Philippines và Việt Nam: Thúc đẩy hợp tác hàng hải, bảo vệ tài nguyên biển
VOV.VN - Phóng viên VOV phỏng vấn Đại sứ Philippines tại Việt Nam Meynardo LB. Montealegre nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (12/7/1976-12/7/2021).
Muốn được tìm hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn về lịch sử và văn hóa Việt Nam
PV: Xin ông cho biết cảm nhận khi trở thành Đại sứ Philippines tại Việt Nam? Ông chuẩn bị thế nào cho cuộc sống tại một quốc gia với nền văn hóa và ngôn ngữ khác biệt?
Đại sứ Meynardo LB. Montealegre: Được đảm nhiệm vai trò Đại sứ Philippines tại Việt Nam là một vinh dự và đặc ân đối với tôi, đặc biệt trong giai đoạn Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ. Lần đầu tiên đến thăm Việt Nam vào đầu những năm 1990 khi đất nước đang bắt đầu thực hiện Đổi mới và một vài lần khác trước khi tôi được giao nhiệm vụ Đại sứ tại Việt Nam vào tháng 12/2020, tôi đã phần nào cảm nhận được Việt Nam đã thay đổi rất nhiều, phát triển kinh tế trong khi vẫn duy trì nền văn hóa và lối sống đặc sắc.
Tôi cảm thấy vui mừng vì nhiệm vụ của tôi ở giai đoạn này tạo cho tôi cơ hội tuyệt vời để vun đắp và nuôi dưỡng mối quan hệ hữu nghị gần gũi giữa hai nước chúng ta. Philippines và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1976, năm nay chúng ta kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Không chỉ mong muốn được hợp tác chặt chẽ với Chính phủ và nhân dân Việt Nam để tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước và hai dân tộc, tôi luôn mong muốn được tìm hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn về lịch sử và văn hóa hấp dẫn của Việt Nam.
PV: Đâu là những lĩnh vực ông quan tâm và muốn ghi lại dấu ấn cá nhân trong thời gian tới?
Đại sứ Meynardo LB. Montealegre: 45 năm qua chỉ là bước khởi đầu cho một mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn trong những năm tới. Với việc thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược cách đây hơn 5 năm, Philippines và Việt Nam đang sẵn sàng tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa trong các lĩnh vực như hợp tác hàng hải, bảo vệ tài nguyên biển và quản lý các hệ sinh thái biển và ven biển, tiếp tục trao đổi đoàn cấp cao, tham vấn thường xuyên trên cả lĩnh vực chính trị và kinh tế, hợp tác trong các lĩnh vực khác như nông nghiệp và lâm nghiệp, y tế, giáo dục, lao động, công nghệ thông tin và truyền thông, thể thao, du lịch, văn hóa và di sản.
Với tư cách là Đại sứ Philippines tại Việt Nam, tôi mong muốn tiếp tục cải thiện hơn nữa những thành tựu mà hai nước đã đạt được trong hơn 4 thập kỷ qua trên nhiều lĩnh vực hợp tác. Tôi nhận thấy rằng mối quan hệ giữa hai nước chúng ta còn nhiều tiềm năng to lớn.
Tiềm năng hợp tác trong những lĩnh vực cụ thể
PV: Theo ông, làm thế nào tạo “cú hích” cho quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa tạm lắng?
Đại sứ Meynardo LB. Montealegre: Quan hệ kinh tế giữa hai nước đạt đỉnh cao vào năm 2019 với tổng kim ngạch thương mại đạt trên 4,5 tỷ USD. Nhưng do đại dịch, tổng kim ngạch thương mại năm 2020 giữa Philippines và Việt Nam giảm 14% so với năm 2019, đạt 4,22 tỷ USD; trong đó Việt Nam xuất siêu 1,68 tỷ USD. Năm 2020, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 11 của Philippines (năm 2019 ở vị trí thứ 12).
Năm 2020, Việt Nam vẫn là thị trường xuất khẩu lớn thứ 12 của Philippines. Xuất khẩu của Philippines vẫn ở mức 1,27 tỷ USD. Năm mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Philippines là sản phẩm điện tử và linh kiện; lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi, thiết bị và phụ tùng cơ khí; đồng và vật phẩm; chất dẻo và các vật phẩm; dụng cụ quang học, nhiếp ảnh, thiết bị y tế hoặc thiết bị phẫu thuật và các phụ kiện.
Năm 2020, Việt Nam vẫn là nguồn nhập khẩu lớn thứ 10, đạt 2,95 tỷ USD, tuy giảm 19% so với năm 2019. Năm mặt hàng nhập khẩu hàng đầu của Philippines là ngũ cốc; sản phẩm điện tử và linh kiện; muối, lưu huỳnh, đất, đá, vôi và xi măng; sắt thép; lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi, thiết bị và phụ tùng cơ khí.
Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Công Thương (MOIT) Nguyễn Hồng Diên vào ngày 30/6/2021, chúng tôi đã nhất trí khôi phục hợp tác kinh tế và thương mại bằng cách triệu tập Ủy ban Thương mại Hỗn hợp (JTC) càng sớm càng tốt. Chúng tôi cũng quyết định tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại theo “trạng thái bình thường mới” trong bối cảnh COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hàng hóa thâm nhập vào thị trường của nhau bằng cách hoàn thành các thủ tục đánh giá rủi ro và xây dựng một thỏa thuận hợp tác kinh tế. Chúng tôi cũng nhất trí tiếp tục tham vấn và hợp tác chặt chẽ trên trường đa phương.
Tôi cũng đề xuất với Bộ trưởng Diên rằng Philippines và Việt Nam có thể hợp tác để cùng nhau hướng ra thị trường toàn cầu trong hàng loạt các sản phẩm và dịch vụ tiếp theo, bao gồm các công cụ tài chính dành cho thị trường từ thấp đến trung bình do các công ty khởi nghiệp tạo ra; Thương mại điện tử khởi nghiệp; Dịch vụ Gia công quy trình kinh doanh BPO- Business Process Outsourcing (phía Philippines) phối hợp với Dịch vụ IT Outsourcing (phía Việt Nam) để nhắm đến các thị trường phương Tây; và cải tiến phần mềm xe điện, đổi mới linh kiện, tiêu chuẩn hệ thống sạc điện, phát triển thị trường và thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ…
Tôi thấy Việt Nam cũng có thể đầu tư vào các lĩnh vực tương tự ở Philippines. Lợi ích của sự hợp tác trong các lĩnh vực này là thế mạnh của Philippines trong BPO và KPO (Knowledge Processing Outsourcing –Dịch vụ thuê ngoài trong lĩnh vực chuyên ngành) và khả năng tiếp cận thị trường ở các nền kinh tế phương Tây đối với các dịch vụ này. Đối với việc khởi nghiệp trong lĩnh vực tài chính và thương mại điện tử, thị trường Philippines và Việt Nam kết hợp sẽ là một hệ sinh thái phát triển chín muồi để đuổi kịp quy mô thị trường của Indonesia, nơi đã sinh ra các công ty khởi nghiệp trị giá hàng tỷ đô la!.
PV: Thời gian tới, Việt Nam - Philippines nên đẩy mạnh hoặc bổ sung các khía cạnh nào giúp cho hợp tác giữa hai nước phong phú và hiệu quả hơn?
Đại sứ Meynardo LB. Montealegre: Thông qua “Kế hoạch hành động Việt Nam - Philippines triển khai quan hệ đối tác chiến lược giai đoạn 2019-2024”, hai nước đã liệt kê các cơ hội để làm sâu sắc hơn hợp tác nhằm đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới. Kế hoạch 5 năm này bao gồm các sáng kiến cụ thể để hợp tác trong các lĩnh vực quan tâm quan trọng như chính trị, quốc phòng, thương mại và đầu tư, an ninh hàng hải, nông nghiệp, giáo dục, du lịch, môi trường, ICT, văn hóa và giao lưu nhân dân.
Trong tương lai, mối quan hệ Đối tác Chiến lược đã hình thành giữa hai nước chúng ta hơn 5 năm trước sẽ không ngừng được tăng cường thông qua việc thực hiện Kế hoạch hành động đã được thông qua tại Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương (JCBC) lần thứ 9 tại Manila vào tháng 3 năm 2019. JCBC là cơ chế đối thoại song phương cấp Bộ trưởng được thành lập nhằm xem xét các mối quan hệ và thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau, cùng có lợi. JCBC cũng là nơi đánh giá tiến độ thực hiện Kế hoạch Hành động Philippines-Việt Nam. Như vậy, tương lai tốt đẹp của quan hệ song phương giữa hai nước chúng ta đang ở trong tầm tay.
Chia sẻ kinh nghiệm chống Covid-19
PV: Tình hình dịch bệnh ở Philippines hiện vẫn đang diễn biến phức tạp. Xin ông cho biết chiến dịch tiêm chủng tại Philippines đã và đang mang lại hiệu quả ra sao?
Đại sứ Meynardo LB. Montealegre: Nhận thấy mối đe dọa của virus corona, ngày 28/01/2020, Philippines đã kích hoạt Lực lượng đặc nhiệm liên ngành về quản lý các bệnh truyền nhiễm mới nổi (IATF), với Bộ Y tế là đơn vị chủ trì. IATF đã và đang tạo điều kiện cho sự hợp tác liên ngành nhằm đảm bảo sự chuẩn bị sẵn sàng và đáp ứng đầy đủ để đánh giá, giám sát, kiềm chế, kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 trong nước. IATF đã xây dựng và thực hiện các hướng dẫn về kiểm tra COVID-19; cách ly; các tiêu chuẩn sức khỏe cộng đồng tối thiểu như khẩu trang, tấm che mặt, v.v.; giãn cách xã hội và phong tỏa; đóng cửa kinh doanh; giới nghiêm; hạn chế đi lại trong nước và quốc tế; thông điệp cộng đồng và triển khai tiêm chủng.
Tính đến ngày 6/7/2021, Philippines xếp thứ 26 trên toàn cầu (trong số 200 quốc gia), thứ 12 ở châu Á (trong số 47 quốc gia), và thứ 2 ở ASEAN (trong số 10 quốc gia), với tổng số 12.179.437 liều lượng vaccine đã tiêm. Philippines đã tiêm phòng cho 6,9% dân số (ít nhất một liều).
Các nhóm ưu tiên hiện đang được tiêm chủng là nhân viên y tế tuyến đầu, người cao tuổi, người mắc bệnh đi kèm, người lao động trong các ngành thiết yếu, nhân viên chính phủ và người nghèo.
Các vaccine được FDA cho phép sử dụng khẩn cấp là Sinovac (Coronavac), AstraZeneca, Gamaleya (Sputnik V), Pfizer / BioNTech, Janssen và Bharat Biotech (Covaxin) và Moderna - nhưng chỉ có 4 vaccine đầu tiên còn hàng và hiện đang được quản lý .
Philippines đã đặt mục tiêu đầy tham vọng là tiêm chủng cho 70 triệu người Philippines để đạt được 70% khả năng miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay. Tính đến ngày 6/7, Philippines ghi nhận tổng số 1.449.946 ca nhiễm, trong đó có 49.613 trường hợp vẫn đang dương tính.
Trong khi việc triển khai tiêm chủng đang diễn ra suôn sẻ, cũng giống như các nước đang phát triển khác, Philippines cũng phải đối mặt với nguồn cung vaccine hạn chế.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!./.