Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Thiết kế 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn lỏng lẻo"
VOV.VN - Chiều 30/10, sau phần thảo luận của các đại biểu Quốc hội về những tồn tại, hạn chế và giải pháp để thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững..., các tư lệnh ngành đã giải trình, làm rõ thêm một số nội dung.
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, về tốc độ giải ngân, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, có nhiều lý do chủ quan, khách quan dẫn đến giải ngân chậm, trong đó vấn đề lớn nhất hiện nay là giải ngân vốn sự nghiệp, còn vốn đầu tư công không khó khăn trong giải ngân. Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội việc phân quyền nhiều hơn nữa cho địa phương trong giải ngân vốn sự nghiệp.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã nêu trong phiên họp. Về mô hình chỉ đạo của Ban Chỉ đạo các cấp, hiện nay chưa thống nhất mô hình ở cấp địa phương. Đây là vấn đề thực tiễn đang đặt ra, mỗi địa phương có tổ chức mô hình khác nhau, tùy theo mục tiêu, đặc điểm của từng địa phương.
Thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với các bộ ngành, tham mưu với Chính phủ nghiên cứu, thiết kế mô hình thống nhất từ trung ương đến địa phương đảm bảo hiệu quả hơn…
Trước một số tồn tại hạn chế đã được chỉ ra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng chia sẻ thêm, đối với vấn đề như hệ thống văn bản hướng dẫn cồng kềnh xuất phát từ quan điểm tiếp cận đa mục tiêu, cùng với đó, sự phối hợp trên dưới, ngang dọc chưa chặt chẽ, khi thiết kế chương trình phức tạp nhưng nguồn lực hạn chế.
Do đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ còn nhiều việc phải làm để kiến nghị với Ban Chỉ đạo Trung ương cùng tháo gỡ.
Ông Lê Minh Hoan cho rằng, đề xuất về xem xét lại cơ chế ủy quyền, phân cấp, nhất là về nguồn vốn cho cấp huyện là một giải pháp khả thi. Đồng thời nhấn mạnh, trong bối cảnh này, bên cạnh mục tiêu giải ngân cũng phải đảm bảo được tất cả những chỉ tiêu, những mục tiêu đưa ra để có được nông thôn mới phát triển bền vững.
“Mặc dù trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhưng cũng có cơ chế đặc thù cho riêng các vùng miền, điều này có sự chênh lệch giữa các địa phương. Qua các ý kiến của các đại biểu đã cho thấy trong cùng một vùng miền cũng có những tỉnh vượt lên. Do đó, khi tiếp cận và vận hành chương trình thì vướng mắc nhất sẽ ở những địa phương dưới mức trung bình”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói và cho biết sẽ trình với Ban Chỉ đạo Trung ương trong thời gian tới để tính toán vấn đề này.
Theo Tư lệnh ngành Nông nghiệp, những kết quả đạt được hôm nay có thể chậm, chưa đạt được mục tiêu nhưng đó cũng là những cố gắng rất lớn của các địa phương khi mà nguồn lực hỗ trợ từ trung ương giảm gần một nửa nhưng mục tiêu không thay đổi. Sự cố gắng của các địa phương là rất nhiều nhưng trong thời điểm hiện nay đã bắt đầu “đuối”.
Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng chỉ ra rằng, nguyên nhân còn do rào cản quản lý giữa các ngành, cấu trúc bộ máy của 3 chương trình và năng lực tiếp nhận của cán bộ địa phương, nhất là cán bộ cấp xã thay đổi liên tục cũng là một phần hạn chế.
“Thời gian tới sẽ chú trọng hơn đào tạo cho những cán bộ”, ông Hoan nói, đồng thời, chia sẻ về tình hình thực tế ở xã sau khi hoàn thành tiêu chí nông thôn mới thì các nguồn lực hỗ trợ không còn.
“Thực tế này cho thấy thiết kế 3 Chương trình mục tiêu còn có những lỏng lẻo. Ở đây, cũng có “áp lực kép”, một phần mong muốn tất cả các xã lên nông thôn mới để hoàn thành đúng chỉ tiêu của Đại hội, nhưng khi nông thôn mới thì nguồn lực hỗ trợ sẽ bị giới hạn”, Bộ trưởng nhìn nhận.
Do đó, Tư lệnh ngành Nông nghiệp cho rằng, những vấn đề thiết kế chính sách trong thời gian tới sẽ xem xét để tạo được năng lực cụ thể cho địa phương. Bởi nguồn lực Nhà nước không thể hỗ trợ được hết mà cần phát huy được năng lực của cộng đồng.