Lan tỏa giá trị văn hóa, đạo đức của tấm gương sáng Nguyễn Văn Tố
VOV.VN - Các tham luận khẳng định, cụ Nguyễn Văn Tố thực sự là tấm gương đạo đức trong sáng, mẫu mực, trí thức tài năng tiêu biểu của dân tộc.
Sáng 1/6, tại Hà Nội, diễn ra Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Nguyễn Văn Tố với cách mạng Việt Nam”, kỷ niệm 130 năm ngày sinh Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố.
Hội thảo do Văn phòng Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp tổ chức.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng và Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng chủ trì hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo. (ảnh: Hà Nội mới) |
Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước ở Hà Nội, cụ Nguyễn Văn Tố có tài năng xuất chúng và là một trong số ít người được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh; được chính quyền phong kiến sắc phong là Trung nghĩa đại phu Quang lộc tự khanh (tương ứng hàm Tam phẩm). Tuy nhiên, trăn trở với nỗi đau mất nước, Cụ đã lựa chọn con đường đấu tranh cho độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc của nhân dân.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, cụ Nguyễn Văn Tố được nhiều người biết đến bởi sự đức độ, tài năng với nhiều công trình nghiên cứu khoa học rất có giá trị về lịch sử, văn hóa nước nhà. Vừa uyên thâm Hán học, vừa tinh thông Tây học, nhưng luôn giữ cho mình một cốt cách dân tộc.
Cách mạng tháng Tám thành công, Cụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời giữ chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, Cụ đã được cử tri bầu làm đại biểu Quốc hội khóa 1. Và tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, Cụ Nguyễn Văn Tố được bầu giữ chức Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, tương đương với chức vụ Chủ tịch Quốc hội sau này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, những phẩm chất đạo đức cách mạng cao quý, tư tưởng của cụ Nguyễn Văn Tố về một nhà nước dân chủ, đoàn kết, trọng dân, thương dân vẫn mãi còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.
Trên cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội, tuy thời gian chỉ hơn 8 tháng, nhưng cụ Nguyễn Văn Tố đã cùng với tập thể Ban Thường trực Quốc hội có nhiều đóng góp với cách mạng Việt Nam nói chung và với Quốc hội Việt Nam nói riêng, đặt nền móng cho tổ chức và hoạt động của mô hình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau này.
“Về công tác lập hiến, lập pháp, Ban Thường trực Quốc hội dưới sự lãnh đạo của Cụ đã cho ý kiến vào nhiều dự án quan trọng trình Quốc hội như Dự án Luật Lao động, Dự thảo Hiến pháp. Đặc biệt, bản Hiến pháp năm 1946 là Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông, được thông qua với sự nhất trí gần như tuyệt đối. Bản Hiến pháp đã góp phần tuyên bố với thế giới: nước Việt Nam đã độc lập, dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do”- Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết.
Trong báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cũng khẳng định trên cương vị một nhà lãnh đạo của Quốc hội và Chính phủ, cụ Nguyễn Văn Tố luôn nêu cao tinh thần: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, đem hết tâm sức, trí tuệ để phục vụ quốc dân, đồng bào, góp phần xây dựng nền dân chủ mới, xã hội mới. Tận tụy với công việc, tận tâm với nhân dân, lấy lợi ích tối cao của dân tộc làm lẽ sống, cụ đã cùng Quốc hội và Chính phủ đoàn kết toàn dân, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua tình thế hiểm nghèo, chuẩn bị lực lượng cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc.
Trước khi anh dũng hy sinh vì bị thực dân Pháp tra tấn, cụ Nguyễn Văn Tố đã dồn tâm lực cùng Chính phủ thông qua một bản Kế hoạch rõ ràng về việc cứu tế, đồng thời tổ chức một cuộc vận động quyên góp gạo, kịp thời hỗ trợ những người dân nghèo vượt qua nạn đói; đồng thời cùng nhân dân diệt “giặc dốt”.
Về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sỹ Mạch Quang Thắng, Giảng viên cao cấp của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới được thành lập thì ngay lập tức phải đối đầu với 3 loại giặc: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Nguyễn Văn Tố là người dấn thân chống cả 3 loại giặc đó. Diệt giặc dốt, cụ lao vào phong trào bình dân học vụ làm cho người dân Việt Nam trong khoảng thời gian từ 3 đến 4 tháng đã biết đọc, biết viết”.
Tưởng nhớ, tri ân những cống hiến to lớn của nhà chí sĩ yêu nước, nhà văn hóa, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, hơn 40 ý kiến, bài tham luận tại Hội thảo cũng khẳng định, với những cống hiến to lớn và nỗ lực không ngừng nghỉ cho đến lúc anh dũng hy sinh, cụ Nguyễn Văn Tố thực sự là tấm gương đạo đức trong sáng, mẫu mực, người trí thức tài năng tiêu biểu của dân tộc với lòng yêu nước nhiệt thành, luôn tự hào, tự tôn dân tộc, tinh thần tự học rất cao và phong cách giản dị, gần gũi với nhân dân, không nề hà trong công việc, “không hám hư danh, không màng danh lợi”.
Qua đây góp phần lan tỏa giá trị văn hóa, giá trị đạo đức của tấm gương sáng Nguyễn Văn Tố cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau học tập và noi theo./.
Quốc hội tiếp tục thảo luận về KT-XH, ngân sách Nhà nước