Kinh phí cho hòa giải viên tối đa 30.000 đồng là quá thấp
(VOV) -Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng, cần tăng chi phí bồi dưỡng cho hòa giải viên.
Sáng 31/5, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Hòa giải cơ sở, gồm 5 chương, 33 điều. Trong phiên thảo luận, đa số các đại biểu tập trung thảo luận về việc bầu hòa giải viên, kinh phí cho hoạt động hòa giải và chi trả cho hòa giải viên.
Đại biểu Trần Văn Tấn- đoàn Tiền Giang |
Thực tế hiện nay trong cuộc sống, có nhiều vụ việc, mâu thuẫn diễn ra hàng ngày giữa tập thể và cá nhân hay giữa cá nhân với nhau không thể chấm dứt. Tuy nhiên, khi có hoạt động hòa giải ở cơ sở thì những mâu thuẫn đó có thể chấm dứt. Góp phần vào thành công của những vụ việc hòa giải phải kể đến vai trò của hòa giải viên.
Đại biểu Trần Văn Tấn (đoàn Tiền Giang): Hoạt động bầu hòa giải viên phải bắt nguồn từ cơ sở, cộng đồng dân cư phường (xã). Việc bầu hòa giải viên sẽ phát huy dân chủ ở cơ sở và người dân được trực tiếp lựa chọn người có uy tín làm hòa giải viên ở cộng đồng. Thông qua việc lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, người dân sẽ bầu được hòa giải viên đạt được những tiêu chí có thể làm được công tác hòa giải.
Đồng ý với quan điểm trên, đại biểu Lâm Lệ Hà (đoàn Kiên Giang) cho rằng, hoạt động bầu hòa giải viên phải từ việc lấy ý kiến của cộng đồng dân cư và thông qua Ủy ban Nhân dân cấp xã.
Theo đại biểu Lâm Lệ Hà, hòa giải viên được bầu chọn phải đạt 2/3 số phiếu người dân bầu, chứ không phải là 50% như dự thảo Luật Hòa giải cơ sở.
Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (đoàn Yên Bái) cho biết: Hoạt động hòa giải là hoạt động tự nguyện nhưng tiêu chuẩn hòa giải viên phải là người hiểu biết pháp luật, có đạo đức và uy tín trong cộng đồng dân cư.
Kinh phí bồi dưỡng cho hòa giải viên quá thấp!
Hòa giải viên phải gắn với những công việc hết sức vất vả và phải mất nhiều thời gian nhưng chi phí bồi dưỡng cho hòa giải viên hiện nay rất thấp.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (đoàn Bình Định) rất bức xúc khi hòa giải viên chỉ được chi trả tiền bồi dưỡng cho mỗi vụ việc hòa giải thành công chỉ được 20.000-30.000 đồng, còn hòa giải không thành công thì chỉ có 10.000-15.000 đồng.
“Để hòa giải viên yên tâm và nhiệt tình với công việc mình đang làm, địa phương cần tăng kinh phí bồi dưỡng cho hòa giải viên dù hòa giải có thành công hay không” - đại biểu Nguyễn Thanh Thụy nêu ý kiến.
Chia sẻ với quan điểm trên, đại biểu Huỳnh Tuấn Dương (đoàn Hải Dương) cho rằng, địa phương cần ấn định một khoản kinh phí bồi dưỡng cho các hòa giải viên giải quyết các vụ việc thành công hay không
Đại biểu Lê Minh Hiền (đoàn Khánh Hòa) đưa ra quan điểm: Hòa giải là hoạt động rất cần thiết ở mỗi địa phương, nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và hạn chế mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư. Vì vậy, Nhà nước đảm bảo kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở, tiền bồi dưỡng cho hòa giải viên phải được chú trọng quan tâm, thực hiện thường xuyên, chứ không phải là phụ thuộc vào phải giải quyết hòa giải thành công./.