Luật Biểu tình: Cần có nhưng không nên quá gấp gáp
(VOV) -“Xây dựng Luật biểu tình đòi hỏi rất nhiều công phu, gấp gáp là chúng ta đã tước đi quyền của người dân”.
Trong phiên thảo luận về Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh sáng 5/6 tại Quốc hội, Đại biểu Hoàng Hữu Phước phản bác các ý kiến đề xuất đưa luật biểu tình vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2013-2014 vì cho rằng như vậy là quá gấp gáp.
Đại biểu Hoàng Hữu Phước cho rằng: Trong một đất nước dân chủ, tự do, hiện đại, cần có những đạo luật để điều chỉnh những sinh hoạt dân chủ tự do của người dân. Do đó Luật biểu tình là không thể không có.
Tuy nhiên, “Tôi rất đồng tình với giải trình của Thường vụ Quốc hội khi nói rằng các dự án trong đó có Luật biểu tình đã có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ khóa XIII, cho nên theo thứ tự ưu tiên không có lý do gì để có sự nôn nóng, để đưa ra những yêu cầu nói về Luật biểu tình” – đại biểu Phước nói.
Theo đại biểu, khi chúng ta xây dựng Luật biểu tình đòi hỏi rất nhiều công phu. Bởi vì biểu tình của tiếng Việt nó không có dính dáng, không giống như từ của nước ngoài. Đại biểu đưa ra ví dụ: Nước Úc có một luật điều chỉnh về tụ tập bất hợp pháp đã có từ năm 1958, được sử dụng như là một công cụ để chính phủ có thể ngăn chặn những hành động có liên quan tới chính trị gây ra bất ổn. Trong những tội có liên quan đến "biểu tình" thuộc 4 nội dung như: xâm phạm vào vùng cấm, có hành vi không thích hợp, gây hấn, bạo loạn hay phá hoại tài sản... Những điều còn lại là trộm, cắp, tấn công kể cả về biểu tình xâm hại đến các sinh thực vật của các khu bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn rừng.
Nếu nói về ý nghĩa của chữ "biểu tình" trong từ điển Việt Nam trong môi trường Việt Nam, cho văn hóa Việt Nam thì thời hiện đại của chúng ta còn có nghĩa là người dân đã có những góp ý qua email, qua thư tín và qua buổi tiếp xúc với đại biểu Quốc hội với các chức sắc cao cấp của địa phương... từ trung ương đến địa phương.
Như vậy tất cả những cái chúng ta lồng trong ý nghĩa của biểu tình chỉ còn thiếu còn một chi tiết đó là tụ tập đông người, căng biểu ngữ, ngoài ra tất cả đều đã được thể hiện một cách văn minh, hiện đại. Khi chúng ta nói rằng đây là điều cấp bách phải nghĩ tới, phải đưa vào chương trình luật sớm thay vì đợi năm 2015, 2016. “Phải chăng chúng ta muốn nói lên một điều, những buổi tiếp xúc cử tri, tiếp xúc nhân dân, lắng nghe ý kiến của người dân chúng ta đã không thực hiện một cách hiệu quả? Đó là lý do tôi ủng hộ nội dung của nghị quyết”.
Ngoài ra, khi chúng ta ra Luật biểu tình nhất thiết phải sửa một số điều của Luật hình sự. Khi chúng ta ra Luật biểu tình phải đặt câu hỏi là đã hỏi ý kiến các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm y tế chưa. Chỉ khi nào làm việc với tất cả các cơ quan này và đưa những nội dung này vào nội dung của bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm y tế thì chúng ta mới yên tâm để có Luật biểu tình.
Đại biểu Hoàng Hữu Phước cho rằng, gấp gáp đề nghị như vậy là chúng ta đã tước đi quyền của người dân, vì người dân cần thời gian tham khảo, tham chiếu, nghiên cứu, tìm hiểu thấu đáo, trao đổi, tranh luận về nội dung sự cần thiết của Luật biểu tình. Đó là chưa kể Luật biểu tình nếu muốn chúng ta có thể phải thông qua trưng cầu ý dân... “Hãy nghĩ tới một điều là chúng ta đã may mắn hơn nước Mỹ ở chỗ nước Mỹ đã cho tự do súng đạn trong Hiến pháp” – Đại biểu Phước nói.
Điều quan trọng nhất, theo đại biểu Hoàng Hữu Phước, Việt Nam đã và đang tồn tại trên cơ sở của Hiến pháp năm 1992, trong đó Điều 3 có nội dung về thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Điều này có nghĩa là sự thái bình, thịnh trị mà tất cả các vị minh quân của tất cả các vương triều từ xưa ước mong xây dựng được cho nước Nam này. “Vấn đề ở đây là trong nhiều chục năm qua các khóa Quốc hội có thực hiện được mục tiêu ấy vì tổ quốc, vì dân tộc, vì nhân dân chưa, nếu không thực hiện được đó là trọng tội” – đại biểu Hữu Phước kết thúc phần phát biểu của mình.
Bày tỏ sự đồng tình với đại biểu Phước về nội dung này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng: Khái niệm quyền biểu tình có thể gây ra hiểu lầm. Hiện nay, các nước phổ biến gọi là quyền tụ họp, hội họp hoà bình và nó nằm trong các công ước. Trong đó chữ "biểu tình" nó bao gồm cả mít tinh biểu tình có ủng hộ và có phản đối, nếu được chúng ta sửa lại. Từ "biểu tình" không phải chúng ta mới nghĩ ra, từ ngày 13/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành sắc lệnh trong đó nói "xét quyền tự do hội họp là một trong những nguyên tắc của chế độ dân chủ cộng hoà, nhưng trong tình thế đặc biệt hiện thời cần phải xem xét, kiểm soát những cuộc biểu tình để tránh những bất trắc có thể ảnh hưởng đáng tiếc đến nội trị hay ngoại giao. Ra sắc lệnh: Điều thứ nhất, những cuộc biểu tình phải khai trình trước 24h với các Uỷ ban nhân dân sở tại trong thời kỳ này v.v...". “Chủ tịch Hồ Chí Minh không bãi bỏ quyền biểu tình mà yêu cầu báo trước 24 tiếng. Không có lý do gì mà chúng ta lại không tin tưởng ở chúng ta, mà chúng ta ngại rằng có thể những kẻ lợi dụng và phá hoại điều này”– đại biểu Nghĩa nói.
Đại biểu Nghĩa cũng để nghị, để giảm quá tải, thời gian, công sức, ngân sách, Chính phủ cần huy động các luật sư, luật gia tham gia để có thể làm kịp, đáp ứng yêu cầu. “Không có nghĩa ban hành ngay năm 2014 mà chúng ta đưa vào, nhưng có thể ban hành năm 2015 – 2016” – đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị./.