Phòng, chống tham nhũng từ chi bộ, đảng bộ cơ sở: Dĩ hòa vi quý
VOV.VN -Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lai Châu: "Nguyên nhân khó phát hiện việc phát hiện tham nhũng vì nó được che đậy một cách tinh vi".
“Nhiều người, không chỉ cá nhân, ngay cả đảng viên trẻ cũng thế. Có một thực tế, đảng viên trẻ khi đóng góp cho các bậc cha chú mình cũng phải lựa lời mà nói”.
“Trong sinh hoạt chi bộ, các cán bộ, đảng viên cũng còn có tình trạng nể nang. Chính vì vậy, trong việc tham gia góp ý kiến với cán bộ, đảng viên mình nhiều khi cũng chưa được tập trung ý kiến”.
Suy nghĩ của các đảng viên thuộc Đảng bộ Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Yên Bái vừa được trích dẫn cũng phần nào nói lên thực trạng trong sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi. Trên Báo Quân đội nhân dân, Tiến sĩ Hà Sơn Thái, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh có nêu ý kiến: “Hiện nay, không ít đảng viên có thái độ “ươn hèn, yếu ớt” trong sinh hoạt. Họ luôn trong trạng thái “thứ nhất ngồi lì, thứ nhì đồng ý”, “nước chảy thì bèo trôi”, với phương châm hành động “dĩ hòa vi quý"... Hệ quả là, đã cổ vũ, tiếp tay cho lối sống xu thời, cơ hội, sẵn sàng làm “tấm bình phong” che đỡ những kẻ tài hèn, đức mọn…”.
Đúng như suy nghĩ của tiến sỹ Hà Sơn Thái, 2 vụ việc vi phạm liên quan đến ông Nguyễn Sỹ Quý ở Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Yên Bái và ông Lường Văn Định, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, Sơn La chắc chắn sẽ được ngăn chặn từ sớm nếu như các cán bộ, đảng viên trong các cấp ủy chi bộ cơ sở dũng cảm đấu tranh, phê bình với đồng chí mình.
Lấy một ví dụ khác từ tỉnh Lào Cai. Đảng bộ tỉnh có trên 3.300 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở. Tuy nhiên, tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay (gần 3 năm), qua thanh tra mới phát hiện, chuyển cơ quan điều tra 02 hồ sơ có dấu hiệu tham nhũng; qua kiến nghị, tố cáo của nhân dân phát hiện 03 vụ việc liên quan tham nhũng; Tòa án tỉnh xét xử 4 vụ; công an tỉnh đang điều tra xác minh 03 vụ. Số vụ tham nhũng ít, bóng dáng của các cán bộ, đảng viên, các cấp ủy chi bộ trong phát hiện các vụ việc cũng càng không thấy.
Theo ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai, việc chi bộ có nguy cơ tham nhũng mà chưa chủ động phát hiện được các hành vi tham nhũng vì người Việt Nam theo chủ nghĩa duy tình.
“Hai là dĩ hòa vi quý. Ba là tâm lý né tránh, ngại va chạm. Cùng với đó là cơ chế khuyến khích, bảo vệ, khen thưởng người tố cáo các hành vi tham nhũng chưa được tốt. Nguyên nhân chính theo tôi là sức chiến đấu của cấp ủy, đảng viên của chi bộ đó chưa cao”- ông Sơn nói.
Đề cập thực tế ở tỉnh Lai Châu, đồng chí Vũ Văn Hoàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lai Châu cũng thẳng thắn thừa nhận, việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng của cán bộ, đảng viên ở chi bộ hiện nay còn ít; việc nắm bắt thông tin, phối hợp giám sát cán bộ, đảng viên thực thi công vụ chưa sát sao; ở không ít chi bộ, góp ý của MTTQ và các đoàn thể quần chúng nhân dân đối với chi bộ, người đứng đầu còn hạn chế.
“Nguyên nhân theo tôi, việc phát hiện tham nhũng không phải việc dễ, vì nó được che đậy một cách tinh vi. Thứ 2, ở các cơ quan, chi bộ hiện nay, công tác tự kiểm tra còn ít”- ông Vũ Văn Hoàn nói.
Một nguyên nhân nữa khiến cho nhiều người không dám tố cáo tham nhũng là do sợ bị trù dập, cô lập. Cơ chế, hành lang pháp lý bảo vệ, bảo đảm công bằng cho người tố cáo tiêu cực còn nhiều hạn chế. Nước ta đã có Luật Tố cáo và Luật này đã dành một chương quy định về vấn đề này, nhưng nội dung các quy định vẫn mang tính chung chung, thiếu hướng dẫn cụ thể…
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV vừa qua đã thông qua Luật tố cáo (sửa đổi) và Luật có hiệu lực từ 01/01/2019, chắc chắn sẽ khắc phục được những bất cập. Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Công ty Luật Hồng Bách và Cộng sự cho biết: “Thực tế rằng, rõ ràng chúng ta có một bộ máy bảo vệ pháp luật. Nhưng lại ở một góc độ nào đó, lĩnh vực nào đó lại chưa bảo vệ được những người dũng cảm, dám đi tố cáo”.
Từ cách tiếp cận khác, ông Thái Hữu Hoành, đảng viên 55 tuổi đảng ở tổ 11, phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La trăn trở, từ lâu, thủ trưởng cơ quan, đơn vị là Bí thư cấp ủy của cơ quan, đơn vị đó. Điều đó đã được khẳng định là rất đúng. Thế nhưng, có nhược điểm, nếu người đứng đầu không thực sự gương mẫu, phát huy dân chủ, cấp dưới sẽ rất khó trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực
“Vừa là Bí thư, vừa là thủ trưởng bên chính quyền thì có mặt tích cực là tập trung, thống nhất, nhanh nhạy, kịp thời. Thế nhưng, có nhược điểm cần phải đề phòng, vì người đó có quyền chức cao nhất trong đơn vị ấy, có thể có những hiện tượng chen lấn động cơ cá nhân, rồi đi đến có những sai phạm, lệch lạc. Muốn tốt thì các đồng chí cán bộ, đảng viên trong cơ quan phải mạnh dạn phát hiện, đấu tranh. Cấp trên phải tăng cường kiểm tra, giám sát”- ông Thái Hữu Hoành chia sẻ thêm./. Tổng Bí thư và những phát ngôn mạnh mẽ về chống tham nhũng
Chánh án TAND Tối cao: “Không để kéo dài các án tham nhũng“
“Cử tri còn bất bình vì nạn “tham nhũng vặt” chưa giảm”
Xử lý người đứng đầu chưa tương xứng với các vụ tham nhũng
Chống tham nhũng: Phải dẹp “sân sau”, điều tra “giàu bất thường”