Bỏ tội danh “Cố ý làm trái”: Nhiều quan chức sẽ được tha?
VOV.VN- “Nếu Bộ luật Hình sự bỏ tội này thì các quan chức đã bị xử tội Cố ý làm trái sẽ được thả. Nhân dân có đồng tình với chúng ta việc này không?”.
Báo cáo Tiếp thu, giải trình một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị chưa nên bỏ Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật hiện hành), mà cần sửa đổi theo hướng, làm rõ dấu hiệu trái quy định của Nhà nước là trái quy định của các văn bản từ Nghị định trở lên. Việc giữ tội danh này nhằm xử lý hiệu quả loại tội phạm tham nhũng.
Tuy nhiên, đa số ý kiến trong Ủy ban Tư pháp- cơ quan thẩm tra dự án luật lại tán thành với dự thảo về việc bỏ 8 tội danh, trong đó thay thế Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng các tội phạm cụ thể đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý kinh tế, xét cần thiết phải xử lý về hình sự để đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, bảo đảm sự minh bạch và an toàn của môi trường sản xuất, kinh doanh.
Băn khoăn về nội dung này, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách vừa qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền bày tỏ: “Lần trước phát biểu tôi đồng tình bỏ nhưng sau về suy nghĩ lại thấy không ổn. Ví dụ vụ Vinashin chỉ xử một tội Cố ý làm trái, nếu giờ phi hình sự hoá thì Nguyễn Thanh Bình (nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin) đương nhiên được tha. Nhân dân có đồng tình với chúng ta việc này không?”.
Cũng theo Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH Lâm Đồng, ban soạn thảo nên có số liệu hiện nay đã khởi tố bao nhiều vụ Cố ý làm trái; bao nhiêu vụ đã, đang và sắp điều tra; bao nhiêu người đang thi hành án để chứng minh quy định tội này cần thiết hay không cần thiết.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền và Đại biểu Đỗ Văn Đương |
Khẳng định quy định về tội Cố ý làm trái không phải là “cái túi”, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương- Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng nếu bỏ tội này sẽ rất nghiêm trọng, do đó nên nghiên cứu để sửa cho phù hợp hơn vì thực tế trong nhiều lĩnh vực khi truy tố người ta viện dẫn hành vi vi phạm trái với quy định nào.
Ví dụ Vinashin được cấp vốn để đóng tàu nhưng anh kinh doanh bất động sản, làm lò vôi, lò gạch, taxi... dẫn thới thất thoát toàn bộ số vốn hàng nghìn tỷ, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Cho rằng Luật này không thể liệt kê, bao quát được hết hành vi quy định trong luật chuyên ngành, đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị giữ lại tội này nhưng cần sửa làm rõ cấu thành của tội.
“Nếu Bộ luật Hình sự sửa đổi bỏ tội này thì lập tức tất cả các quan chức bị xử tội Cố ý làm trái được thả hết, vì rõ ràng vô luật, vô tội, vô hình. Luật có quy định tội đâu mà bắt họ chịu. Do đó phải nghiên cứu rất thận trọng”, đại biểu lưu ý.
Không đồng tình với những quan điểm trên, theo đại biểu Trần Du Lịch- Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách TPHCM, không vì vụ Vinashin mà chúng ta thay đổi chính sách hình sự. Vụ Vinashin còn liên quan đến toàn bộ thể chế kinh tế nhà nước mà vừa rồi Quốc hội phải ban hành Luật quản lý sử dụng vốn kinh doanh nhà nước để ngăn ngừa sự việc tương tự xảy ra.
“Ngăn ngừa là chính chứ không vì thế bắt xã hội chịu một điều khoản vét "Cố ý làm trái" mà ai cũng sợ. Nếu những hành vi vi phạm điều cấm trong luật này cần biến thành tội hình sự ở điều khoản nào thì bổ sung, chứ không quay lại điều khoản vét”, đại biểu nêu quan điểm.
Về nội dung này, trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV.VN tại kỳ họp thứ 9, Đại biểu Nguyễn Công Hồng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh, pháp luật cần cụ thể, rõ ràng để đảm bảo sự an toàn pháp lý. Luật không minh bạch thì người dân sẽ không biết cách để xử sự. Đặc biệt luật hình sự liên quan đến sinh mạng của một con người nên càng phải cụ thể, rõ ràng, không thể quy định tạo ra cách hiểu khác nhau khi áp dụng luật.
“Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng giống như một cái túi, khi tất cả các điều khoản khác không vận dụng được thì đưa về đây, hình phạt vừa phải, chừng mực. Quy định như vậy là không an toàn vì trên thực tế không biết thế nào có thể gọi là làm trái quy định nên mới có ý kiến đề xuất bỏ tội này để đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất, kinh doanh”, đại biểu Hồng cho biết./.