lĩnh vực nông nghiệp và cuộc sống của nông dân khá ổn định, điều đó đã góp phần rất lớn cho sự ổn định chung của toàn xã hội. Thực tế cho thấy khu vực “tam nông” này rất cần có sự đầu tư một cách căn cơ, bài bản và mạnh mẽ hơn nữa để lấp dần những khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng khác nhau, đặc biệt là giữa đô thị và nông thôn. Vì đấy luôn là nguyên nhân, là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến sự bất ổn của xã hội. Kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy, một nền kinh tế được cấu trúc rõ ràng cùng với các định chế về tài chính, đầu tư và quản lý minh bạch được người dân ở các vùng miền cảm nhận một cách thực thụ thì đó sẽ là động lực, nền tảng cho sự phát triển kinh tế vững chắc.

 Năm 2012 vừa qua nước ta đã vượt qua nhiều thách thức trước ảnh hưởng phức tạp, khó lường của tình hình kinh tế, chính trị, an ninh thế giới và khu vực, đã giữ mức tăng trưởng GDP là trên 5%, kiềm chế lạm phát dưới 7%. Tuy nhiên bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, chúng ta vẫn phải đương đầu với nhiều thách thức mới. Kinh tế thế giới vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủ ro và biến động khó dự báo. Nợ công vẫn là mối đe doạ sự tăng trưởng kinh tế không chỉ khu vực EU mà cả Nhật Bản, Hoa Kỳ đều chung cảnh ngộ và đó chính là nguy cơ đẩy kinh tế thế giới vào tình thế khó khăn hơn.

Ở trong nước, kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát chưa vững chắc, sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, tổng cầu giảm, tồn kho lớn, nợ xấu còn cao. Ngoài ra các lĩnh vực khác như văn hoá xã hội, quốc phòng, an ninh đối ngoại còn nhiều vấn đề phải quan tâm, nếu không có giải pháp hiệu quả thì nền kinh tế sẽ mất ổn định rơi vào trạng thái trì trệ, tác động tiêu cực đến việc làm và đời sống nhân dân sẽ khó khăn hơn. Trong bối cảnh đó chúng ta cần ra sức nỗ lực phát huy những lợi thế và kết quả đạt được, kiên định những giải pháp đúng và đang phát huy hiệu quả như: giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát tháo gỡ khó khăn, giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho; đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng; tập trung cho sản xuất kinh doanh, thực hiện tốt các chương trình an sinh và phúc lợi xã hội; đảm bảo an ninh chính trị và an toàn xã hội.

Đất nước chúng ta đang cùng hội nhập với các nước trong khu vực. Vì vậy, sự phát triển bền vững và ổn định có ý nghĩa rất lớn cho mỗi bước đi của ta. Ta không thể đi chậm vì như vậy sẽ tụt hậu và cũng không thể phát triển “nóng” bởi sẽ kéo theo những hệ lụy dẫn đến những bất ổn khó lường.

Hy vọng rằng, năm 2012 đang khép lại và năm 2013 đã tới, trong mỗi con người, trong mỗi gia đình chúng ta đều ổn định và đều phát triển. Dân có giàu nước mới mạnh, dân có ổn định, phát triển thì đất nước mới ổn định và phát triển đi lên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

VOV đón giao thừa nồng ấm
VOV đón giao thừa nồng ấm

(VOV) -Toàn thể nhân viên Đài TNVN tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang để luôn bảo đảm sóng phục vụ nhân dân... 

VOV đón giao thừa nồng ấm

VOV đón giao thừa nồng ấm

(VOV) -Toàn thể nhân viên Đài TNVN tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang để luôn bảo đảm sóng phục vụ nhân dân... 

Chương trình đặc biệt- Xuân Chiến sỹ 2013
Chương trình đặc biệt- Xuân Chiến sỹ 2013

(VOV) -Chương trình mang đến cho khán thính giả hơi ấm của mùa xuân mới: Hơi ấm tình quân dân trên cả nước.

Chương trình đặc biệt- Xuân Chiến sỹ 2013

Chương trình đặc biệt- Xuân Chiến sỹ 2013

(VOV) -Chương trình mang đến cho khán thính giả hơi ấm của mùa xuân mới: Hơi ấm tình quân dân trên cả nước.

Giao thừa online: Xuân yêu thương
Giao thừa online: Xuân yêu thương

(VOV) - “Giao thừa online: Xuân yêu thương” trực tuyến từ 18h, ngày 9/2 (tức 29 Tết) đến 1h ngày 10/2 (tức 1 Tết Quý Tỵ).

Giao thừa online: Xuân yêu thương

Giao thừa online: Xuân yêu thương

(VOV) - “Giao thừa online: Xuân yêu thương” trực tuyến từ 18h, ngày 9/2 (tức 29 Tết) đến 1h ngày 10/2 (tức 1 Tết Quý Tỵ).