Phụ nữ Trà Vinh tổ chức giỗ Bác trang trọng vào ngày 2/9
VOV.VN - Lễ giỗ Bác đã thực sự trở thành truyền thống văn hóa tốt đẹp, mang tính nhân văn sâu sắc của người dân nói chung và phụ nữ Trà Vinh nói riêng.
Để tỏ lòng tưởng nhớ đến Bác Hồ, nhiều phụ nữ ở Trà Vinh đã treo ảnh Bác và dịp 2/9 hàng năm cùng nhau tổ chức giỗ Bác rất trang trọng. Tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng đều thể hiện tình cảm thiêng liêng, tỏ lòng thành tưởng nhớ đối với Bác Hồ kính yêu.
Hơn chục năm nay, gia đình bà Lê Thị Phương - Trưởng Ban Công tác mặt trận ấp Bình Hội, xã Huyền Hội, huyện Càng Long thắp hương thờ di ảnh Bác Hồ ở nơi trang nghiêm bên cạnh tổ tiên của mình.
Bà Phương chia sẻ, khi gia đình thờ ảnh, dâng hương Bác, mọi người trong nhà như tự soi rọi bản thân, liên hệ với những công việc đã làm để tự nhắc nhở bản thân phấn đấu làm tốt hơn, giúp đỡ mọi người, cùng nhau xây dựng xóm ấp sạch đẹp, phát triển.
Bà Lê Thị Phương cho biết, gia đình bà kính trọng Bác như ông bà, cha mẹ của mình. Để tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ Bác, hàng năm vào dịp 2/9 gia đình bà đều làm mâm cơm dâng Bác. Những năm đầu giỗ Bác, gia đình tự làm mâm cơm, trái cây và chỉ có người trong nhà thực hiện. Thấy việc làm ý nghĩa, những năm sau này càng có nhiều hộ tham gia, nhất là chị em phụ nữ.
“Năm nào gia đình cũng làm giỗ Bác, chỉ có năm qua dịch bệnh không tổ chức. Trước kia thấy tại sao nhiều nơi tổ chức lễ tưởng niệm Bác Hồ, tôi mới nảy ra ý định tổ chức giỗ Bác để con em mình nhớ tới ngày Bác mất. Sau này chị em trong ấp cùng tham gia, làm 4-5 mâm. Riêng năm nay nhiều hơn vì càng ngày càng nhiều người tham gia” - bà Lê Thị Phương chia sẻ.
Còn ở ấp Thạnh Hiệp, xã Nhị Long Phú, huyện Càng Long tất cả gia đình đều thờ ảnh Bác ở nơi trang nghiêm nhất trong gia đình, đó là tâm nguyện của bà con nơi đây. Không chỉ thờ Bác tại nhà riêng, ở nhà sinh hoạt cộng đồng của ấp, người dân cũng đặt ảnh Bác để thờ cúng rất trang trọng.
Đặc biệt, vào ngày 2/9 hàng năm, cán bộ, hội viên phụ nữ phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lễ giỗ Bác rất trang trọng. Không chỉ có người dân trong ấp, nhiều người trong xã và những địa phương lân cận đến thắp hương tưởng nhớ, kính viếng. Người dân ai có gì góp nấy, có người góp bó củi, có người mang gà, vịt, trứng, rau, có người thì mang trái cây, hoa tươi… để tổ chức nấu những mâm cơm. Năm 2020, 2021 do tình hình dịch bệnh Covid-19, nên người dân trong ấp không tổ chức giỗ chung, nhưng một số hội viên phụ nữ vẫn nấu chè và cúng món chay tại nhà.
Ngày giỗ còn là dịp để đoàn thể, chính quyền trao đổi những việc đã và đang làm, từ đó động viên nhau phấn đấu làm tốt hơn và tặng quà hộ nghèo và những em học sinh khó khăn trong ấp.
Chị Nguyễn Thị Thu, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Thạnh Hiệp, xã Nhị Long Phú cho biết, nơi đây làm giỗ Bác theo cách tổ thì phụ trách gói bánh tét, tổ làm bánh ít, mỗi chi hội góp một mâm mang đến trụ sở để cúng. Còn người dân thì xách con vịt, người thì trái cây. Nấu xong mang lên bàn thờ để dâng Bác và mỗi người thắp 1 nén hương. Chi bộ thành lập quỹ và dịp này cũng xuất 1 phần đi thăm hộ khó khăn. Còn riêng chi hội phụ nữ phải có tối thiểu 2 suất quà để tặng em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Nhộn nhịp nhất là ở xã Long Đức, TP Trà Vinh, dịp 2/9 là tất cả các hộ dân trong xã đều có mâm cơm dâng Bác. Riêng chị em phụ nữ tranh thủ thi nhau gói bánh, cắm hoa để dâng lên Người. Đúng 7h sáng 2/9 tất cả tập trung tại Đền thờ. Không khí diễn ra trang trọng và ấm cúng, những nén hương được thắp lên với lòng tưởng nhớ, thành kính đối với Bác kính yêu.
Chị Hà Thị Vĩnh Bình, thuyết minh viên - người có nhiều năm gắn bó với Đền thờ Bác tại Trà Vinh tự hào, rất xúc động khi thấy hàng năm cứ đến ngày ngày 2/9 mọi người lại kéo nhau về đây thắp hương tưởng nhớ Bác.
Mừng ngày độc lập, mừng đất nước phát triển phồn thịnh, người dân Trà Vinh luôn có Bác trong tim mình, những tình cảm này thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam. Lễ giỗ Bác đã thực sự trở thành truyền thống văn hóa tốt đẹp, mang tính nhân văn sâu sắc của người dân nói chung và phụ nữ Trà Vinh nói riêng. Đây cũng là dịp để thế hệ trẻ địa phương hiểu biết hơn những công lao vĩ đại của Bác đối với đất nước, qua đó giáo dục truyền thống cách mạng, vun đắp tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đối với Bác Hồ kính yêu./.