Không được ứng vốn doanh nghiệp để đầu tư xây dựng cơ bản
(VOV) -Biện pháp này nhằm giảm tình trạng các địa phương nợ đọng tiền của doanh nghiệp trong đầu tư xây dựng cơ bản.
Cuối buổi làm việc chiều nay (30/5), Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã phát biểu trước Quốc hội, làm rõ một số nội dung liên quan đến đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nợ công và tình thu ngân sách những tháng đầu năm 2013.
Phó Thủ tướng cho biết, về cân đối ngân sách Nhà nước 2013, qua 5 tháng thực hiện, thu ngân sách mới đạt 36,6% so kế hoạch. Qua thống kê, 46/63 địa phương chưa thu đạt mức bình quân chung của các năm, đạt dưới 42%, trong đó có nhiều địa phương trọng điểm thu ngân sách. Nếu tính bình quân thu 1 tháng thì theo dự toán Quốc hội giao phải đạt 68.000 tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên, qua 5 tháng mới đạt 52.200 tỷ đồng. Như vậy chênh lệch giảm 15.800 tỷ đồng, báo hiệu thu ngân sách khó khăn, cả năm khó đạt kế hoạch.
Phó Thủ tướng cho rằng, nguyên nhân có nhiều, chủ yếu là hàng tồn kho, tăng trưởng kinh tế chậm lại và áp dụng một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ thị trường, ví dụ giảm thuế VAT đầu ra cho nhà ở xã hội, tiền thuê đất giảm 50%, giảm thuế TNDN...
Mới đây, Thủ tướng ban hành chỉ thị yêu cầu các ngành, các cấp tăng cường kiểm soát thu ngân sách, chống thất thu ngân sách, gian lận thương mại và kiểm soát chặt chẽ chi. Đặc biệt, cắt giảm chi các khoản chưa cần thiết như chi hội thảo, hội nghị, đi công tác nước ngoài… Đối với chi xây dựng cơ bản (XDCB) kiểm soát chặt chẽ. Khi bố trí cân đối ngân sách cho dự án đầu tư XDCB, đặc biệt là những dự án mới phải đảm bảo cân đối nguồn thì mới được thực hiện. Yêu cầu các địa phương phải bố trí ngân sách trước khi phân bổ cho các dự án khác, tối thiểu đạt 30% để thanh toán nợ xây dựng cơ bản. Yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương không đề nghị các DN ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, các công trình, dự án khi chưa cân đối được nguồn vốn khả thi.
“Với tinh thần như vậy, Chính phủ sẽ cố gắng thực hiện và chưa đặt vấn đề điều chỉnh ngân sách. Đối với dự phòng ngân sách, trước mắt, chỉ sử dụng 50%, còn 50% từ nay đến tháng 9-10 xem khả năng thu ngân sách thế nào để đảm bảo cân đối ngân sách chung”- Phó thủ tướng nói.
Đầu tư cho nông nghiệp tăng mạnh
Về đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, việc đầu tư này là thực hiện theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Cụ thể là thực hiện Nghị quyết số 26, năm 2008 của Hội nghị Trung ương khóa X, mục tiêu tăng mạnh ngân sách nhà nước cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn (nông nghiệp, nông dân, nông thôn), đảm bảo sau 5 năm mức tăng tối thiểu 2 lần so với 5 năm trước. Thực hiện chủ trương đó, trong điều hành ngân sách 2013 và những năm trước đây, cho đến 2013 phân bổ nguồn vốn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn là 131.000 tỷ, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ 2009. Tỷ trọng chi cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn tăng từ 32,8% năm 2008 lên 35,9% năm 2009 và lên 41,3% trong dự toán ngân sách năm 2013.
Chính sách tín dụng đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xuất khẩu, tính chung tín dụng cho nền kinh tế năm 2011 là 14,41%, dư nợ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn tăng 30,64%; năm 2012 là 8,91% cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn tăng 12,5%; 5 tháng đầu năm dư nợ cho vay chung là 2,5%, cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn 3,1%. Như vậy mức cho vay nông nghiệp, nông dân, nông thôn được ưu tiên cao hơn. Lãi suất cho lĩnh vực này, so với các năm từ 2011, 2012, 2013 bình quân cho vay thấp hơn bình quân chung 2-3%.
Việc hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với việc xây dựng nông thôn mới, đặc biệt quan tâm đến qui hoạch dành đất cho sản xuất. Đây là giải pháp quan trọng trong ổn định đời sống bền vững và cũng là mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng, để đảm bảo tính bền vững, Chính phủ cũng tăng cường dạy nghề, việc làm, giảm nghèo bền vững hơn cho nông dân. Chính phủ thực hiện nhiều cơ chế chính sách để hỗ trợ cho người dân, nông thôn và những vùng có đất đất trồng lúa, ví dụ bổ sung hỗ trợ đầu tư tăng thêm cho các tỉnh có đất trồng lúa; Cho vay tạm trữ lúa, cá tra, basa lãi suất 0%; Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm cho người nghèo 100%, hỗ trợ hộ cận nghèo 95% phí bảo hiểm…
Đối với hộ cận nghèo, Chính phủ đang rà soát chính sách để mở rộng hỗ trợ cho hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Chính phủ cũng đã ký chính sách cho vay tín dụng đối với hộ cận nghèo. Quyết định hỗ trợ 100% vốn đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trong năm.
Đối với ngư dân, bên cạnh chính sách đã có (Quyết định 48 hỗ trợ người dân trực tiếp ra khơi khai thác hải sản và khai thác hải sản trên vùng xa), Chính phủ ban hành Quyết định thí điểm cho ngư dân thay tàu mới với công suất lớn từ 400 mã lực đến trên 1000 mã lực với mức cho vay cố định 70-80% mức đóng tàu, lãi suất cố định 3%/năm, trả trong 10 năm. Sắp tới, Chính phủ sẽ tổng kết và sẽ nhân rộng cả nước mô hình này. Khi đó có thể cho vay đóng mới gỗ và tàu sắt từ 90 mã lực trở lên./.