Đề nghị Quốc hội giữ nguyên tên nước là CHXHCN Việt Nam
VOV.VN -Việc giữ tên nước là cần thiết để thể hiện nhất quán mục tiêu, con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.
Đề nghị giữ nguyên tên nước
Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) năm 1992 |
Qua tổng hợp ý kiến của nhân dân, ý kiến của đại biểu Quốc hội, đại đa số ý kiến tán thành việc giữ tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến đề nghị lấy lại tên nước là “Việt Nam dân chủ cộng hòa”.
Ủy ban DTSĐHP thấy rằng, việc giữ tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cần thiết để thể hiện nhất quán mục tiêu, con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Hơn nữa, tên gọi này đã được Quốc hội lựa chọn ngay sau ngày nước nhà thống nhất, đã thân quen với nhân dân ta, được bạn bè và các nước công nhận, trân trọng. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Có ý kiến cho rằng, không nên ghi từ “dân chủ” tại Điều 1 vì nội dung Điều này thể hiện tính độc lập, có chủ quyền của quốc gia mà nên ghi từ “dân chủ” trong Điều 2 để thể hiện bản chất dân chủ của Nhà nước ta.
Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến này, giữ quy định tại Điều 1 như Hiến pháp năm 1992 và bổ sung vào khoản 2 Điều 2 quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ”.
Quyền con người, quyền công dân không thể bị hạn chế tùy tiện
Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định tại Điều 14, bởi vì quy định như trong Điều 14 các quyền con người, quyền công dân “được quy định trong Hiến pháp và luật” là chưa đầy đủ, chưa phù hợp vì còn có nhiều quyền tuy không được quy định trong Hiến pháp và luật nhưng vẫn được tôn trọng, bảo đảm.
Ủy ban DTSĐHP tiếp thu ý kiến nói trên và chỉnh lại quy định tại Điều này như sau: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.
Về mức độ giới hạn quyền con người, quyền công dân (Điều 14), có ý kiến tán thành với quy định “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế ở mức độ cần thiết trong trường hợp khẩn cấp vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự công cộng, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng” như trong Dự thảo trình Quốc hội.
Tuy nhiên, ý kiến khác cho rằng, quyền con người, quyền công dân không thể bị hạn chế một cách tùy tiện mà phải theo quy định của luật; cần quy định cơ quan nào có thẩm quyền giới hạn và xác định những quyền nào là quyền không thể bị giới hạn. Có ý kiến cho rằng quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân “trong trường hợp khẩn cấp” là không chính xác và chưa đầy đủ, do đó, đề nghị bỏ cụm từ này. Có ý kiến đề nghị thay cụm từ “trật tự công cộng” bằng cụm từ “trật tự an toàn xã hội”.
Báo cáo do ông Phan Trung Lý trình bày nêu rõ, quyền con người, quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp quy định. Do vậy, việc hạn chế các quyền này phải được quy định chặt chẽ trong luật để tránh nguy cơ tùy tiện, lạm dụng. Các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên cũng yêu cầu quy định chặt chẽ vấn đề này.
Do đó, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến nói trên và chỉnh lý lại khoản 2 Điều 14 như sau: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Nghiên cứu bổ sung “quyền được chết”
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về quyền được chết trong Dự thảo Hiến pháp. Ủy ban DTSĐHP nhận thấy “quyền được chết” là vấn đề cần được quan tâm, tuy vậy, đây cũng là một vấn đề mới, còn nhiều ý kiến tranh luận khác nhau không chỉ ở nước ta mà ở nhiều nước trên thế giới, do vậy, đề nghị Quốc hội cho tiếp tục nghiên cứu và chưa thể hiện trong Dự thảo Hiến pháp.
Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo
Theo Ủy ban DTSĐHP, trong nền kinh tế thị trường ở nước ta thì vai trò định hướng, điều tiết nền kinh tế của Nhà nước và kinh tế nhà nước là rất quan trọng. Do đó, Hiến pháp cần hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước.
Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội quy định về nội dung này tại khoản 1 Điều 51 như sau: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.
Quy định chặt chẽ việc thu hồi đất
Ủy ban DTSĐHP nhận thấy, quyền sử dụng đất là quyền quan trọng của người dân nên Hiến pháp cần phải quy định chặt chẽ những trường hợp thu hồi. Đây sẽ là cơ sở quan trọng cho Luật đất đai quy định nhằm tránh việc lạm dụng để thu hồi đất tràn lan, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Trong điều kiện phát triển của nước ta hiện nay, vẫn cần thiết phải thu hồi đất vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội gắn trực tiếp với lợi ích của người sử dụng đất và doanh nghiệp nên cần phải quy định chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và có bồi thường.
Do đó, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho phép chỉnh lý khoản 3 Điều 54 như sau: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Thay “Đồng tiền quốc gia” bằng “Đơn vị tiền tệ quốc gia”
Có ý kiến đề nghị thay cụm từ “Đồng tiền Quốc gia” bằng cụm từ “Đơn vị tiền tệ quốc gia” tại khoản 3 Điều 55 cho chính xác hơn. Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến này và chỉnh lý lại khoản 3 Điều 55 là: “Đơn vị tiền tệ quốc gia là Đồng Việt Nam. Nhà nước bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền quốc gia”.
Không quy định thời điểm có hiệu lực trong Hiến pháp
Về hiệu lực của Hiến pháp và việc ban hành Nghị quyết thi hành Hiến pháp:Nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp để quy định thời điểm có hiệu lực của Hiến pháp và các điều khoản chuyển tiếp, khi Hiến pháp có hiệu lực. Ý kiến khác đề nghị quy định thời điểm có hiệu lực của Hiến pháp ngay trong Hiến pháp.
Ủy ban DTSĐHP thấy rằng, các bản Hiến pháp trước đây của nước ta (Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 và 1992) đều không quy định thời điểm có hiệu lực của Hiến pháp trong bản Hiến pháp; cùng với việc thông qua Hiến pháp, Quốc hội ban hành Nghị quyết thi hành Hiến pháp, trong đó xác định thời điểm có hiệu lực của Hiến pháp.
Vì vậy, Ủy ban DTSĐHP đề nghị không quy định thời điểm có hiệu lực trong Hiến pháp mà Quốc hội ban hành Nghị quyết thi hành Hiến pháp với nội dung cụ thể như: hiệu lực Hiến pháp, một số vấn đề chuyển tiếp và việc tổ chức thi hành Hiến pháp./.