Quan hệ Peru- Việt Nam: 20 năm một chặng đường
VOV.VN - Đại biện lâm thời Peru tại Việt Nam nói, 2 nước còn có nhiều tiềm năng phát triển hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp trong tương lai.
Peru- một đất nước xinh đẹp ở Nam Mỹ, giàu tài nguyên khoáng sản như kẽm, đồng, bạc, dầu mỏ…
Về vị trí địa lý, Peru tiếp giáp với 5 quốc gia (Ecuador, Colombia, Brazil, Bolivia và Chile) và nơi đóng trụ sở của Cộng đồng Andes, là một "trung tâm tự nhiên và cửa ngõ thâm nhập khu vực" cho hàng hóa xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam nói riêng và của châu Á nói chung vào Nam Mỹ.
Năm 2014 là năm Peru- Việt Nam kỉ niệm tròn 20 năm quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa 2 nước. Đại sứ quán Peru tại Hà Nội đã tổ chức một chuỗi các sự kiện trao đổi văn hóa cũng như xúc tiến thương mại giữa 2 nước từ ngày 8/4- 24/4. Phóng viên VOV online phỏng vấn Đại biện lâm thời Peru tại Việt Nam, ông Luis Tsuboyama bên lề sự kiện này. Ông cho biết: “Peru là đất nước đa dạng về văn hóa, dân tộc. Người Peru có sự pha trộn của nhiều dòng máu khác nhau. Ở đất nước chúng tôi có lưu truyền một câu nói nổi tiếng sau “Nếu như không phải là người Inga thì cũng là người Madinga”. Inga là dân tộc chính ở Peru, còn Madinga chỉ về những dòng máu khác. Câu nói thể hiện sự đa dạng về văn hóa cũng như dân tộc của Peru”.
Đại biện lâm thời Peru tại Việt Nam, ông Luis Tsuboyama tại một buổi giới thiệu ẩm thực Peru (Ảnh: Phương Chi/VOV online) |
PV: Như ông vừa nói ở trên, Peru là đất nước đa dạng về văn hóa. Tại sao ông chọn ẩm thực để khởi động cho chuỗi các sự kiện trao đổi văn hóa trong tháng Tư này, thưa ông?
Ông Tsuboyama: Có một danh ngôn ở Peru đại ý “Để tiếp cận 1 người đàn ông thì con đường đầu tiên phải đi qua là dạ dày”. Chúng tôi cũng áp dụng câu nói đó và sử dụng yếu tố ẩm thực là bước đầu tiên để quảng bá văn hóa Peru đến với các bạn.
Và chúng tôi sẽ kéo dài chuỗi các hoạt động quảng bá này không chỉ ở Hà Nội mà còn ở thành phố Hồ Chí Minh.
Buổi trình diễn nghệ thuật ẩm thực ngày 8/4 không phải đơn thuần là một buổi trình diễn giới thiệu ẩm thực Peru đơn thuần. Qua buổi trình diễn này, chúng tôi đồng thời giới thiệu các nguyên liệu thực phẩm như Lúcuma hay Quinia.
Mục tiêu sắp tới của chúng tôi là đem đến Việt Nam những loại hoa quả hoặc các loại rau củ đặc trưng của Peru. Ngoài ra chúng tôi cũng mong muốn giới thiệu đến đất nước các bạn cả những sản phẩm thủ công ví dụ như trang sức, vải bông…
Bởi thế, tôi mong rằng các hoạt động quảng bá văn hóa trong tháng Tư này sẽ góp phần thúc đẩy trao đổi thương mại giữa 2 nước. Hiện tại Peru đang xuất khẩu sang Việt Nam bột cá và khoáng sản. Chúng tôi mong muốn có thể mở rộng hơn nữa các hoạt động này.
Tất nhiên, Việt Nam cũng có các sản phẩm thủ công của riêng mình nhưng chúng tôi hứa sẽ đem đến cho các bạn những sản phẩm thủ công khác biệt và độc đáo.
PV: Được biết, năm 2014 cũng là năm đầu tiên Đại sứ quán Peru được thành lập ở Việt Nam. Sự kiện này có ý nghĩa như thế nào thưa ông?
Ông Tsuboyama: Năm nay tròn 20 năm quan hệ Việt Nam- Peru và năm nay cũng là năm đầu tiên Đại sứ quán Peru mở tại Việt Nam. Điều này khẳng định tầm quan trọng mối quan hệ giữa Peru và Việt Nam. Việt Nam chính là một điểm đến có ý nghĩa với Peru ở Châu Á.
Đại sứ quán Peru khi thành lập ở Việt Nam không chỉ là đảm nhiệm chức vụ về ngoại giao hay chính trị mà còn có nhiệm vụ chính là quảng bá về văn hóa Peru. Bởi thế, bên cạnh các mối quan hệ với các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước, chúng tôi cũng muốn gây dựng mối quan hệ chặt chẽ với người dân Việt Nam.
Dường như người Việt Nam biết rất ít về Peru ngoài địa điểm du lịch nổi tiếng Machu Picchu. Nhưng Peru còn nhiều thứ thú vị hơn thế. Đại sứ quán Peru thành lập ở Việt Nam trên tinh thần quảng bá hình ảnh Peru sâu hơn nữa vào cộng đồng người Việt.
Chúng tôi mong muốn Việt Nam biết đến Peru không chỉ là địa điểm du lịch Machu Picchu mà còn biết đến đất nước chúng tôi là một đất nước phát triển, một đất nước hiện đại.
PV: Nhìn lại chặng đường 20 năm đã đi qua về mối quan hệ giữa 2 nước, ông có thể cho đôi lời nhận xét?Những gì 2 nước nên làm trong tương lai để thắt chặt thêm tình hữu nghị?
Ông Tsuboyama: Nhìn lại 20 năm vừa qua, mối quan hệ giữa 2 nước vẫn luôn tốt đẹp. Nhưng mối quan hệ này có thể phát triển hơn nữa nếu có sự hiện diện của đại sứ quán tại 2 nước. Đại sứ quán Peru tại Việt Nam năm nay mới được thành lập và hiện vẫn chưa có Đại sứ quán Việt Nam tại Peru.
Về lĩnh vực thương mại- đầu tư, cả 2 nước đều rất quan tâm đến lĩnh vực này. Ví dụ nổi bật nhất trong những năm qua là sự hiện diện của Viettel và PVEP ở Peru. Trong tương lai, chúng ta có thể hợp tác sâu hơn, mở rộng hơn trong việc trao đổi thương mại giữa 2 nước.
Hai nước cũng cần nhanh chóng hoàn tất hiệp định thương mại TPP để tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác nhiều hơn nữa.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một hiệp định thương mại tự do với mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Thỏa thuận ban đầu được các nước Brunei, Chile, New Zealand và Singapore ký vào ngày 3/6/2005. Hiện tại, thêm 5 nước đang đàm phán để gia nhập vào TPP, đó là các nước Australia, Malaysia, Peru, Mỹ và Việt Nam.
Mục tiêu ban đầu của Hiệp định là cắt giảm 90% các loại thuế xuất nhập khẩu và tiến tới cắt giảm thuế bằng 0 tới năm 2015. Đây là một thỏa thuận toàn diện bao quát tất cả các khía cạnh chính của một hiệp định thương mại tự do, bao gồm trao đổi hàng hóa, các quy định về xuất xứ, can thiệp, rào cản kỹ thuật, trao đổi dịch vụ, vấn đề sở hữu trí tuệ, các chính sách của mỗi quốc gia.
Về lĩnh vực văn hóa, lần này chúng tôi đến Việt Nam mang theo cả người đầu bếp nổi tiếng của Peru và cả những vũ công, sẽ trình diễn những món ăn, điệu nhảy đặc sắc.
Khi những người Peru trở về quê hương, họ có thể chia sẻ với cộng đồng để những người dân Peru có thể hiểu rõ hơn về Việt Nam cũng như các cơ hội tiềm năng ở đất nước này.
Biết đâu trong tương lai, chúng ta sẽ tổ chức 1 buổi trình diễn nấu ăn của người Việt Nam tại Peru và Peru luôn sẵn lòng hỗ trợ.
Xin cảm ơn ông./.