Chủ tịch Quốc hội tiếp Điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam
VOV.VN -Chiều 27/5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Liên hợp quốc, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao sự hỗ trợ của Liên hợp quốc đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo, phòng chống HIV/AIDS. Đồng thời cảm ơn cá nhân bà Pratibha Mehta đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong việc cứu trợ nhân đạo khẩn cấp cho những người dân bị thiệt hại nặng nề do hạn hán và xâm nhập mặn tại Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Chủ tịch Quốc hội cám ơn UNDP đã đồng hành cùng Quốc hội Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đóng góp vào thành quả chung trong phát triển đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và bà Pratibha Mehta- Điều phối viên Liên hợp quốc, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam.
Trong quá trình thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững, Quốc hội Việt Nam có vai trò quan trọng thông qua chức năng, nhiệm vụ đó là lập pháp, giám sát và quyết định ngân sách. Trong 15 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã thông qua hơn 300 đạo luật trong đó lồng ghép nhiều nội dung phát triển bền vững vào các đạo luật quan trọng như Hiến pháp mới (năm 2013), Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường.
Về công tác giám sát, Quốc hội Việt Nam cũng thực hiện giám sát đối với hoạt động của Chính phủ về những mục tiêu cụ thể có tính chất bền vững và giám sát tổng thể chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở từng giai đoạn để nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững.
Bên cạnh đó, quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế của Quốc hội ngày càng rộng mở, phát triển, đã tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội Việt Nam học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong việc hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững như tinh thần của Tuyên bố Hà Nội đã được thông qua tại Đại hội đồng IPU-132 “Các Mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015 - Biến lời nói thành hành động”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, vì là quốc gia đang phát triển nên Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn về mặt nguồn lực để tiếp tục thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị UNDP nói riêng và Liên hợp quốc nói chung tiếp tục hỗ trợ Quốc hội Việt Nam nâng cao vai trò trong quá trình thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỉ và Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam trong thời gian tới; Cung cấp hỗ trợ tư vấn đối với các cơ quan của Quốc hội trong việc tổ chức nghiên cứu kinh nghiệm lập pháp của các nước. Cung cấp chuyên gia, tổ chức các nghiên cứu liên quan đến các dự án luật và các chuyên đề giám sát.
Ngoài việc hỗ trợ các chương trình, dự án, Việt Nam mong muốn các cơ quan của LHQ tăng cường hỗ trợ về tư vấn chính sách để giúp Việt Nam ổn định vĩ mô và phát triển kinh tế, xã hội. Tăng cường kết nối giữa UNDP với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan lập pháp khác trong khuôn khổ những dự án do UNDP tài trợ để nâng cao hiểu biết về vai trò từng cơ quan của Quốc hội trong quá trình thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, hòa bình và phát triển luôn gắn bó chặt chẽ với nhau và cảm ơn LHQ đã quan tâm vào đóng góp vào nỗ lực chung duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông trong thời gian qua. Mong LHQ tiếp tục quan tâm đến tình hình an ninh khu vực, có tiếng nói ủng hộ và thúc đẩy việc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế.
Phát biểu trong buổi tiếp, bà Pratibha Mehta chúc mừng Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân được bầu là Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và bày tỏ vui mừng hơn khi là vị nữ chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Việt Nam. Những người tiền nhiệm của bà Pratibha Mehta đã có những mối quan hệ, hợp tác với Quốc hội Việt Nam trong các lĩnh vực như bình đằng giới, biến đổi kí hậu và tăng cường năng lực của Quốc hội. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay có những hợp tác hai bên chặt chẽ, nhất là trong lĩnh vực pháp luật.
Bà Pratibha Mehta cũng mong muốn trong thời gian tới, hai bên sẽ có những hợp tác toàn diện hơn./.