Ông Vũ Khoan bộc bạch chuyện ngậm ngùi “đi làm kinh tế“
"Khi bị chuyển sang làm kinh tế, tôi từng nại ông Thạch rằng tôi không biết gì về kinh tế, từng bị điểm kém. Ông Thạch trả lời tôi bị điểm kém vì nói khác với giảng viên"
"Ông Nguyễn Cơ Thạch nhận thức rằng ngoại giao phải làm kinh tế, nhưng có người cho rằng ngoại giao nên tập trung nhiệm vụ chính trị, còn kinh tế là thuộc các ngành khác. Tuy nhiên, ông Thạch vẫn kiên quyết đặt ra cho Bộ Ngoại giao nhiệm vụ phải góp phần giải quyết các vấn đề kinh tế trong nước", ông Vũ Khoan kể tiếp về giai đoạn khó khăn thời kỳ đầu Đổi mới.
Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan (trái) trao đổi thư chấp thuận với Đại diện Thương mại Robert Zoellick tại Washington D.C. Ảnh: US Embassy
Ông Vũ Khoan: Thực ra, trước Đại hội VI chúng ta không nêu khái niệm “Quốc tế hoá” vì lúc ấy có quan điểm cho rằng, khái niệm đó là xoá nhoà ranh giới giai cấp; nếu nói quốc tế hoá có thể hiểu là đồng nghĩa với chủ nghĩa hội tụ, nghĩa là chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản hội tụ với nhau.
Vượt qua trở ngại đó, lần đầu tiên Đại hội VI đã nêu khái niệm “quốc tế hoá” và cương lĩnh của Đảng được thông qua tại Đại hội VII năm 1991 đã nêu rõ quan điểm về quốc tế hoá. Rồi đến năm 1995, Đại hội VIII đã nâng lên thành khái niệm toàn cầu hoá.
Bây giờ nói thì đơn giản, chứ lúc đó diễn ra sự tranh luận khá gay gắt về khái niệm này. Vì có người cho rằng khái niệm toàn cầu hoá là phi giai cấp, “là cái trò của các nước tư bản phát triển bày ra”. Tuy nhiên Đại hội VIII đã khẳng định toàn cầu hoá là xu thế khách quan, vừa có mặt tích cực lẫn tiêu cực.
Tiếp đó là sự tranh luận về chính sách hội nhập quốc tế. Thực ra tư tưởng hội nhập là của Bác Hồ. Tháng 12/1946, trong lá thư Bác gửi cho Liên Hợp Quốc bằng tiếng Pháp nội dung thế này:
Việt Nam sẵn sàng mở cửa cho doanh nghiệp và chuyên gia nước ngoài vào làm ăn ở Việt Nam, để nước ngoài sử dụng đường xá, sân bay, bến cảng của Việt Nam quá cảnh, thậm chí sẵn sàng hợp tác với lục quân hải quân các nước về việc cho thuê một số sân bay quân cảng của Việt Nam. Đồng thời, Bác khẳng định Việt Nam sẵn sàng tham gia các tổ chức quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, tư tưởng lớn đó của Bác Hồ đã không thực hiện được do nước ta bị nước ngoài xâm lược bao vây cô lập mấy chục năm trời; đồng thời nước ta lại thực thi cơ chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung quan liêu bao cấp. Chỉ trong thời kì ĐỔI MỚI chủ trương hội nhập quốc tế mới được thực thi.
Thể theo tư tưởng đó, năm 1987, tức là chỉ một năm sau Đại hội VI, nhà nước ta đã thông qua luật về đầu tư nước ngoài. Tiếp đó, chúng ta đã tham gia CLB Paris để giải quyết các khoản nợ công và CLB London để giải quyết các khoản nợ tư nhân. Cùng lúc đó, các nước bắt đầu dành cho Việt Nam các khoản tài trợ được gọi là ODA.
Tôi còn nhớ đầu những năm 90, Nhật Bản đã đánh tín hiệu sẵn sàng đàm phán vấn đề dành ODA cho nước ta. Tôi đã được giao nhiệm vụ tiến hành cuộc đàm phán này. Trong lúc đất nước ta hết sức khó khăn, Nhật Bản đã dành cho ta khoản vay ODA đầu tiên với giá trị hàng trăm triệu đô la.
Đó là một khoản viện trợ hết sức quý báu song lúc đầu cũng gặp nhiều trở ngại từ phía Mỹ. Khoản viện trợ này mở đầu cho các khoản viện trợ phát triển tiếp theo suốt từ đó tới nay, trợ giúp đáng kể cho sự phát triển kinh tế ở nước ta.
** Rõ ràng, từ một đất nước thu nhập kém, chậm phát triển, nay Việt Nam đã là một nước thu nhập trung bình, trong đó hẳn có phần đóng góp tích cực của công tác đổi mới đối ngoại. Ông có thể kể những thành tựu đối ngoại qua 30 năm Đổi mới, để chuyển đất nước từ thế cấm vận, bị bao vây, sang bình thường hóa quan hệ với các quốc gia, tham gia sâu rộng vào các tổ chức quốc tế, và ngày càng có vị thế trên trường quốc tế?
Ông Vũ Khoan: Nhờ đường lối, chính sách đối ngoại theo tinh thần ĐỔI MỚI ta đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng.
Thứ nhất, từ thế bị bao vây, cô lập bây giờ nước ta có quan hệ ngoại giao với 187 quốc gia lớn nhỏ thuộc năm châu bốn bể.
Thứ hai, Việt Nam tạo được môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế. Khi mới ĐỔI MỚI kim ngạch xuất khẩu chỉ vẻn vẹn gần 1 tỷ USD (theo thời giá) thì đến năm 2015 kim ngạch xuất khẩu đạt tới 160 tỷ USD. Từ chỗ mất hết viện trợ nước ngoài thì ngày nay vốn FDI chiếm khoảng 20% GDP, vốn ODA đạt gần trên dưới 30 tỷ USD.
Thứ ba, hoạt động đối ngoại đã đóng góp rất quan trọng vào việc tạo dựng cơ sở pháp lí cho việc hoạch định biên giới lãnh thổ giữa nước ta với các nước xung quanh.
Nếu như trước đây nước ta chưa hề có hiệp định biên giới và chưa phân giới cắm mốc hoàn chỉnh với bất kì quốc gia nào thì nay chúng ta đã kí các hiệp định và phân giới cắm mốc trên bộ với Trung Quốc, Lào, và đang thúc đẩy công việc này với Campuchia.
Trên đường biển, ta đã đạt được thoả thuận về phân định vịnh Bắc Bộ và các vùng chồng lấn với Malaysia, Thái Lan và Indonesia.
Như vậy, trên biển chỉ còn lại các vấn đề Biển Đông và vùng biển với Campuchia. Thành tựu này giúp nước ta xác định rõ biên cương của mình, tạo cơ sở để quản lí phát triển và đẩy mạnh hợp tác với các nước láng giềng.
Thứ tư, ngày nay Việt Nam đã có vị thế cao trong khu vực và trên thế giới, tham gia sâu rộng vào các tổ chức quốc tế.
** Đằng sau những thành quả ấy hẳn là những ngày tháng đầy trăn trở, khó khăn và nhiều kịch tính trong quá trình hoạt động ngoại giao của ông?
Ông Vũ Khoan: Không quá khi nói rằng mỗi hoạt động ngoại giao đều ẩn chứa kịch tính. Đặc biệt, là sự đổi mới tư duy về ngoại giao thường rất khó khăn và phải trải qua quá trình trăn trở, tranh luận khá cam go phức tạp.
Nói đến những khó khăn trong lúc tiến hành công việc thì nhiều vô kể. Ví dụ việc bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc cũng không dễ dàng chút nào. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã giải quyết được vấn đề biên giới trên bộ và phân định Vịnh Bắc bộ, quan hệ mọi mặt giữa hai nước cũng đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, những tranh chấp trên Biển Đông vẫn là một trở ngại trong quan hệ giữa hai quốc gia.
Hay việc kí Hiệp định Thương mại song phương Hoa Kì cũng không đơn giản. Thực ra năm 1989 hai nước đã hoàn tất văn bản Hiệp định song việc kí kết đã bị hoãn lại do còn một số sự khác biệt. Năm 2000, tôi được điều về làm Bộ trưởng Bộ Thương mại và được cấp trên giao nhiệm vụ hoàn tất đàm phán và đi đến kí kết.
Trước khi lên đường, Đại sứ Hoa Kì tại Việt Nam lúc đó là ông Pete Peterson nói với tôi rằng ông sẽ không về Washington cùng với tôi mà chờ đến khi nào hoàn tất đàm phán mới trở lại Washington để tránh tình trạng bị “mất mặt” nếu một lần nữa Hiệp định không được kí kết.
Nhân đây tôi phải nói rằng các cán bộ ngoại giao thường xuyên chịu sức ép rất lớn vì phải gánh vác những công việc trọng đại liên quan đến vận mệnh quốc gia; nếu sai một li có thể đi một dặm, nói lỡ một lời có thể gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia.
Nguyễn Cơ Thạch tiếp ông I.A. Rogachoc - Thứ trưởng Ngoại giao Liên Xô ngày 27/11/1988. Ảnh tư liệu
** Ông nhìn nhận vai trò của ông Nguyễn Cơ Thạch trong thời kì từ năm 1986 đến 1991?
Ông Vũ Khoan: Tôi phải nói rằng ông Thạch là người thầy tài ba của chúng tôi. Ông luôn luôn đam mê với công việc, tự mình đào sâu nghiên cứu và thường xuyên có những ý tưởng rất mới mẻ.
Theo thói thường, những ý tưởng mới mẻ không phải lúc nào cũng được chấp nhận dễ dàng, mà phải trải qua sự trăn trở bàn bạc khá phức tạp. Muốn ý tưởng mới mẻ của mình được chấp nhận thì người đề ra ý tưởng đó phải có hiểu biết sâu rộng đủ sức thuyết phục mọi người. Ông Thạch là một trong những người như vậy.
Một khi đã có ý tưởng đúng, việc quyết tâm thực hiện ý tưởng đó là một điều kiện không thể thiếu. Cuối những năm 80 thế kỉ trước, ông Thạch tập trung vào 2 việc cực kì quan trọng là tìm giải pháp cho vấn đề Campuchia và góp phần giải quyết nạn lạm phát phi mã trong nước.
Là người lãnh đạo cao nhất trong Bộ ngoại giao ông đã quyết định gạt hết mọi công việc khác để tập trung vào 2 công việc quan trọng hàng đầu đó. Từ đó, tôi học được rằng người lãnh đạo phải biết chọn việc mà làm và có dũng khí bỏ qua những việc “thứ yếu”, giao cho những người giúp việc mình gánh vác.
** Hồi đó có phải ông Nguyễn Cơ Thạch đã lập ra Vụ Kinh tế Tổng hợp Bộ Ngoại giao, và đưa ông về đó làm việc?
Ông Vũ Khoan: Câu chuyện là thế này. Lúc đó, ông Thạch nhận thức rằng ngoại giao phải làm kinh tế, nhưng trong Bộ đã có nhiều ý kiến khác nhau, có người cho rằng ngoại giao nên tập trung nhiệm vụ chính trị, còn kinh tế là thuộc các ngành khác. Đương nhiên, các ngành ngoài ngành ngoại giao cũng cho rằng ngoại giao không nên “lấn sân”.
Tuy nhiên, ông Thạch vẫn kiên quyết đặt ra cho Bộ Ngoại giao nhiệm vụ phải góp phần giải quyết các vấn đề kinh tế trong nước. Ông nói với chúng tôi rằng ngoại giao không nên làm thay nghề khác mà cần tập trung vào những cái mà người khác không có điều kiện làm, ví dụ những kiến thức về kinh tế thế giới, quan hệ kinh tế quốc tế, những mối quan hệ với các đối tác bên ngoài là những việc mà các ngành khác vào thời điểm đó chưa có điều kiện thực hiện.
Cũng với ý tưởng đó, lúc đầu ông định thành lập hẳn Tổng vụ kinh tế nhưng sau khi cân nhắc ông đã lập ra 3 vụ: Vụ kinh tế thế giới - chuyên nghiên cứu tình hình kinh tế thế giới; Vụ Hợp tác kinh tế - chuyên lo việc phối hợp với các ngành thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế với các tổ chức quốc tế; Vụ tổng hợp kinh tế - chuyên lo việc tổng hợp tình hình giúp Bộ trưởng nghiên cứu các vấn đề kinh tế của đất nước và góp phần vào việc giải quyết những vấn đề đó.
Vào thời điểm đó, tôi đang làm công tác xây dựng nội bộ và lãnh đạo Bộ có ý định cử tôi về làm Vụ trưởng Vụ Liên Xô Đông Âu vì đồng chí Vụ trưởng được điều động đi làm Đại sứ nước ngoài. Tuy nhiên, đến 5h chiều đi họp về ông Thạch đã gọi tôi lên phòng yêu cầu tôi chuyển sang làm công tác kinh tế. Tôi nại lại rằng tôi có biết gì về kinh tế đâu, thậm chí còn bị điểm kém về kinh tế ở lớp Bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ ngoại giao. Ông Thạch trả lời: cậu bị điểm kém vì nói khác với giảng viên nên tôi mới điều về làm kinh tế.
Từ đó, tôi ngậm ngùi “đi làm kinh tế”: đi sâu tìm hiểu kinh nghiệm chống lạm phát các nước trên thế giới, tình hình trong nước để hiểu nguồn gốc của nạn lạm phát. Tôi đã cùng anh em lần mò xuống các hợp tác xã, nhà máy, phiên chợ để hiểu rõ hơn tình hình thực tế của nước ta lúc bấy giờ. Kết hợp những kiến thức thực tế trong nước và trên thế giới giúp Bộ Ngoại giao đề xuất những giải pháp thích hợp giải quyết vấn đề này hay vấn đề khác của đất nước.
Bộ Ngoại giao cũng đã trực tiếp tham gia vào việc hình thành luật đầu tư nước ngoài đầu tiên, khai thông quan hệ kinh tế với các tổ chức kinh tế quốc tế trên thế giới.
Bài học lớn cho tương lai
** Theo ông, những thành tựu đổi mới đối ngoại trong thời kì Đổi mới đó, so với yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập thế giới hiện đại của đất nước, còn cần phải cố gắng ở những phương diện nào? Nhất là trước thách thức về chủ quyền độc lập dân tộc, biển đảo đang bị đe dọa?
Ông Vũ Khoan: Bác Hồ đã từng dặn thắng lợi ngoại giao tuỳ thuộc vào nội lực. Nội lực là cái chiêng, chiêng có to, tiếng mới lớn.
Nội lực ở đây cần phải hiểu bao gồm phần cứng lẫn phần mềm. Phần cứng là sức mạnh về kinh tế, quốc phòng, an ninh. Phần mềm là tính chính nghĩa của sự nghiệp mà chúng ta theo đuổi, lòng yêu nước và trí dũng cảm của toàn dân tộc, là khối đại đoàn kết toàn dân, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới, là đường lối chính sách đúng đắn phù hợp với lợi ích dân tộc và xu thế của thời đại.
Nhân đây tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng, lòng yêu nước không đồng nghĩa với tư tưởng dân tộc hẹp hòi. Mỗi người Việt Nam đều hết lòng yêu tổ quốc giang sơn mình song không bao giờ nuôi dưỡng kì thị dân tộc mà luôn luôn mở rộng lòng với các dân tộc khác.
Chẳng thế mà khi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược nước ta, ta không bao giờ đánh đồng nhân dân các nước đó với giới cầm quyền mà luôn luôn coi họ là bạn bè đồng minh thân cận của mình. Trong bối cảnh phức tạp hiện nay, chúng ta cần kiên trì tính nhân văn đó của nền ngoại giao Việt Nam.
** Sự hội nhập sâu rộng của đất nước, cùng những thách thức trong mối quan hệ đa phương, đa cực, đa chiều, theo ông, công tác đối ngoại đòi hỏi có những bước đi sắp tới ra sao? Ngành ngoại giao Việt Nam có thể rút ra những bài học lớn như thế nào chuẩn bị cho một Việt Nam phát triển, hợp tác chiến lược với các quốc gia trong tương lai?
Ông Vũ Khoan: Theo tôi, điều quan trọng là bài học về nhận thức đúng đắn về thế giới, từ đó có những chính sách phù hợp với lợi ích của dân tộc mình, và thuận chiều với xu thế của thế giới.
Một bài học khác là kết hợp sức mạnh dân tộc mình và sức mạnh thời đại. Ngày nay, sức mạnh thời đại nằm trong ý niệm hoà bình và hợp tác của nhân dân thế giới, là xu thế hoà bình, ổn định hợp tác trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh sức mạnh tổng hợp thể hiện trong sự “hợp đồng tác chiến” giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế, ngoại giao quốc phòng – an ninh, ngoại giao văn hoá thậm chí ngoại giao khí hậu giữa hoạt động đối ngoại của Đảng với hoạt động ngoại giao của nhà nước và ngoại giao nhân dân.
Nếu không có sức mạnh tổng hợp như vậy thì khó bề dành được thắng lợi trên mặt trận ngoại giao.
Một nhân tố khác tạo nên sức mạnh của ngoại giao là nghệ thuật tiến hành công việc. Người ta nói ngoại giao là nghệ thuật điều hành quan hệ quốc tế. Nếu không có trí óc sáng tạo và sự cơ động linh hoạt trong hành động thì ngoại giao không thể thành công. Về phương diện này, Bác Hồ là tấm gương sáng ngời cho tất cả chúng ta noi theo.
Nhân đây, tôi xin lưu ý một điều do tính đặc thù của mình, không phải mọi ý định, mọi kế hoạch của ngoại giao có thể công bố rộng rãi; nếu cái gì cũng công khai nói hết thì lấy đâu ra dư địa để đàm phán. Do đó, hi vọng rằng dư luận rộng rãi trong nước cũng thông cảm với ngoại giao và hết lòng ủng hộ ngoại giao vì ngoại giao không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của dân tộc, của quốc gia.
** Xin cảm ơn ông./.