Phát thanh quân đội: Nơi thắp sáng lửa nghề cho những “tân binh”
VOV.VN - "Tôi may mắn được làm việc trong một môi trường, ở đó, các thủ trưởng luôn động viên, khích lệ rất kịp thời trước mỗi thành công dù nhỏ của phóng viên".
Trải qua 60 năm hình thành và phát triển, Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân được đánh giá đã tạo nên một diện mạo, một bản sắc riêng trong nền báo chí cách mạng Việt Nam. Góp phần tạo nên diện mạo, bản sắc riêng đó có sự đóng góp không nhỏ của nhiều lớp thế hệ phóng viên, biên tập viên.
Đại tá Hoàng Gia Khánh trong phòng thu cùng các phóng viên, biên tập viên của Phát thanh quân đội |
Đại tá Hoàng Gia Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội nhân dân (Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng) hào hứng chia sẻ, thật tự hào khi giờ đây hết thảy các phóng viên, biên tập viên Ban Biên tập Phát thanh Quân đội nhân dân đều có thể tham gia viết được các bài thể loại chính luận, thay nhau đứng ra làm chủ nhiệm các chương trình chuyên đề, chương trình phát thanh trực tiếp, loạt phóng sự một cách vững vàng và chuyên nghiệp với nhiều chương trình, tác phẩm được đồng nghiệp ở Đài Tiếng nói Việt Nam ghi nhận, đánh giá tốt. Sự tiến bộ, trưởng thành của đội ngũ phóng viên, biên tập viên được đo bằng chất lượng tác phẩm báo chí.
Nhà báo “tân binh” giành giải báo chí sau 2 năm nhập cuộc
Khoảng thời gian 2 năm gắn bó với Phát thanh Quân đội với Thượng tá Vũ Thị Hồng Linh, Biên tập viên Phòng Thời sự phát thanh, là bước ngoặt đặc biệt, là khoảng thời gian quý giá trong cuộc đời làm báo. Trưởng thành từ môi trường báo viết (Báo Phòng không-Không quân), cộng thêm thời gian làm cộng tác viên cho Chương trình Phát thanh Quân đội, nhưng khi được chuyển về làm việc ở Phát thanh Quân đội, nữ nhà báo mới hiểu được cảm giác thế nào là từ sông ra biển. Ở đó, chị được tiếp cận với một môi trường làm việc chuyên nghiệp hơn với phạm vi đề tài chờ đợi chị khám phá, dấn thân cũng rộng hơn rất nhiều.
Phóng viên Hồng Linh (mặc quân phục) cùng phóng viên các báo tác nghiệp (Ảnh: NVCC) |
Mới tiếp cận với thể loại báo nói, nên những ngày đầu, những chuyên đề, phóng sự phát thanh không khỏi khiến chị ngỡ ngàng. Cách tư duy, kết cấu bài viết cũng như ngôn ngữ của báo nói có những đặc thù và sự khác biệt không nhỏ với làm báo giấy trước đây; cấu tứ và cách triển khai bài viết phụ thuộc vào những băng tiếng động… Đối diện với tất cả những khác biệt đó, mặc dù đã có kinh nghiệm của hơn 10 năm làm báo trong môi trường Quân đội, chị vẫn có cảm giác là một “tân binh”.
Niềm đam mê với nghề đã giúp Thượng tá Vũ Thị Hồng Linh dần lấp được những khoảng trống trong môi trường mới. Chị học các thủ trưởng, các đồng nghiệp đã có kinh nghiệm làm báo Phát thanh; học ở đơn vị; học cả ở các phát thanh viên, kỹ thuật viên trong quá trình làm thư ký chương trình. Chị nghiệm ra, phát thanh không chỉ đơn thuần là lời nói mà còn có âm nhạc, tiếng động hiện trường. Và tất nhiên, một tác phẩm phát thanh thành công, là sự kết hợp công sức của cả phóng viên, phát thanh viên và kỹ thuật viên. Những xác định đó đã giúp chị đi đúng với guồng quay của phát thanh hiện đại.
Để có được những kinh nghiệm đó, cùng với nỗ lực của bản thân để bắt kịp cách làm báo phát thanh, chị Linh chia sẻ, chị may mắn được làm việc trong một môi trường mà ở đó, các thủ trưởng thường xuyên có sự chỉ đạo và động viên, khích lệ rất kịp thời trước mỗi thành công dù nhỏ của phóng viên; ở đó, các đồng nghiệp có tinh thần làm việc nhóm rất cao, sẵn sàng chia sẻ, sẵn sàng dấn thân với nghề. Tất cả đều nhằm có được những tác phẩm chất lượng nhất phát sóng, cổ vũ tinh thần cán bộ, chiến sĩ toàn quân.
Sau 2 năm "nhập cuộc" với làng báo phát thanh, những nỗ lực của chị Linh cùng các đồng nghiệp đã được ghi nhận bằng Giải B Giải Báo chí quốc gia lần thứ 12 năm 2018 cho loạt phóng sự 4 bài “Hiến tạng cứu người-đâu là rào cản?” (cùng nhóm tác giả Phạm Quốc Huy, Đinh Khánh Ngọc). Cũng loạt phóng sự này, Hồng Linh và nhóm tác giả còn giành giải kép tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc năm 2018 gồm Huy chương Bạc và giải cho tác phẩm dàn dựng xuất sắc nhất.
“Giải thưởng đã là rất quý nhưng sự ghi nhận của thính giả, đặc biệt là tình cảm cán bộ, chiến sĩ dành cho phóng viên cũng thật đáng trân trọng. Mỗi lần có thính giả nhắn tin hay gọi điện bày tỏ tình cảm với tác phẩm vừa phát sóng của mình, với tôi, đó là phần thưởng, là niềm cổ vũ lớn lao nhất để “lửa nghề” tiếp tục cháy trong tôi”, nhà báo “tân binh” của Phát thanh Quân đội chia sẻ.
Phát thanh quân đội giúp thỏa mãn mơ ước làm một người lính cầm bút
Đại úy Nguyễn Văn Lực, Biên tập viên Phòng thời sự phát thanh, tác giả của nhiều bài viết về đấu tranh dư luận trên sóng phát thanh quân đội, lại bước chân vào nghề từ con số 0. Nói như vậy, bởi trước khi được điều động về Chương trình phát thanh quân đội, Đại úy Nguyễn Văn Lực công tác ở một đơn vị chủ lực, quản quân. Từ một đơn vị chuyên về quản lý, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu chuyển sang môi trường làm báo là một sự khác biệt rất lớn đối với anh. Xác định đây là cơ duyên giúp anh thỏa mãn mơ ước được làm một người lính cầm bút, Đại úy Lực tự đặt kế hoạch cho mình phải học tập, nghiên cứu. Con đường ngắn nhất anh tìm ra cho mình là học hỏi người đi trước, thiếu gì hỏi đấy, mạnh dạn đề xuất với cán bộ phòng, với lãnh đạo Ban Biên tập.
Đại úy Nguyễn Văn Lực tác nghiệp cùng đồng đội |
Cũng như Thượng tá Vũ Hồng Linh và những người mới khác ở chương trình phát thanh quân đội, anh Lực được lãnh đạo Chương trình tạo điều kiện nhiều về thời gian để tìm hiểu kỹ năng nghiệp vụ báo chí, về kiến thức chuyên sâu, về phong cách làm việc ở môi trường báo nói.
Anh Lực chia sẻ, việc tuyên truyền các nhiệm vụ quân sự quốc phòng trên làn sóng của đài, để hòa nhập với làn sóng của đài, mỗi bài viết không chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ tuyên truyền mà còn phải là định hướng về tư tưởng, kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo, toàn quân khi nghe những bài viết ấy thấy được cái hay, cái mới họ tự giác học theo.
Để có được điều đó, qua sự học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước cùng với nhạy cảm nghề nghiệp của người làm báo, anh Lực dần biết cách quan sát, tìm cho mình góc nhìn mới và khác lạ để có được những bài viết mang dấu ấn riêng. Đặc biệt theo anh Lực, không chỉ với bản thân anh, mà với các phóng viên, biên tập khác, những tác phẩm của họ luôn được đưa ra trao đổi, thảo luận thẳng thắn trong các buổi giao ban, được Ban biên tập, đồng nghiệp đánh giá, nhận xét, giúp phóng viên nhận thức được những cái hay và những điểm chưa được, chính điều đó giúp phóng viên rút được kinh nghiệm để có những bài báo bám sát hơn góc độ tuyên truyền và hòa nhập với làn sóng của Đài TNVN.
Khoảng thời gian 3 năm công tác ở chương trình phát thanh quân đội, đối với Đại úy Nguyễn Văn Lực đó là một sự thay đổi rất lớn về môi trường làm việc và tác phong công tác. Nó không chỉ biến ước mơ được làm một nhà báo, một phóng viên trở thành sự thực, mà hơn thế, anh được gắn bó với một môi trường làm việc đầy tính nhân văn. Ở đó, các phóng viên, biên tập viên luôn đoàn kết, giúp đỡ, chỉ bảo cho nhau trên tinh thần xây dựng. “Đó cũng là nguồn động lực cổ vũ, tiếp thêm năng lượng cho những đồng nghiệp nói chung và cá nhân tôi, có thêm nguồn năng lượng để tiếp tục đam mê nhiệt huyết với công việc mà chúng tôi đã chọn”, anh Lực chia sẻ./.