Phó Chủ tịch Quốc hội làm việc với Thường trực HĐND 10 tỉnh thành
VOV.VN - Hôm nay 19/7, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chủ trì Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Sau 8 năm thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đạt nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Giám sát tối cao của Quốc hội; giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội được tăng cường. Nội dung giám sát cơ bản đã bao quát hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tư pháp, quốc phòng, an ninh đối ngoại và tập trung những vẫn đề lớn, quan trọng mà cử tri, xã hội quan tâm.
Hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND; các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND đã không ngừng đổi mới, cải tiến phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, thực hiện tốt vai trò của cơ quan dân cử, cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân. Thông qua hoạt động giám sát đã kịp thời phát hiện những hạn chế, bấp cập để đưa ra kiến nghị giúp các cơ quan quản lý Nhà nước ở trung ương và địa phương nâng cao trách nhiệm, thực hiện tốt hơn chức trách nhiệm vụ; kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, trung ương kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, nhất là về thể chế, cơ chế sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật còn bất cập, chồng chéo, vướng mắc trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước theo lĩnh vực của ngành, của địa phương.
Thực tiễn triển khai thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND 2015 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục. Cụ thể, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND hiện hành chưa quy định nguyên tắc về đảm bảo hoạt động giám sát và cung cấp thông tin thực tiễn cho hoạt động xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương. Một số hoạt động giám sát đã được quy định nhưng chưa cụ thể, chi tiết, dẫn đến việc được triển khai thực hiện khó khăn, chưa hiệu quả.
Bà Huỳnh Thúy Vân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định cho biết, qua nghiên cứu dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, về cơ bản dự thảo đã có những điều, khoản khá cụ thể, chi tiết và khắc phục những bất cập, vướng mắc của địa phương.
Bà Huỳnh Thúy Vân cho rằng, dự thảo tại Điều 60a quy định về “Chất vấn việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND về chất vấn, giám sát chuyên đề và các vấn đề”; Điều 69b quy định về “Chất vấn và xem xét trả lời chất vấn tại phiên họp Thường trực HĐND trong thời gian giữa hai kỳ họp HĐND”, nếu thực hiện nghiêm túc 2 Điều này sẽ nâng cao trách nhiệm thực thi pháp luật của thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương.
“Dự thảo quy định các Ban thì chỉ thẩm tra báo cáo nếu được HĐND thảo luận. Trong khi đó, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định, các ban phải có nhiệm vụ thẩm tra tất cả dự thảo Nghị quyết cũng như báo cáo có trình ra HĐND. Như vậy chúng ta dự thảo theo hướng những nội dung nào HĐND thảo luận thì mới thẩm tra như vậy không toàn diện, bởi vì nếu có ra Nghị quyết thì các ban phải thẩm tra để làm cơ sở pháp lý cho việc giám sát sau này” - Bà Huỳnh Thúy Vân nói.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng chỉ ra những điểm bất cập hiện Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND 2015 và kiến nghị và đề xuất hoàn thiện nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Các đại biểu kiến nghị, cần khắc phục tình trạng "kiến nghị treo", "Nghị quyết treo" và làm rõ trách nhiệm của đối tượng được giám sát khi không thực hiện kết luận của các đơn vị giám sát đã chỉ ra.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Hội thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến tâm huyết của đại diện Thường trực HĐND các địa phương. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, trong đề xuất sửa đổi của Luật phải tính đến những vấn đề thật sự bất cập; phạm vi, đối tượng, hình thức, phương thức và hệ quả pháp lý phải đúng với cơ chế.
"Làm thế nào để bảo đảm giám sát thật sự là khâu trọng tâm, then chốt, giám sát để kiến tạo chứ không phải bới lông tìm vết. Đây là một yêu cầu rất cao, giám sát để đi đến cùng sự việc và vì vậy phải rõ hơn cái hệ quả pháp lý của từng hoạt động giám sát. Giải quyết hài hòa mối quan hệ nhưng cũng hài hóa với thực tiễn" - Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói.