Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp xúc song phương bên lề ASEM 12
VOV.VN - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trao đổi với các đối tác các biện pháp nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam với các nước.
Cùng với một loạt các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Á- Âu lần thứ 12 (ASEM 12), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã hội kiến Tổng thống Cộng hoà Síp Nicos Anastasiades, gặp song phương với Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Margot Wallstrom, tiếp Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Bồ Đào Nha Ana Paula Zacarias.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gặp Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển.
Trong các cuộc hội kiến và tiếp xúc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trao đổi với các đối tác các biện pháp nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam với các nước. Đánh giá cao sự phối hợp hiệu quả của các nước với Việt Nam tại ASEM và các diễn đàn khu vực và quốc tế, Phó Thủ tướng đề nghị Síp, Thụy Điển và Bồ Đào Nha ủng hộ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa được Uỷ ban Châu Âu thông qua, sẽ sớm được ký kết và đi vào thực hiện đầu năm 2019. EVFTA sẽ tạo thêm cơ hội cho tăng trưởng và phát triển kinh tế, thương mại, củng cố thêm nền tảng cho quan hệ Việt Nam – EU nói chung và Việt Nam với Síp, Thụy Điển và Bồ Đào Nha nói riêng trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị ba nước ủng hộ Việt Nam ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và khẳng định Việt Nam sẵn sàng phối phối hợp với các nước trong các vấn đề khu vực và quốc tế vì hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng chung.
Lãnh đạo các nước khẳng định đã, đang và sẽ phối hợp với Việt Nam trên cả bình diện song phương và đa phương, trong khuôn khổ Liên hiệp quốc và ASEM, ủng hộ Việt Nam và EU sớm thực hiện EVFTA, góp phần kết nối hai khu vực.
Hai bên cũng chia sẻ quan điểm chung về các vấn đề quốc tế và khu vực trong đó có tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều biến động phức tạp, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Tại cuộc hội kiến với Tổng thống Nicos Anastasiades, hai bên bày tỏ vui mừng trước sự phát triển của quan hệ hai nước trong thời gian qua, khẳng định cần tăng cường hơn nữa hợp tác mọi mặt: trao đổi đoàn cấp cao, thúc đẩy thương mại hai chiều (hiện còn đang ở mức khiêm tốn), hợp tác du lịch và lao động. Trên cơ sở quan hệ hữu nghị và hợp tác đang phát triển ngày càng tốt đẹp giữa hai nước, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị Síp hỗ trợ tạo điều kiện để người lao động Việt Nam tại Síp làm việc ổn định và lâu dài. Tổng thống Nicos Anastasiades đánh giá người Việt Nam tại Síp lao động cần cù, chăm chỉ, có đóng góp vào kinh tế - xã hội ở sở tại.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gặp Quốc vụ khanh Bồ Đào Nha. |
Tiếp xúc với Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Margot Wallstrom, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Thụy Điển, nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ sự hỗ trợ quý báu của Thụy Điển trong những năm tháng khó khăn. Hai bên đánh giá cao những phát triển tích cực giữa trong quan hệ hai nước những năm qua, nhất trí cần nỗ lực phấn đấu đưa kim ngạch song phương lên 2 tỷ USD vào năm 2020. Trong bối cảnh khu vực và quốc tế biến đổi nhanh, các thành tựu khoa học và sáng tạo trở thành những yếu tố quan trọng hàng đầu cho phát triển, Phó Thủ tướng đề nghị, bên cạnh các lĩnh vực hợp tác hiện nay, Thụy Điển hỗ trợ Việt Nam cũng như đẩy mạnh phối hợp trong việc ứng dụng công nghệ cao vào cuộc sống như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, viễn thông, du lịch, y tế, thương mại điện tử, …Hai bên nhất trí sẽ tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm tới.
Tiếp Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Bồ Đào Nha Ana Paula Zacarias, hai bên đánh giá tích cực về phát triển quan hệ hai nước thời gian qua, cho rằng tiềm năng còn rất lớn, hai bên cần khai thác lợi thế có thể bổ trợ cho nhau, tập trung vào những lĩnh vực Bồ Đào Nha có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu cao đặc biệt là phát triển kinh tế biển, hàng hải, du lịch..../.