Phối hợp liên ngành thực hiện công tác cải cách hành chính
VOV.VN -Thời gian qua, chất lượng hoạt động của bộ phận nhận và trả kết quả ở các cấp ngày càng được nâng cao.
Sáng nay (17/4), tại trụ sở Chính phủ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ |
Báo cáo và ý kiến phát biểu của các thành viên Ban chỉ đạo tại hội nghị khẳng định: Thời gian qua, công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính đã được nhiều Bộ, ngành và địa phương tập trung quan tâm. Nhiều đồng chí lãnh đạo các Bộ, ngành địa phương đã trực tiếp đôn đốc, tạo chuyển biến trong nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là sau khi công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2012. Chất lượng hoạt động của bộ phận nhận và trả kết quả ở các cấp ngày càng được nâng cao...
Tuy nhiên, công tác soạn thảo và ban hành văn bản của một số Bộ, ngành và địa phương vẫn chưa được quan tâm đúng mức, còn nhiều lúng túng trong triển khai thực hiện, chất lượng báo cáo về công tác cải cách hành chính cũng chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra…
Tại hội nghị, các thành viên Ban chỉ đạo đã đề ra 8 nhiệm vụ chủ yếu trong năm nay nhằm gắn kết công tác cải cách hành chính của các Bộ, ngành địa phương, tăng cường trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính và nâng cao chất lượng hiệu quả của cải cách hành chính.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thuý Hiền nhấn mạnh: “Ban chỉ đạo có nhiệm vụ quan trọng chỉ đạo phối hợp liên ngành. Nếu Bộ, ngành nào cũng làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình trong lĩnh vực cải cách hành chính như Phó Thủ tướng nêu thì về cơ bản là tốt, nhưng có nhiều việc cần phải có sự phối hợp liên ngành để cùng giải quyết và tạo sức mạnh tổng hợp để thực hiện tốt công cuộc cải cách hành chính”.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ nêu rõ: Các thành viên ban chỉ đạo cần nhận thức rõ, có kế hoạch và chương trình hành động cụ thể cải cách hành chính của ngành, đơn vị mình. Đồng thời, tiếp tục đào tạo, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức mà điều đầu tiên mỗi cán bộ phải học khi tiếp xúc với dân là học “4 xin” (xin chào, xin lắng nghe, xin lỗi, xin cảm ơn), tránh nhũng nhiễu tiêu cực. Cán bộ ngành, địa phuơng cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức”./.