Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm việc với Ủy ban Dân tộc
VOV.VN - Chiều 7/2, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng đoàn công tác Chính phủ đã làm việc với Ủy ban dân tộc về kết quả thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2021-2022, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 và những năm tiếp theo.
Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng với sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số, tình hình kinh tế, xã hội của vùng đã có bước phát triển rõ rệt; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú; thu nhập được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được cải thiện; số hộ nghèo giảm nhanh; tình hình an ninh trật tự được giữ vững.
Cùng với đó hệ thống chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2030 được ban hành khá đầy đủ, toàn diện đã tạo điều kiện cho kinh tế-xã hội vùng như: Chính sách đầu tư và sử dụng nguồn lực; chính sách đầu tư phát triển bền vững; chính sách phát triển giáo dục và đào tạo; chính sách cán bộ người dân tộc thiểu số…
Tuy nhiên vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là vùng khó khăn nhất cả nước. Số hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm 55% tổng số hộ nghèo cả nước; việc tiếp cận các dịch vụ xã hội ở mức thấp so với bình quân chung cả nước; việc thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2030 còn thiều đồng bộ và việc bố trí nguồn lực cho chính sách chưa phù hợp với mục tiêu, nội dung và thời gian thực hiện.
Ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc kiến nghị: “Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất tham mưu cho Chính phủ trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế giao vốn sự nghiệp của Chương trình cho cả giai đoạn 2023-2025; đồng thời nghiên cứu tham mưu ban hành cơ chế cho phép địa phương điều chỉnh mức vốn đầu tư theo nhu cầu thực tế và được phép điều chuyển vốn sự nghiệp của chương trình giữa các Dự án cho phù hợp với điều kiện thực tế địa phương”.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao Ủy ban Dân tộc đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rà soát, sửa đổi bổ sung hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến công tác dân tộc. Đến thời điểm hiện nay, từ chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đã thể chế hóa thành hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến công tác dân tộc trên hầu hết các lĩnh vực đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm mới đạt hơn 43%; Trong tổng số 73 văn bản của 3 chương trình mục tiêu thì Ủy ban dân tộc có 33 văn bản hướng dẫn, điều này cho thấy những công việc mà ủy ban thực hiện là rất khó.
Về những kiến nghị của Ủy ban Dân tộc liên quan đến vướng mắc về định mức, đối tượng đầu tư thuộc trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc quản lý, Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban sớm trình để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ký ban hành trước 15/2.
Về nhóm khó khăn, vướng mắc do cơ chế, chính sách, Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban dân tộc với vai trò là cơ quan chủ trì tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành liên quan sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình. Phó Thủ tướng cho biết, năm nay sẽ là năm có nhiều áp lực cho Ủy ban vì tỷ lệ giải ngân vốn đạt dưới 50%. Vì vậy Ủy ban Dân tộc cần quyết tâm cao hơn.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị: “Thứ nhất là phải giải quyết cho được khái niệm lồng ghép các chương trình bằng những con số định lượng hết sức cụ thể như giải quyết câu chuyện chồng chéo như thế nào. Câu chuyện thứ hai Thủ tướng nhắc nhiều lần là cố gắng đầu tư ra tấm ra món, tập trung, tránh lãng phí, dàn trải vì không sẽ rất lãng phí. Việc thứ ba mà chúng ta sẽ làm tới đây là phải lắng nghe cơ sở xem họ vướng gì”./.