Quan hệ hợp tác Việt Nam Ai Cập sẽ có dấu ấn quan trọng
VOV.VN - Chuyến thăm của Tổng thống El-Sisi sắp tới là một dấu ấn vô cùng quan trọng trong 54 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ai Cập.
Việt Nam và Ai Cập chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1963. Hai nước có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, luôn ủng hộ lẫn nhau trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cũng như trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, cũng như hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn song phương và đa phương. Hợp tác chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục được thúc đẩy mạnh mẽ đáp ứng nguyện vọng và vì lợi ích của nhân dân mỗi nước.
Nhân dịp Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi sẽ thăm Việt Nam vào đầu tháng 9 này, PV VOV đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ta tại Ai Cập Đỗ Hoàng Long.
Phóng viên VOV phỏng vấn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ai Cập Đỗ Hoàng Long. |
Đại sứ Đỗ Hoàng Long: Ai Cập và Việt Nam đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao được 54 năm. Trong suốt chặng đường lịch sử này, giữa hai nước đã có mối quan hệ hữu nghị rất tốt đẹp. Chính phủ và nhân dân Ai Cập đã hết lòng ủng hộ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ để giành được độc lập dân tộc. Và hiện nay, trong giai đoạn xây dựng đất nước, chính phủ Ai Cập vẫn tiếp tục bày tỏ sự ủng hộ đối với Việt Nam.
Chuyến thăm của Tổng thống El-Sisi lần này là một dấu ấn vô cùng quan trọng trong 54 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ai Cập bởi đây là lần đầu tiên một lãnh đạo cấp cao nhất của Ai Cập đến thăm Việt Nam. Đây cũng là một trong những biểu hiện của việc Ai Cập triển khai chính sách đối ngoại hướng Đông của mình và Việt Nam là một trong những nước ưu tiên của chính sách hướng Đông đó. Chuyến thăm của ông El-Sisi lần này sẽ mang lại nhiều kết quả và tạo ra một nền tảng để hợp tác lâu dài giữa hai nước trong tương lai.
PV: Đại sứ có thể cho biết những nội dung mà hai bên sẽ thảo luận, liệu có thỏa thuận nào được ký kết trong chuyến thăm của Ngài Tổng thống Ai Cập hay không?
Đại sứ Đỗ Hoàng Long: Nhân dịp chuyến thăm của Tổng thống Ai Cập, hai bên đã chuẩn bị rất nhiều văn kiện để ký, đặc biệt những văn kiện này đã được cấp các chuyên gia kỹ thuật bàn thảo về chi tiết và thống nhất vào ngày 22/8 vừa qua nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ đầu tư và hợp tác quốc tế Ai Cập. Đến thời điểm này, chúng tôi đã hoàn thiện được 20 loại văn bản khác nhau và dự kiến sẽ ký trong chuyến thăm của Tổng thống.
Đại sứ Đỗ Hoàng Long. |
PV: Chúng ta có thể kỳ vọng sự phát triển hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực nhất là chính trị, kinh tế, thương mại và đầu tư như thế nào sau chuyến thăm lần này của Tổng thống Ai Cập?
Đại sứ Đỗ Hoàng Long: Trong 54 năm qua, Việt Nam và Ai Cập đã phát triển mối quan hệ hữu nghị, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, trong đó có cả chính trị, kinh tế và văn hóa. Đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, Việt Nam và Ai Cập có rất nhiều điểm tương đồng. Cả hai đều là nước đang phát triển, có dân số tương đồng nhau, có trình độ phát triển tương đương nhau. Do vậy, mỗi nước ở hai bên đầu hai châu lục có những điểm để bổ trợ cho nhau. Tuy nhiên, tiềm năng của hai bên chưa phát huy được hết, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.
Năm 2016, kim ngạch thương mại giữa hai nước mới chỉ đạt trên 350 triệu USD. Chúng tôi hi vọng sau chuyến thăm của Tổng thống El-Sisi lần này, sẽ mở ra nhiều lĩnh vực hoạt động hợp tác khác nhau, không chỉ ở lĩnh vực thương mại mà còn mở ra trong lĩnh vực đầu tư, văn hóa, và nhiều lĩnh vực hợp tác quan trọng khác. Chúng tôi cũng hi vọng, nền tảng này này sẽ được phát triển, duy trì lâu dài trong quan hệ giữa Việt Nam và Ai Cập.
PV: Trên bình diện quốc tế và khu vực thì tình hình Trung Đông và cuộc chiến chống khủng bố, chủ nghĩa cực đoan là vấn đề mà cả hai nước cùng quan tâm. Vậy chuyến thăm lần này của Ngài Tổng thống Ai Cập, hai bên sẽ tiếp tục phối hợp, hợp tác và thống nhất quan điểm lập trường như thế nào?
Đại sứ Đỗ Hoàng Long: Câu chuyện An ninh và Quốc phòng được Ai Cập rất quan tâm, và không chỉ đối với Việt Nam mà tất cả các quốc gia ở khu vực và trên thế giới cũng coi đây là vấn đề nóng. Tôi tin chắc rằng, đảm bảo an ninh cho mỗi quốc gia là việc rất cần được ưu tiên nhằm phát triển kinh tế và về mọi mặt, cho nên hợp tác trong lĩnh vực an ninh quốc phòng sẽ phù hợp với chủ trương chung của cả hai nước.
Đối với những điểm nóng hiện nay ở khu vực Trung Đông – châu Phi, thì chủ trương và chính sách đối ngoại của Việt Nam là mong muốn các bên giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình, đảm bảo an ninh và hòa bình cho khu vực để phát triển. Việt Nam cực lực lên án chủ nghĩa khủng bố.
PV: Trân trọng cảm ơn Đại sứ đã trả lời phỏng vấn./.