Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng làm việc tại Đắk Lắk
(VOV) - Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn Đảng bộ huyện Lắk tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4.
Trong chuyến công tác tại Tây Nguyên, chiều nay (13/5), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đến thăm Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk; nghe báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của huyện và ý kiến, nguyện vọng của cử tri.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lắk trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm đáng kể trong thời gian qua, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được chăm lo, công tác chăm sóc người có công cũng được thực hiện khá tốt. Các cấp ủy Đảng đã làm tốt công tác xây dựng Đảng.
Phó Chủ tịch Quốc hội chia vui với những thành công đã đạt được và chia sẻ với những khó khăn địa phương vẫn còn phải giải quyết; đồng thời, động viên các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng toàn thể nhân dân đoàn kết để xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển. Thời gian tới, Đảng bộ huyện Lắk cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4, chăm lo thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.
Trò chuyện với thầy cô giáo, học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lắk, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng biểu dương những thành tích của thầy cô giáo và các em học sinh đã đạt được; mong đội ngũ thầy cô giáo nơi đây tiếp tục phát huy truyền thống, dạy dỗ học sinh phát triển toàn diện cả về kiến thức và thể chất. Phó Chủ tịch Quốc hội mong các em học sinh cùng nhau đoàn kết, học tập tốt để đạt thành tích cao hơn.
Về một số nội dung tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 13 sắp tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói: “Trong kỳ họp này, một vấn đề rất quan trọng là lấy phiếu tín nhiệm đối với 49 vị cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước trong bộ máy Nhà nước do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Đây là việc mới, chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm và làm từ Quốc hội trước, làm từ các đồng chí cao cấp trước, làm từ trên xuống. Tới đây, việc đó trở thành bình thường để đánh giá chất lượng cán bộ hàng năm và cũng mong nhận được ý kiến đóng góp của cử tri”./.