Quốc hội đề nghị triển khai hiệu quả cải cách tiền lương từ 01/7/2024
VOV.VN - Sáng 29/11, tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Với 474 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 95,95 %), Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Trình bày Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận ý kiến của 468 đại biểu Quốc hội, trong đó có 391 đại biểu đồng ý hoàn toàn với dự thảo Nghị quyết, 77 đại biểu cơ bản đồng ý và có ý kiến góp ý một số nội dung cụ thể.
Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các Bộ, cơ quan liên quan trong triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn. Việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã được các cơ quan triển khai nghiêm túc, có trách nhiệm, với nhiều giải pháp đồng bộ, tạo chuyển biến tích cực và đạt được kết quả cụ thể ở hầu hết các lĩnh vực, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm theo nghị quyết của Quốc hội.
Tuy nhiên, việc triển khai một số nghị quyết còn chậm, một số nội dung, chỉ tiêu trong các nghị quyết chưa hoàn thành, chưa đạt yêu cầu, chậm chuyển biến hoặc còn khó khăn, vướng mắc, cần phải được khắc phục, tháo gỡ, giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn, khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong từng lĩnh vực.
Trong đó, với lĩnh vực nội vụ, tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế đạt mục tiêu đến năm 2026 giảm 5% biên chế công chức và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021 trên cơ sở đẩy mạnh tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập. Sớm hoàn thành có chất lượng việc xây dựng vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ, ngành, địa phương. Xây dựng, ban hành đồng bộ các văn bản để triển khai có hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương từ ngày 01/7/2024...
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, về các nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Nghị quyết, đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung một số nội dung trong dự thảo Nghị quyết, gồm: Việc đẩy nhanh thực hiện hóa đơn điện tử trong việc thu thuế, phí, lệ phí; đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; về thời hạn giải quyết dứt điểm việc chậm chi trả kinh phí khoán bảo vệ rừng; việc kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương; xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ để cập nhật thường xuyên các công ty nợ, chậm đóng bảo hiểm…
Về ý kiến đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo thực hiện hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất thuộc dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn tránh qua huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, nội dung “Bố trí nguồn vốn và thực hiện nhiệm vụ chi thanh toán chi phí giải phóng mặt bằng cho Dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn tránh qua huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc cho người dân, tránh khiếu kiện kéo dài” đã bao gồm nội dung ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu, do đó, giữ nguyên như trong dự thảo Nghị quyết.
Đối với ý kiến cho rằng không cần thiết quy định nội dung “Khẩn trương ban hành đầy đủ văn bản quy định chi tiết, triển khai thi hành Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)” trong lĩnh vực xây dựng, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: “Cần khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết là giải pháp quan trọng nhằm đưa các luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 sớm đi vào cuộc sống, hoàn thiện cơ sở pháp lý để đẩy mạnh thực hiện Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030; do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ như dự thảo”.
Về ý kiến đề nghị khẩn trương xây dựng bộ sách giáo khoa dùng chung trong năm 2025, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương tiếp tục tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa theo Nghị quyết số 88/2014/QH13... Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không bổ sung nội dung trên trong dự thảo Nghị quyết…
Về ý kiến đề nghị bổ sung nội dung về việc hoàn thiện thể chế cho ngành Tòa án, Viện kiểm sát và cán bộ, công chức ngành Tòa án, Viện kiểm sát các cấp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nội dung này đã được đề cập đầy đủ tại Nghị quyết số 755/NQ-UBTVQH15 ngày 27/3/2023 về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo báo cáo, Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 và thông qua tại Kỳ họp thứ 7. Bên cạnh đó, theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, trong năm 2024, Viện kiểm sát nhân dân tối cao sẽ hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không bổ sung trong dự thảo Nghị quyết.