Đề nghị ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đính chính trước Quốc hội
Đây là đề nghị của ĐBQH Nguyễn Minh Đức, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội bên lề kỳ họp thứ 6.
Tại phiên chất vấn trong ngày 31/10 và 01/11/2018, các số liệu và nhận định “vi phạm của cơ quan điều tra rất khủng khiếp” do Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng nêu ra đã làm “dậy sóng” nghị trường.
Các đại biểu liên tục tranh luận và tranh luận lại để làm rõ nội dung này. Mới đây ĐBQH Nguyễn Minh Đức, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với báo chí để làm rõ hơn trách nhiệm của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng khi đưa ra “nhận định” sai lệch này.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức. |
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về phần tranh luận giữa ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu với ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng tại hội nghị trước Quốc hội liên quan đến việc ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đưa ra những con số về sai phạm của cơ quan điều tra rất khủng khiếp?
ĐBQH Nguyễn Minh Đức: Việc tranh luận giữa ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu và ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng tại hội trường Quốc hội trước hết là tuân thủ đúng các nguyên tắc về hoạt động của nghị trường là dân chủ và thẳng thắn, bình đẳng.
Theo quan điểm của tôi, để đưa ra vấn đề chất vấn, tranh luận tại nghị trường thì các ĐBQH nên cố gắng lựa chọn vấn đề sâu sắc nhất, chuẩn bị những câu ngắn gọn, dễ hiểu nhất để khi truyền tải các thông tin được gãy góc, tránh hiểu nhầm. Thế nhưng ở đây xảy ra trường hợp là có những ĐBQH khi phân tích, nhìn nhận, tiếp cận vấn đề có những cách tiếp cận, câu bình luận chưa gãy góc, dẫn tới cách hiểu sai.
Ví dụ như trường hợp của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng khi bình luận về những con số của hoạt động tư pháp thì ĐBQH lại có cách tiếp cận và diễn đạt không gãy góc, dẫn tới cách hiểu sai rất tai hại.
Cách tính của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng là không đúng, có một chút nhầm lẫn nhưng từ đó cho ra một con số rất không chính xác, gây hiểu nhầm. Chẳng hạn, theo báo cáo thì số tin báo tố giác tội phạm kiến nghị khởi tố không thụ lý theo quy định của pháp luật là 87 tin, như ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu tính toán (chia trên tổng số tin báo tố giác tội phạm) thì ra tỷ lệ chỉ chiếm 2,8% nhưng cách tính của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng lại cho ra con số rất lớn. Đặc biệt, số liệu về thụ lý, số liệu về chưa tống đạt quyết định thụ lý chỉ có 33 vụ nhưng cách tính của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho ra tỷ lệ là 100% chưa tống đạt quyết định thụ lý, trong khi thực tế 9 tháng đầu năm 2018 đã khởi tố hơn 30.000 vụ phạm tội. Cử tri theo dõi sẽ đặt ra vấn đề, tại sao lại như vậy, không lẽ các cơ quan điều tra, tố tụng không làm gì sao?
Phóng viên: Phiên chất vấn của Quốc hội được tường thuật trực tiếp, những phát biểu của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng trước Quốc hội đã được cử tri và nhân dân cả nước theo dõi. Vậy theo quan điểm của ông, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nên có trách nhiệm như thế nào với phát biểu của mình?
ĐBQH Nguyễn Minh Đức: Thứ nhất, những số liệu về hoạt động tư pháp, điều tra, tống đạt mà ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nêu ra trước Quốc hội là tài liệu mật. Rõ ràng, tài liệu mật thì không được phép để đưa ra bình luận tại một phiên họp tường thuật trực tiếp, không chỉ nhân dân trong nước mà cả nước ngoài cùng theo dõi được, cùng biết đến. Rõ ràng khi đã có quy định như vậy mà ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng lại đưa ra để bình luận thì đó là vi phạm quy định về Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và đã không tuân thủ nguyên tắc trong sinh hoạt tại nghị trường.
Thứ hai, trong trường hợp khi đã bình luận rồi, thì dù ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng có cộng trừ nhân chia các số liệu như thế nào, rõ ràng vẫn là trên cơ sở các số liệu báo cáo của Chính phủ, báo cáo từ các cơ quan tiến hành tố tụng là Bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân và một trong những báo cáo rất quan trọng nữa là báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp – một thành viên của Thường vụ Quốc hội. Đó là những tài liệu mang tính chặt chẽ nhất, căn cứ nhất, đã được các ĐBQH thảo luận một cách đầy đủ nhất, cuối cùng mới có những con số, kết luận xác đáng như vậy.
Bây giờ, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng áp đặt ý kiến chủ quan của mình, cộng trừ nhân chia từ những số liệu đó ra những số liệu khác để làm không đúng với số liệu của Ủy ban Tư pháp – cơ quan có quyền cao nhất trong thẩm định các báo cáo từ phía Chính phủ, rõ ràng về mặt lý thuyết lẫn thực tế là không thể chấp nhận được.
Tôi yêu cầu trong trường hợp này là phải đính chính, phải đính chính trước Quốc hội và trước các chủ thể trong các cơ quan tư pháp đang ngày đêm làm việc tốt nhất trong việc đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm.
ĐBQH đưa ra con số như vậy trước Quốc hội thì chắc chắn phải chịu trách nhiệm về phát biểu của mình, nhất là nó dẫn đến một sự hiểu lầm trong xã hội, đặc biệt là các lực lượng chức năng, cụ thể là các cơ quan điều tra của Công an, Quân đội, cơ quan điều tra của Viện kiểm sát và các cơ quan tiến hành tố tụng là Viện Kiểm sát, Tòa án./.
ĐBQH tranh luận về “vi phạm khủng khiếp của cơ quan điều tra“
Ông Lưu Bình Nhưỡng giữ chức Phó trưởng Ban Dân nguyện
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: “Tôi không nói truy cứu nộp thuế của người chết“