Chủ tịch nước chưa yêu cầu Chính phủ họp bàn vì thiếu cơ chế
VOV.VN - Chủ tịch nước chưa thực hiện quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn những vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết, theo quy định của Hiến pháp.
Sáng 22/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã báo cáo kiểm điểm nhiệm kỳ 2011-2016 tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII. Theo đó, Chủ tịch nước đã thực hiện đầy đủ, có hiệu quả nhiệm vụ quyền hạn mà Hiến pháp và pháp luật quy định, cũng như các các nhiệm vụ được Bộ Chính trị và Ban Bí thư phân công.
Chủ tịch nước đã giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu các chức danh lãnh đạo của Nhà nước, ký quyết định bổ nhiệm các thành viên Chính phủ; tham gia đầy đủ các kỳ họp Quốc hội; quyết định đàm phán điều ước quốc tế nhân danh nhà nước, thận trọng, xem xét các văn bản ký kết quốc tế, nhất là các Hiệp định vay vốn ODA, yêu cầu Chính phủ quản lý vốn vay có hiệu quả, đúng pháp luật.
Chủ tịch nước thường xuyên đi địa phương để nắm thực tiễn về các vấn đề dân sinh bức xúc để có ý kiến đóng góp kịp thời với Chính phủ.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang báo cáo công tác nhiệm kỳ trước Quốc hội |
Là người phụ trách cao nhất công tác cải cách tư pháp, Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến việc giảm thiểu oan sai, đền bù bồi thường và xử lý trách nhiệm, tăng cường chất lượng, số lượng các chức danh tư pháp...
"Trong nhiệm kỳ, Chủ tịch nước đã ký quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn đối với 43.999 phạm nhân", ông Trương Tấn Sang cho biết.
Về quốc phòng an ninh, với mối quan tâm lớn là vấn đề Biển Đông, Chủ tịch nước đã làm việc và có ý kiến tại các cuộc họp của Đảng, Chính phủ, đặc biệt là với các Bộ Quốc phòng và Công an; chú trọng việc tăng cường lực lượng vũ trang, quan tâm đời sống quân nhân, chiến sĩ.
Chủ tịch nước cũng thường xuyên tìm hiểu đời sống của đồng bào trong và ngoài nước mỗi khi đi công tác địa phương và nước ngoài, lắng nghe và chia sẻ tâm tư nguyện vọng của nhân dân, động viên khối đại đoàn kết dân tộc... Đối ngoại cũng là lĩnh vực tích cực, với các hoạt động đối ngoại Nhà nước và đối ngoại nhân dân.
"Trong công tác và sinh hoạt, Chủ tịch nước luôn phấn đấu thực hiện sự gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu nhà nước, giản dị, gần dân, trọng dân, toàn tâm toàn ý phục vụ Tổ quốc, nhân dân", ông Trương Tấn Sang nói.
Tuy nhiên, ông Trương Tấn Sang cũng thừa nhận: "Chủ tịch nước có phần trách nhiệm trước những hạn chế, yếu kém của đất nước hiện nay. Là Trưởng ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước có trách nhiệm trước thực trạng phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn của một số cán bộ tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu, một bộ phận cán bộ tư pháp nhũng nhiễu, tiêu cực".
"Trước một số vấn đề quốc kế dân sinh hệ trọng và bức xúc, Chủ tịch nước chưa thực hiện quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn những vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết, theo quy định của Hiến pháp", ông Trương Tấn Sang thừa nhận và cho rằng nguyên nhân nằm ở việc còn thiếu những cơ chế cụ thể, đủ hiệu lực để Chủ tịch nước thực hiện quyền này./.