Bầu cử trong khu cách ly ở Đà Nẵng được thực hiện như thế nào?
VOV.VN - Theo Hướng dẫn của Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, công tác tổ chức bầu cử tại khu vực cách ly tập trung được thực hiện rất nghiêm ngặt, khác với điểm bầu cử tại khu dân cư.
Dịch Covid-19 tại thành phố Đà Nẵng đang diễn biến rất phức tạp, công tác tổ chức bầu cử vào ngày mai (23/5) sẽ áp dụng 4 hình thức khác nhau. Đó là bầu cử tại Khu dân cư cố định; Khu vực cho người đang thực hiện cách ly tại nhà; Khu vực dành cho người đang cách ly tại khu cách ly tập trung, bệnh viện, cơ sở y tế và Khu vực phong tỏa hoặc giãn cách xã hội. Việc tổ chức bầu cử tại khu vực cách ly được triển khai như thế nào?
Theo Hướng dẫn của Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, công tác tổ chức bầu cử tại khu vực cách ly tập trung được thực hiện rất nghiêm ngặt, khác với điểm bầu cử tại khu dân cư. Toàn bộ khu vực bầu cử được phun hóa chất khử khuẩn trước khi bỏ phiếu. Hòm phiếu phụ, phiếu bầu cử, thùng rác được sát khuẩn y tế, có một hàng rào ngăn cách với Khu cách ly. Bảng niêm yết ứng cử viên, bàn viết phiếu bầu, có bút, thước kẻ đặt trong hàng rào. Cán bộ, nhân viên Tổ bầu cử, hòm phiếu và bàn phát phiếu bầu đặt ngoài hàng rào.
Cử tri trong khu cách ly đi thành 1 hàng một chiều, giữ khoảng cách khi bỏ phiếu. Tất cả thành viên tổ bầu cử đứng ngoài hàng rào đều mặc áo quần bảo hộ như đang điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 chuẩn bị sẵn phiếu bầu, thẻ cử tri đặt ở bàn để cử tri tới nhận. Quá trình phát phiếu, nhận thẻ cử tri được thực hiện gián tiếp giữ khoảng cách. Trước và sau mỗi thao tác tiếp xúc với vật dụng đều phải sát khuẩn. Sau khi cử tri bỏ phiếu xong, nhân viên Tổ bầu cử tiến hành phun khử khuẩn hòm phiếu và các đồ vật lần nữa; tháo bỏ phương tiện phòng hộ khử khuẩn vệ sinh cá nhân trước khi rời khỏi điểm bầu cử.
Bác sỹ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cho biết, đối với trường hợp bầu cử dành cho người cách ly tại nhà, nhân viên Tổ bầu cử phải mang thùng phiếu đến đầu ngõ, để cử tri bỏ phiếu sau đó mang thùng phiếu về điểm bầu cử. Quy trình xử lý y tế cũng thực hiện nghiêm ngặt như bầu cử ở khu cách ly tập trung.
“Nhưng người đi vào khu cách ly Bệnh viện Phổi và Bệnh viện Hòa Vang thì bắt buộc cách ly tập trung sau khi hoàn thành nhiệm vụ 21 ngày. Còn những người làm nhiệm vụ khu cách ly F1 thì về cách ly tại nhà, mặc dù chúng ta đã bảo hộ rất tốt, còn lại các khu phong tỏa mềm, khu có nguy cơ đã làm xét nghiệm lần 2 âm tính thì chỉ cần theo dõi sức khỏe. Cho nên khi bố trí lực lượng phải cân nhắc, tiết kiệm lực lượng một cách tối đa nhất có thể ”-Bác sỹ Ngô Thị Kim Yến nói thêm.
Tại thành phố Đà Nẵng hiện có 41 cơ sở cách ly tập trung, 29 khu vực bị phong tỏa, 51 khu vực được lập chốt hạn chế ra vào, 100 điểm nóng Covid-19 với hơn 6000 trường hợp F1, F2 của bệnh nhân mắc Covid-19 hiện đang cách ly tập trung và cách ly tại nhà. Các địa phương ở thành phố Đà Nẵng đã tổ chức diễn tập các tình huống bầu cử trong tình hình dịch bệnh cho hơn 10.000 cán bộ, nhân viên phục vụ công tác bầu cử. Đặc biệt, nhân viên Tổ bầu cử và cử tri ở khu cách ly tập trung, tại nhà cũng được tham gia diễn tập, hướng dẫn cách thức đi bầu và áp dụng các biện pháp chống dịch.
Bà Nguyễn Thị Biên, Phó Chủ tịch UBND phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng cho biết, đến nay, nhân viên Tổ bầu cử và cử tri ở khu cách ly đã nắm rõ trình tự bỏ phiếu theo hướng dẫn của ngành Y tế: “UBND phường đã triển khai diễn tập cho các tổ bầu cử trên địa bàn phường, qua đây chỉ việc cho các tổ bầu cử ở những khu vực cách ly tập trung, thành viên tổ bầu cử phân công để tham dự buổi diễn tập, học hỏi kinh nghiệm thực hiện bầu cử trong khu cách ly tập trung.”
Theo hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử quốc gia, thành phố Đà Nẵng cho phép các Tổ bầu cử được kiểm phiếu tại chỗ đối với điểm bầu cử đang điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 và khu cách ly tập trung. Cách làm này hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong quá trình di chuyển thùng phiếu. Sau khi kiểm phiếu xong, thành viên Tổ bầu cử tiến hành niêm phong hòm phiếu, niêm phong phiếu bầu, khử khuẩn hòm phiếu và các tài liệu có liên quan đến bầu cử để chuyển về cho các Tổ bầu cử.
Các Tổ bầu cử phải bố trí một phòng riêng đảm bảo an toàn phòng dịch để quản lý hòm phiếu này. Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Chủ tịch Ủy ban bầu cử thành phố Đà Nẵng cho biết, các tổ bầu cử đều thành lập tổ y tế riêng, đặc biệt tại các điểm bỏ phiếu ở khu cách ly tập trung, các Tổ bầu cử đều phải có nhân viên y tế: “Rà soát lại việc phân công theo dõi các thành viên của các ban ở từng địa phương để đảm bảo nắm thông tin và xử lý kịp thời. 525 điểm bầu cử đều phải được kiểm tra đánh giá, đặc biêt tại khu cách ly tập trung phải có hòm phiếu phụ, 1 con dấu đã bỏ phiếu phụ, đảm bảo mỗi điểm cách ly có con dấu, không lấy đóng qua, đóng lại rồi gây lây truyền dịch bệnh"./.