“Có những vụ án dùng bức cung, nhục hình nhưng hồ sơ rất đẹp“
VOV.VN - “Cơ chế phán quyết của chúng ta vừa trên cơ sở hồ sơ và xét hỏi. Có những vụ án bức cung, nhục hình nhưng hồ sơ rất đẹp”.
Trung tướng Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TANDTC, nguyên Chánh tòa Quân sự, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cho biết như vậy khi trả lời phóng viên VOV.VN.
PV: Dự luật Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự có đề xuất mở rộng thêm cơ quan có thẩm quyền điều tra. Quan điểm của đại biểu thế nào?
Trung tướng Trần Văn Độ: Thực ra điều tra phải đi từ hai góc độ. Thứ nhất phải đảm bảo hiệu quả, hiệu lực của hoạt động điều tra để xử lý kịp thời đối tượng phạm tội, không làm oan người vô tội, bảo vệ quyền công dân, quyền con người. Thứ hai người điều tra phải là người có nghề, có chuyên môn, chuyên nghiệp hóa. Đã điều tra vụ án hình sự phải là người được đào tạo về lĩnh vực này. Phải kết hợp 2 yếu tố đó.
Tôi nghĩ cần mở rộng cơ quan có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra. Tức khi phát hiện những hành vi phạm tội đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan lĩnh vực đó tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh và điều tra theo quy định và chuyển cho cơ quan điều tra phục vụ công tác điều tra sau này chính xác. Tôi lại không đồng ý trường hợp quả tang, có chứng cứ gì đấy thì các cơ quan này có quyền khởi tố bị can, hoàn tất điều tra đề nghị truy tố. Vì truy tố một người ra trước tòa án để xử hình sự thì phải là cơ quan có thẩm quyền, chuyên môn sâu.
Điều tra ban đầu là chỉ lấy lời khai những người có liên quan, bảo vệ hiện trường… chứ không đi sâu vào điều tra như hỏi cung, khởi tố bị can vì anh không có chuyên môn và không có điều tra viên.
Trung tướng Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TANDTC, nguyên Chánh tòa Quân sự, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang |
PV: Đại biểu từng nói để minh bạch, chống oan sai, bảo vệ quyền con người thì không sợ tốn kém đầu tư để ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung?
Trung tướng Trần Văn Độ: Để chống bức cung, nhục hình còn nhiều yếu tố nhưng biện pháp nào thực hiện được thì nên thực hiện. Ví dụ nơi hỏi cung, cơ sở giam giữ phải xác định điểm cố định, ở đó có phương tiện kỹ thuật ghi âm, ghi hình.
Đồng thời ngoài sự có mặt của người bào chữa thì sự có mặt của kiểm sát viên cũng rất quan trọng. Khi có người thứ 3 thì mọi trường hợp khó xảy ra.
Điều tra có xảy ra việc bức cung, nhục hình là một nhẽ, nhưng có trường hợp là thủ thuật nghiệp vụ để người khai báo theo ý của điều tra viên. Do đó sự có mặt của người có nghiệp vụ như luật sư, kiểm sát viên sẽ tốt hơn, tránh oan sai.
PV: Có quan điểm cho rằng tỷ lệ oan sai rất thấp. Nếu cứ bổ sung nhiều quy định quá chặt sẽ “bó tay” cơ quan điều tra, ảnh hưởng đến đấu tranh phòng chống tội phạm?
Trung tướng Trần Văn Độ: Tôi không nghĩ bó tay cơ quan điều tra. Vì việc phát hiện điều tra xử lý tội phạm là bằng con đường hợp pháp.
Các biện pháp điều tra được Bộ luật tố tụng và các luật khác quy định thì cơ quan điều tra, điều tra viên cũng như các cơ quan, người tiến hành tố tụng khác phải chấp hành, phải thực hiện đầy đủ các biện pháp theo luật cho phép. Còn luật không cho phép thì không được thực hiện.
Biện pháp ngoài tố tụng này kia để đạt mục đích thì không phù hợp với nhà nước pháp quyền, nguyên tắc pháp chế. Đặc biệt hoạt động tố tụng hình sự có thể động chạm rất lớn đến quyền con người, quyền công dân.
PV: Nguyên nhân còn dẫn đến oan sai được chỉ ra có phần “nôn nóng”, chuyên môn nghiệp vụ chưa bảo đảm của điều tra viên. Quan điểm đại biểu thế nào?
Trung tướng Trần Văn Độ: Đòi hỏi của chúng ta trước đây “không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội”, còn bây giờ là không làm oan người vô tội nhưng cũng không để lọt tội phạm. Đó là một sức ép và để đạt một lúc hai mục tiêu đó không phải dễ.
Làm oan người vô tội thì không chấp nhận được, nhưng để lọt tội phạm cũng như những vụ giết người rất man rợ, cướp tài sản… thì có lỗi với nhân dân, gây dư luận xã hội. Bởi ta có các tổ chức, cơ quan để thực hiện việc này mà không làm rõ để đảm bảo bình yên cho xã hội thì cũng là vấn đề.
Chúng ta phải nhìn nhận từ hai góc độ để thông cảm với cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là cơ quan điều tra. Tất nhiên điều đó không có nghĩa ta thông cảm với biện pháp trái pháp luật ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân.
PV: Để rành mạch trách nhiệm, oan sai trong giai đoạn nào thì cơ quan tố tụng đó phải chịu trách nhiệm, thưa ông?
Trung tướng Trần Văn Độ: Luật bồi thường nhà nước quy định cơ quan nào ra phán quyết cuối cùng mà xảy ra oan sai thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm bồi thường. Còn trách nhiệm về chính trị, về nghề nghiệp không đơn thuần chỉ có cơ quan cuối cùng mà phải tất cả những người tham gia tố tụng là điều tra, kiểm sát, tòa án.
Đặc biệt trong cơ chế hiện nay là tố tụng thẩm vấn, tức là chúng ta xét xử, tranh tụng tại phiên tòa nhưng vẫn dựa vào hồ sơ do công an. Không như hệ thống các nước án lệ xét xử không có hồ sơ vụ án. Tòa chỉ nghe tranh luận của bên buộc tội và bên gỡ tội để phán quyết.
Cơ chế chúng ta vừa trên cơ sở hồ sơ và xét hỏi để phán quyết. Có những vụ án bức cung, nhục hình nhưng hồ sơ rất đẹp, không có dấu hiệu gì cả, ra tòa nhiều lúc bị cáo cũng khai báo, nhận tội thì cũng thông cảm phần nào cho thẩm phán. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là anh làm oan thì không phải chịu trách nhiệm. Tùy theo mức độ mà chịu trách nhiệm như bị kỷ luật, nặng thì hình sự và trách nhiệm khác. Vì làm việc về số mệnh của con người thì phải thật cẩn trọng.
Tôi cho rằng tài liệu, lời khai đều là nguồn chứng cứ và không thể coi trọng chứng cứ này bỏ qua chứng cứ kia mà chúng ta phải xem xét, đánh giá như nhau. Chứng cứ nào tin tưởng hơn thì thuộc đánh giá của từng người, chứ không phải trọng chứng hơn trọng cung hay ngược lại.
Quan điểm của tôi là buộc được tội mới kết tội, không buộc được tội thì không kết tội.
PV: Trong chiến lược cải cách tư pháp xác định lấy khâu tranh tụng làm khâu đột phá. Là người công tác trong ngành tòa án 30 năm, quan điểm của đại biểu thế nào?
Trung tướng Trần Văn Độ: Tại sao Hiến pháp 2013 và Nghị quyết của Bộ chính trị khẳng định nguyên tắc tranh tụng trong xét xử phải được bảo đảm? Vì truyền thống tố tụng của chúng ta hoàn toàn từ góc độ thẩm vấn và xét xử trên cơ sở hồ sơ vụ án, quan tâm hồ sơ nhiều hơn kết quả xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa. Do đó có những trường hợp có thể dẫn đến oan sai.
Nghị quyết 08 và đặc biệt là Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp ghi nhận khâu đột phá là tranh tụng. Hiến pháp 2013 cũng ghi nhận. Tranh tụng không chỉ tại phiên tòa mà cả trong quá trình khởi tố vụ án, từ khi một người bị nghi là phạm tội đến khi khởi tố bị can, đến khi bản án có hiệu lực thi hành.
Một vấn đề là xác định sự thật khách quan của vụ án để phán quyết đúng. Sự thật khách quan đó phải có tranh luận giữa bên buộc tội và bên gỡ tội. Sự cọ xát giữa hai quan điểm, tòa án ở giữa xác định sự thật xảy ra như thế nào, từ đó mới phán quyết được.
PV: Thực tế có băn khoăn về tính độc lập và năng lực nhận xét, đánh giá ra phán quyết cuối cùng của thẩm phán?
Trung tướng Trần Văn Độ: Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Tuy nhiên phải nói rằng trình độ hiện nay và đặc biệt theo thói quen rất nhiều thẩm phán dựa dẫm rất nhiều vào hồ sơ và quá trình chuẩn bị xét xử là nghiên cứu hồ sơ vụ án. Khi tranh luận tại tòa có kết quả khác đi thì rất lúng túng trong vấn đề xử lý. Cái đó là có.
Chúng ta chuyển biến sang tranh tụng thì phải đào tạo cán bộ, tập huấn, kể cả điều tra viên phải đối mặt với luật sư, kiểm sát viên phải đối diện với bên gỡ tội và làm thế nào có đội ngũ luật sư đông đảo, có chất lượng để giúp người bị buộc tội tranh tụng lại.
Tòa án phải là người trọng tài, nghe hai bên, trên cơ sở chứng cứ để phán quyết chính xác, khách quan.
PV: Có ý kiến cho rằng lâu nay kiểm sát viên hay nói “bảo lưu quan điểm” mà thiếu tranh luận?
Trung tướng Trần Văn Độ: Cái đó mang thói quen thẩm vấn vào đây, xét hỏi toàn là tòa. Kiểm sát viên chỉ đến bảo vệ cáo trạng do Viện trưởng ký. Giờ phải khác đi, tăng quyền cho kiểm sát viên, anh có thể ký cáo trạng và chịu trách nhiệm. Kiểm sát viên tại tòa phải bảo vệ cáo trạng hoặc thay đổi buộc tội qua quá trình xét hỏi.
Luật tố tụng phải có sự đổi mới. Nếu không tăng thẩm quyền cho kiểm sát viên, điều tra viên và thẩm phán độc lập thì tranh tụng rất khó.
PV: Xin cảm ơn ông./.