Băn khoăn về tình trạng xin lùi, rút, bổ sung khi xây dựng luật
VOV.VN - Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về xu hướng một luật sửa nhiều luật, lồng ghép các ưu đãi làm cho hệ thống pháp luật thiếu tính ổn định.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Thẩm tra đề nghị của Chính phủ, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đánh giá, việc lập và triển khai Chương trình vẫn còn những hạn chế.
Cụ thể, hồ sơ đề nghị xây dựng một số dự án luật như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật Phòng, chống HIV/AIDS (sửa đổi), Luật Dự phòng, nâng cao sức khỏe... chưa được chuẩn bị kỹ, tình trạng xin lùi, rút, bổ sung dự án vào Chương trình vẫn còn diễn ra thường xuyên.
Năm 2017, bổ sung 6 dự án, lùi thời gian trình 5 dự án, rút khỏi Chương trình 3 dự án, 2 dự án được thông qua theo quy trình 3 kỳ họp. Năm 2018, Chính phủ đề nghị điều chỉnh thời gian trình 3 dự án, bổ sung 10 dự án... "Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về xu hướng một luật sửa nhiều luật, lồng ghép các ưu đãi làm cho hệ thống pháp luật thiếu tính ổn định. Ban hành Luật Quy hoạch dẫn đến phải sửa hơn 25 luật; xây dựng Luật Quốc phòng sửa đổi yêu cầu sửa đổi, bổ sung ban hành mới 9 luật, pháp lệnh...", ông Định nói.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định: Tình trạng xin lùi, rút, bổ sung dự án vào Chương trình vẫn còn diễn ra thường xuyên |
Báo cáo thẩm tra cũng đánh giá, việc tổ chức lấy ý kiến và tham gia ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan đối với nhiều dự án còn hình thức. Chính phủ chưa bố trí thời gian để thảo luận bàn sâu về chính sách cụ thể của mỗi dự án. Trong quá trình soạn thảo, tiếp thu chỉnh lý, người đứng đầu một số cơ quan soạn thảo dành thời gian để tham gia ít, chủ yếu giao cho cấp dưới.
Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra của Quốc hội trong một số trường hợp chưa thực sự thẳng thắn, thiếu kiên quyết trong việc bảo vệ quan điểm của mình.
Về điều chỉnh Chương trình năm 2018, Chính phủ đề nghị rút ra khỏi Chương trình 1 dự án, lùi thời gian trình 2 dự án, bổ sung vào Chương trình 10 dự án luật (6 dự án liên quan đến Luật Quy hoạch), 1 dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó tại Kỳ họp thứ 5 lùi thời gian trình 2 dự án luật, bổ sung 4 dự án luật. Tại kỳ họp thứ 8 rút 1 dự án luật, bổ sung 5 dự án luật.
Có 6 dự án, Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Tài chính - ngân sách và Ủy ban Pháp luật nhất trí với đề nghị của Chính phủ. Đó là Luật Công an xã (rút khỏi Chương trình) để nhập nội dung vào Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi) (bổ sung vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự lùi thời gian trình từ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6; Luật Quản lý thuế (sửa đổi) bổ sung vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, thông qua tại kỳ họp thứ 7; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường lùi thời gian trình từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 8; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường đề nghị bổ sung vào phiên họp tháng 5/2018.
Giải trình, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long chia sẻ Chính phủ gặp một số thách thức trong quá trình xây dựng các luật trong năm 2018 – 2019. Đó là việc cùng một lúc phải thể chế hoá các Nghị quyết của Đảng; đồng thời phải xử lý vấn đề thực tiễn đặt ra là giải quyết môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra còn phải sửa hàng loạt luật theo yêu cầu của luật Quy hoạch để kịp với thời hạn có hiệu lực…
“Đây là những nguyên nhân, các đại biểu thứ lỗi một chút cho câu chuyện xin lùi, xin rút của Chính phủ”, Bộ trưởng Tư pháp phân trần và cho biết thêm nguyên nhân chủ quan nhiều năm nay chưa khắc phục được là sự đầu tư nguồn lực, sự quan tâm của một số bộ ngành trực tiếp soạn thảo luật còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu./.
Thường vụ Quốc hội chưa bàn các Luật Đầu tư công và Công an nhân dân