Cử tri đánh giá cao ý kiến của nhiều Đại biểu Quốc hội
VOV.VN - Nhiều cử tri trong cả nước đồng tình và đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội.
Một phiên thảo luận của Quốc hội tại Hội trường
Theo dõi tường thuật trực tiếp phiên thảo luận của Quốc hội về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, đa số cử tri đồng tình và đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội.
Cử Tri Cao Thành Danh, ở Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng ông đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên họp sáng nay. Trong đó có ý kiến của đại biểu Đỗ Văn Đương (Đoàn TPHCM), đó là Bộ Chính trị nên có quyết sách tấn công tội phạm tham nhũng, mua bán chức quyền như hiện nay.
“Tôi biết vẫn còn tình trạng chạy chức chạy quyền. Như vậy là quá bất công. Từ việc chạy được chức quyền, người ta sẽ phải tham nhũng để có tiền bù lại cho những gì họ đã bỏ ra để mua chức mua quyền…Vì vậy, tôi mong Chính phủ cần làm triệt để vấn đề này. Ngoài ra, như lời một vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm, phân công trách nhiệm rõ ràng của các cơ quan công quyền, tránh tình tạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan công quyền, gây ách tắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như đời sống người dân", cử tri Cao Thành Danh nói.
Cử tri Trần Đình Trù (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) kiến nghị: “Nhiệm kỳ tới, Chủ tịch nước phát huy vai trò quyết định của người đứng đầu Nhà nước. Trong bối cảnh đang nổi lên 2 vấn đề quan trọng là vấn đề an ninh quốc gia và vấn đề tiêu cực, người đứng đầu quốc gia, đứng đầu nhà nước phải có thái độ rõ ràng, kiên quyết, chỉ thị cho các cấp phải có quyết định cụ thể”.
Cử tri tỉnh Tiền Giang đánh giá cao vai trò của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc lãnh đạo, điều hành phát triển đất nước. Đặc biệt, công tác đối ngoại của Chính phủ thực hiện rất tốt. Vấn đề biển Đông được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quan tâm và có những đối sách rất hợp lý, đảm bảo nguyên tắc độc lập dân tộc gắn liền với hòa bình, hữu nghị…
Cử tri Nguyễn Nam Tiến, một cựu chiến binh ở tỉnh Tiền Giang nói: “Vừa qua, công tác ngoại giao của nước mình ở vùng Đông Nam Á có nhiều bạn bè tin tưởng lắm. Việt Nam nổi bật ở đường lối của mình là hòa bình, hữu nghị, truyền thống độc lập dân tộc. Vấn đề hòa bình ở biển Đông dù một số nước có âm mưu này nọ nhưng mình vẫn thấy vẫn xu thế hòa bình ở biển Đông phải giữ vững”.
Cử tri Nguyễn Minh Đức, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái nêu ý kiến: “Tôi rất hoan nghênh với ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên họp sáng nay. Các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận vào những gì đã làm được, cũng như chưa làm được của nhiệm kỳ Chủ tịch nước; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Vì vậy, tôi mong rằng trong nhiệm kỳ mới, Quốc hội, Chính phủ phát huy những mặt đã làm được; quyết liệt hơn trong vấn đề phòng chống tham nhũng; có cơ chế, chính sách thu hút người tố cáo tiêu cực. Các chính sách ban hành cho vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sau ban hành cần phải đảm bảo nguồn lực thực hiện, có cơ chế kiểm tra, giám sát tốt.”
Đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến trên hội trường |
Sau khi nghe các đại biểu quốc hội thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cử tri Hồ Văn Ưu ở Lương Yên, Hà Nội đánh giá cao các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm cao. Nhiệm kỳ qua, ngành tư pháp đã thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình, có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận trong công tác tiếp nhận tố giác, kiến nghị khởi tố và điều tra, truy tố, xét xử cũng như thi hành án. Trong đó, đã xử lý một số vụ án oan sai, tạo niềm tin trong nhân dân.
Tuy nhiên, cử tri Hồ Văn Ưu cho rằng, ngành tòa án và kiểm sát vẫn cần đẩy mạnh cải cách tư pháp, hạn chế tối đa các trường hợp oan sai, bỏ lọt tội phạm và khắc phục triệt để tình trạng án kéo dài quá thời gian quy định của pháp luật, tránh gây bức xúc dư luận: “Bức xúc nhất của nhân dân là oan sai, một bộ phận nhân dân mất lòng tin về cơ quan xét xử các vụ án. Nguyện vọng của nhân dân là làm sao trong nhiệm kỳ mới các cơ quan thi hành pháp luật đi sâu nắm bắt chính xác và xử lý đúng người, đúng tội, đề phòng oan sai. Chúng ta phải cải cách về lề lối làm việc vì dân phục vụ và phải công bằng, minh bạch, không để tình trạng thiếu xót, oan sai xảy ra để gây mất niềm tin đối với pháp luật nhà nước”./.