Một nội dung quan trọng của công tác đấu tranh chống tham nhũng là mọi tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu. Thực tế cho thấy, công tác thu hồi tài sản tham nhũng chưa đạt yêu cầu đề ra, tỷ lệ thu hồi thấp, rất khó phát hiện để thu hồi. Đây là thách thức lớn đòi hỏi phải nỗ lực để tìm ra giải pháp.
Ông Phạm Anh Tuấn - Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương
Trao đổi với phóng viên VOV về nguyên nhân thu hồi tài sản tham nhũng vẫn chưa đạt hiệu quả cao, ông Phạm Anh Tuấn - Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết:
Quy định về thu hồi tài sản tham nhũng của chúng ta hiện nay hơi tản mát, chưa tập trung, nên chăng chúng ta có một cơ quan, tổ chức nào đó chịu trách nhiệm đầu mối chính trong việc thu hồi tài sản tham nhũng này.
"Các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện hành vi tham nhũng ngoài việc quan tâm đến việc áp dụng các hình phạt cần quan tâm hơn nữa đến việc thu hồi tài sản tham nhũng. Thậm chí, chúng ta có thể phong tỏa, kê biên, tài khoản, tài sản, bảo đảm việc thu hồi có hiệu quả và một nội dung nữa tôi cho rằng chúng ta đang mắc, đó là các Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng hiện nay vẫn chưa có nhiều và chính điều này làm cho việc thu hồi tài sản tham nhũng còn hạn chế.
Tôi lấy một ví dụ: Rất nhiều tài sản của nhà nước qua hợp đồng mua bán tàn sản lớn, đối tượng nước ngoài được thụ hưởng tái sinh từ hành vi tham nhũng trong nước, nhưng hiện nay chúng ta không có cơ chế, không có quy định. Hiệp định tương trợ Tư pháp để chúng ta thu hồi, như tài sản đáng giá 10 đồng nhưng anh nhận tham nhũng từ đối tượng có tài sản kê giá lên 100 đồng, khi đó bên bán tài sản sẽ hưởng lợi từ ngân sách nhà nước. Cho nên, một mặt chúng ta có thể thu hồi được tài sản mà chủ thể trong nước mua hoặc tài sản được hối lộ. Thế nhưng, tài sản mà bên thứ 3 được hưởng lợi thì hiện nay chúng ta chưa có. Muốn giải quyết được cái này cần có các Hiệp định tương trợ tư pháp rất cụ thể để các chủ thể hoạc các đối tác nước ngoài giúp cho chúng ta thu hồi được tài sản", ông Phạm Anh Tuấn nói.
Một trong những giải pháp cho vấn đề này theo nhiều chuyên gia là có hành lang pháp lý và cơ chế rõ ràng về việc kiểm soát, quản lý thu nhập của người có chức vụ quyền hạn, theo ông Phạm Anh Tuấn, hiện nay, Đề án hay cơ chế kiểm soát người có thu nhập, người có chức vụ quyền hạn, Đảng và Nhà nước đang khẩn trương hoàn thiện sớm để có cơ sở xác định đâu là tài sản làm giàu bất chính, ngoài những tài sản không chứng minh được nguồn gốc. Chúng ta cũng nên ngay lập tức quy định trong Bộ luật hình sự về hành vi làm giàu bất chính, cần tiếp tục hoàn thiện một số quy định mang tính chất hệ thống để hình sự hóa được hành vi làm giàu bất chính./.