“Cản trở hoạt động tố tụng hành chính phải bị xử lý”
VOV.VN - “Các nước có điều luật trừng trị về tội khinh tòa. Do đó hành vi cản trở, gây rối mà không xử lý thì không được”, Chánh án TANDTC nhấn mạnh.
Trình bày Tờ trình về dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) trình Ủy ban thường vụ Quốc hội sáng 12/3, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết dự thảo luật có một chương quy định về việc xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong việc giải quyết các vụ án hành chính.
Đây là Chương mới được bổ sung để tạo cơ sở pháp lý cho việc quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền, mức tiền phạt đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính nhằm xử lý nghiêm minh các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tố tụng hành chính, giáo dục mọi người chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, phòng ngừa những vi phạm có thể xảy ra, nâng cao uy tín của Toà án, bảo đảm sự tôn nghiêm của Toà án, sự tôn trọng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với Toà án, tạo điều kiện để Toà án giải quyết các vụ án hành chính nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật.
“Các nước có điều luật trừng trị về tội khinh tòa. Do đó hành vi cản trở, gây rối mà không xử lý thì không được”, Chánh án TANDTC nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, UBTP tán thành với ý kiến đề nghị có quy định trong dự thảo Luật TTHC (sửa đổi) về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính của TAND nhằm xác định rõ hành vi vi phạm nào được coi là cản trở hoạt động tố tụng hành chính của TAND và bị xử lý hành chính cũng như hình thức xử lý, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 “Quyền con người, quyền cơ bản của công dân chỉ bị hạn chế theo quy định của Luật”.
Trình tự, thủ tục, thẩm quyền, mức tiền phạt… đối với các hành vi được thực hiện theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.
Nghiên cứu quy định đảm bảo thi hành án
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết việc thi hành án thực tế còn nợ nhiều nên cần có quy định trong luật này để đảm bảo thi hành án hành chính. Ngoài ra cần bổ sung thẩm phán thi hành án để theo dõi quá trình, kiểm soát thi hành án theo tinh thần cải cách tư pháp.
Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng tán thành với quy định của dự thảo Luật về việc thi hành án hành chính. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát lại các quy định mới được bổ sung trong dự thảo Luật lần này bảo đảm thống nhất với quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và Luật thi hành án dân sự cũng như cụ thể hóa đầy đủ quyền hạn của TAND, nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính và thống nhất của hệ thống pháp luật.
Thảo luận về nội dung này, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh cho rằng, về mặt nguyên tắc, các đối tượng bị áp dụng các biện pháp thông qua xử lý hành chính thì phải có nghĩa vụ chấp hành. Tuy nhiên các báo cáo cho thấy trong thực tiễn, rất nhiều đối tượng đáng lẽ phải thi hành nghiêm túc bản án tòa án trong việc xem xét giải quyết các vụ kiện thì lại không chấp hành. Ngoài ra chưa có cơ chế đảm bảo việc thực hiện nên còn nhiều ý kiến khác nhau về việc giao thẩm quyền cho cơ quan nào tổ chức thi hành án hành chính.
“Có ý kiến nói nên giao cho cơ quan thi hành án dân sự, nhưng tôi cho rằng đây là lĩnh vực hành chính nên không liên quan đến phạm trù dân sự mà phải có cơ quan có thẩm quyền cao hơn cơ quan hành chính và người đứng đầu cơ quan hành chính. Tôi đề nghị nên giao cho cơ quan theo nguyên tắc tòa án xét xử trên cấp. Giao cho HĐND có quyền xem xét, bãi bỏ các văn bản trái pháp luật của UBND, người đứng đầu UBND”, ông Khánh nêu ý kiến.
Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu trong phần kết luận phiên thảo luận cho rằng vấn đề này cần tiếp tục nghiên cứu để có thêm quy định đảm bảo hiệu lực thi hành./.