Đại biểu Quốc hội muốn chất vấn các Bộ trưởng vấn đề gì?
VOV.VN -Chống tham nhũng, cải cách giáo dục, quản lý giá sữa… là những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn các thành viên Chính phủ.
Trước thềm phiên chất vấn các thành viên Chính phủ diễn ra từ chiều nay (10/6), VOV.VN ghi lại ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội về nội dung dự kiến sẽ chất vấn.
Ông Lê Như Tiến- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: “Quan tâm đến việc chống tham nhũng trong lực lượng phòng, chống tham nhũng”
Tôi quan tâm đến những vấn đề lớn mà trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhắc tới đó là cần phải phòng chống tham nhũng trong lực lượng phòng chống tham nhũng. Đó là vấn đề quan trọng, vì thời gian qua Thanh tra Chính phủ cũng có những vấn đề như tài sản khủng của đồng chí nguyên là lãnh đạo và việc trong thời gian ngắn đã bổ nhiệm đến mấy chục lãnh đạo cấp vụ, rồi vấn đề hiệu quả công tác thanh tra.
Ở đây, chắc chắn là có trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc giám sát tài sản, kiểm soát, minh bạch tài sản, kê khai tài sản gắn với công khai thế nào. Vừa rồi, những tài sản khổng lồ như ngôi nhà, biệt thự của lãnh đạo thanh tra… trước nhân dân, cử tri đây không phải là vấn đề nhỏ. Do vậy, tôi thấy kê khai tài sản phải gắn với công khai ở nơi lãnh đạo đó công tác và cư trú chứ không phải kê khai rồi nộp cho đơn vị có thẩm quyền cất vào đâu đó.
Vừa rồi, chúng ta đã đưa ra một loạt vụ án lớn để xử với mức án nghiêm khắc. Điều này chứng tỏ chúng ta có quyết tâm phòng chống tham nhũng, tuy nhiên trong báo cáo của Chính phủ thì vẫn khẳng định công tác phòng chống tham nhũng và lãng phí chưa đạt yêu cầu. Vậy, do đâu chưa đạt yêu cầu, tôi cho có nhiều nguyên nhân nhưng chắc là trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm giải trình và công khai minh bạch về tài sản cũng như là việc bổ nhiệm và sử dụng cán bộ. Bởi vì suy cho cùng tốt hay xấu, thành công hay thất bại đều là do còn người.
Vấn đề biển Đông và ngư dân, tôi hoàn toàn ủng hộ việc Quốc hội đồng ý dành ngân sách khá lớn tập trung cho ngư dân đóng những tàu lớn để ra khơi khai thác tài nguyên biển. Đây là vấn đề phù hợp, tiết kiệm chi không cần thiết, thu hồi tài sản tham nhũng để tập trung cho ngư dân.
Đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội): “Cải cách cơ bản, toàn diện giáo dục nước nhà”
Đất nước muốn phát triển bền vững thì phải bắt đầu từ nguồn lực. Chất lượng nguồn lực lại phụ thuộc rất nhiều vào giáo dục bên cạnh yếu tố xã hội, gia đình. Giáo dục ở đây phải hiểu là từ mầm non lên tới đại học.
Bây giờ là phải làm sao để thực hiện được đúng yêu cầu cải cách cơ bản và toàn diện giáo dục như nghị quyết của Trung ương đã nêu.
Làm thế nào để không lãng phí thời gian, tiền bạc của người dân để đạt được hiệu quả như mong muốn. Tôi cho đây là vấn đề rất quan trọng. Vấn đề ở đây là quản lý nhà nước về giáo dục. Bộ Giáo dục – Đào tạo sẽ chọn cái gì làm khâu đột phá? Chọn như thế nào? Lộ trình ra sao… không được quá lâu để giải quyết chuyện này. Tình hình như vừa rồi thì rất gay go. Mặc dù Bộ GD-ĐT đã cố gắng nhưng tôi vẫn cảm giác các ngành này vẫn chưa chọn đúng vấn đề để đột phá.
Tôi quan tâm trước hết là vấn đề cải cách hệ thống giáo dục từ mầm non đến đại học. Sau đó mới đến nội dung đổi mới sách giáo khoa. Vấn đề sách giáo khoa không phải là viết hết bao nhiêu tỷ đồng mà nội dung sách giáo khoa phải lược bỏ tối đa những nội dung không cần thiết. Lược bỏ ở đây không phải là lược bỏ cái khó mà bỏ những cái không cần thiết. Giữ lại những cái cần thiết, thậm chí có thể chỉ bằng một nửa hiện nay. Đó là những cái tối cần cho sự phát triển trí tuệ của trẻ em. Đó là cái rất quan trọng. Và chỉ những người có tầm nhìn xa trông rộng mới lựa chọn được chuyện ấy thôi. Chứ như bây giờ thì vẫn cứ lúng túng.
Về ý kiến cho rằng nên đưa vấn đề Trường Sa, Hoàng Sa vào sách giáo khoa, theo tôi, hai quần đảo này trong bản đồ Địa lý của mình đã có rồi. Để dạy các em hiểu mình có những cái gì, đất nước mình ra sao, đất nước mình hình dáng thế nào để ngay từ bé các em đã nhập tâm chuyện ấy. Đấy là điều rất cần.
Vấn đề này đối với môn Lịch sử còn quan trọng hơn. Cái yếu của mình trong giai đoạn vừa rồi là việc giảng dạy Lịch sử. Lịch sử Việt Nam thì rất hoành tráng nhưng những người viết sử và dạy sử không truyền tải được cho các em điều đó. Muốn yêu nước thì trước tiên phải hiểu được lịch sử nước mình.
Ngoài vấn đề giáo dục, tôi quan tâm làm thế nào để chống tham nhũng tận gốc. Tôi cho rằng những cái đã xảy ra thì cố gắng làm hết. Còn tới đây cần phải công khai thu nhập cá nhân. Cái đó phải minh bạch. Sau đó phải giám sát. Đó là điều quan trọng nhất trong quản lý con người, quản lý tài sản của họ.
Ông Nguyễn Đức Hiền – Trưởng ban Dân nguyện: “Hạn chế lạm thu ở trường học và có ưu đãi với giáo viên miền núi”
Đổi mới, cải cách giáo dục phải đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Đây là vấn đề Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo phải giải trình. Tôi tiếp xúc cử tri thì thấy rằng, lâu nay, Bộ GD-ĐT có rất nhiều biện pháp chấn chỉnh khoản lạm thu ở các trường. Thế nhưng, rõ rang vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều phụ huynh vẫn phản ánh là còn nhiều khoản lạm thu trong trường học, đặc biệt là các trường phổ thông. Đặc biệt, các quỹ của phụ huynh đang còn nhiều bất cập, bức xúc. Theo tôi, chúng ta cần có cơ chế để tháo gỡ vấn đề này, hạn chế triệt để lạm thu.
Một vấn đề nữa là làm sao phải quan tâm, tạo điều kiện cho các giáo viên, đặc biệt giáo viên ở vùng sâu, vùng xa. Lâu nay chúng tôi tiếp xúc cử tri thấy rằng nhiều người được điều động lên miền núi nhưng chúng ta chưa có ưu đãi, ưu tiên. Đặc biệt chưa tạo điều kiện để các giáo viên sau thời gian hoàn thành nghĩa vụ với miền núi thì có điều kiện trở về thành thị, về với gia đình… Nhiều giáo viên đi lên miền núi và không có đường về, nhưng lại không có cơ chế ưu tiên, khuyến khích./.