Đại biểu Quốc hội: 'Trụ sở ngàn tỷ, nếu chưa cần thiết chưa đầu tư'
VOV.VN- Đại biểu Bùi Đức Thụ cho rằng, khi ngân sách khó khăn phải quán triệt tiết kiệm triệt để. Công trình chưa cần thiết thì nên giãn ra theo ưu tiên đầu tư
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 10/11, đại biểu Bùi Đức Thụ- Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh, trong điều kiện hiện nay, các khoản chi khánh tiết, lễ hội, mua sắm và sử dụng xe công, xây trung tâm hành chính… nếu khoản nào chưa cần thiết đều phải giãn. Người đứng đầu trong quản lý điều hành ngân sách phải chịu trách nhiệm trong việc sử dụng tài chính ngân sách theo phân cấp.
Ngân sách khó khăn thì phải tiết kiệm
“Gần đây nhiều tỉnh có đề xuất xây dựng trung tâm hành chính rất lớn, lên tới nhiều ngàn tỷ đồng, có tổ hợp bao gồm nhiều yếu tố cấu thành như cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng, quảng trường… Nhưng tôi cho rằng trong lúc ngân sách khó khăn như hiện nay phải quán triệt tiết kiệm triệt để”, đại biểu Thụ nêu quan điểm
Các dự án xây dựng trung tâm hành chính theo phân cấp thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương, nhưng vốn thì ngân sách của nhiều địa phương chỉ có một phần, còn phần lớn xin trợ cấp từ ngân sách Trung ương. Theo đại biểu Thụ, vấn đề này phải xem xét, cân nhắc thận trọng.
Đại biểu Bùi Đức Thụ- Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội |
“Những dự án này do địa phương lập, thuộc thẩm quyền của địa phương. Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương đầu tư trong dài hạn, ví dụ Hải Phòng đã duyệt cách đây 6 năm, chủ trương đầu tư đến 2020 tầm nhìn 2030, có nghĩa là không phải làm ngay. Tôi cho đó là chủ trương đúng nhưng thời điểm đầu tư phải căn cứ điều kiện cho hợp lý để đảm bảo an ninh tài chính”, đại biểu Bùi Đức Thụ phân tích.
Nhấn mạnh theo quy định là khi khởi công dự án mới phải có nguồn vốn đảm bảo và một số địa phương quyết định đầu tư trụ sở hành chính là có nguồn vốn đảm bảo, nhưng theo ông Bùi Đức Thụ, đây chỉ là một điều kiện, còn quyết định đầu tư một dự án phải căn cứ vào hiệu quả, tính cấp bách.
Cơ sở hạ tầng nước ta còn kém, nhu cầu đầu tư rất lớn nhưng trong bối cảnh nguồn lực tài chính hạn chế, đặc biệt nợ công cao, bội chi ngân sách lớn thì ưu tiên số 1 trong đầu tư của Nhà nước phải như “nguồn vốn mồi” thu hút nguồn vốn trong xã hội, thực sự đóng vai trò thúc đẩy kinh tế phát triển, cải thiện đời sống, bảo đảm an sinh, phần còn lại mới ưu tiên phát triển các lĩnh vực khác.
Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu
Trước ý kiến của một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần tổng kết, đánh giá hiệu quả việc đầu tư xây dựng trung tâm hành chính, chính trị, ông Bùi Đức Thụ cho rằng vấn đề này đã khá rõ và cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân.
“Khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, tăng cường quản lý theo luật đầu tư công, hạn chế dự án đầu tư vốn lớn đã được quy định trong các Nghị quyết của Quốc hội, thể chế hóa trong các luật, vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện và trách nhiệm của người đứng đầu. Tại sao luật, nghị quyết đã có nhưng tình trạng này vẫn còn tồn tại, chưa được ngăn chặn? Quan điểm của tôi là vấn đề này rõ rồi, nhận diện rồi”, ông Thụ nói.
Trách nhiệm đầu tư xây dựng trụ sở trung tâm hành chính cũng như nhiều vấn đề khác thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của địa phương, căn cứ vào phân cấp quản lý ngân sách nhưng trong tổ chức thực hiện có trách nhiệm của người đứng đầu.
Đề cập vấn đề cải cách thủ tục hành chính, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh, những năm gần đây, đặc biệt năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, có những đột phá trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội.... Nhưng thủ tục hành chính, quy trình hiện nay còn hết sức rườm rà, nhiều quy định chưa thật minh bạch.
Đứng trước yêu cầu đổi mới đất nước, để giải phóng sự phát triển của lực lượng sản xuất, hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng thì áp lực cải cách phải là nhiệm vụ trọng tâm. Cải cách thể chế nói chung và cải cách hành chính trong năm 2016 phải tạo đột phá./.