Lao động 'chui' người nước ngoài phần lớn là người Trung Quốc
VOV.VN - Những người này phần lớn đi theo con đường du lịch và hiện đang làm việc trong các doanh nghiệp ở Việt Nam
Trong phần chất vấn Bộ trưởng LĐ-TBXH Phạm Thị Hải Chuyền ngày 19/11, đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) bày tỏ băn khoăn về việc trong khi hàng trăm ngàn doanh nghiệp trong nước phá sản, dừng tiến độ, làm người lao động mất việc, hàng trăm ngàn sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ ra trường không tìm được việc làm thì lại có tình trạng lao động nước ngoài không phép tiếp tục gia tăng, đáng chú ý là người lao động không có trình độ chuyên môn chiếm tỷ lệ cao, có cả trường hợp vi phạm pháp luật ở nước sở tại.
“Chuyển dịch lao động là xu thế tất yếu, tuy nhiên có rất nhiều hệ lụy từ việc này, từ việc quản lý lao động nước ngoài không phép. Bộ đã có nghiên cứu về vấn đề này như thế nào và chương trình mở rộng chiến lược lao động trung hạn, dài hạn, ngắn hạn để có thể mở rộng môi trường làm việc cho lao động trong nước, đặc biệt là lao động đã qua đào tạo có trình độ ĐH, CĐ trở lên và các thức quản lý lao động nước ngoài ra sao?”- đại biểu Hoàng nêu câu hỏi.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, theo Luật quản lý Lao động ngoài nước đã quy định rất rõ đối tượng nào thì được vào lao động ở Việt Nam. Đó là những người đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của các doanh nghiệp của Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, hiện nay có 78.000 lao động nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, phần đông qua đào tạo và có chuyên môn. Về việc quản lý lao động nước ngoài vào Việt Nam đã có Nghị định 102 của Chính phủ quy định về việc này. “Về phía người sử dụng lao động, nhiều doanh nghiệp kêu Nghị định chặt chẽ không đưa được người lao động vào để phục vụ sản xuất. Trong thời gian tới, Bộ LĐ-TBXH tiếp tục thực hiện Nghị định 102 và sẽ sửa đổi để quản lý tốt lao động nước ngoài vào Việt Nam”./.