Miền Trung: Niềm vui ngày bầu cử
VOV.VN - Đến 17h chiều nay (23/5), hầu hết cử tri các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung đã hoàn thành việc bỏ phiếu bầu cử. Nhiều khu vực bỏ phiếu đạt tỷ lệ 100% cử tri đi bầu từ rất sớm.
Đến 16h hôm nay (23/5), tỉnh Quảng Trị đã có hơn 450.000 cử tri đi bỏ phiếu, đạt tỷ lệ hơn 95%. Nhiều xã biên giới các huyện miền núi Hướng Hóa, Vĩnh Linh, cử tri đi bầu và hoàn thành bỏ phiếu rất sớm. Huyện đảo Cồn Cỏ hoàn thành việc bỏ phiếu lúc 10h sáng nay.
Hôm nay là một ngày đặc biệt đối với những công dân được nhập quốc tịch Việt Nam, lần đầu tiên trong đời được cầm lá phiếu đi bầu cử. Sau hơn 20 năm ở Việt Nam mà không có quốc tịch, cuối năm 2019, những công dân sống dọc biên giới Việt Nam - Lào được nhập quốc tịch Việt Nam.
Lần đầu tiên cầm Thẻ cử tri bầu cử, ông Hồ Văn Lên, ở xã A Dơi, huyện Hướng Hóa mong muốn: “Tôi cầm lá phiếu bầu cho các vị đại biểu HĐND, mong thực hiện chính sách phát triển kinh tế xã hội, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn và góp phần toàn dân phát triển kinh tế vùng sâu vùng xa và giữ gìn trật tự trị an”.
Tại thành phố Đà Nẵng, trời nắng nóng nhưng nhiều cụ ông, cụ bà đã gần 100 tuổi vẫn mặc áo dài, đội khăn đóng đi bỏ phiếu, thực hiện quyền công dân. Cụ Nguyễn Văn Nuôi, 97 tuổi, ở số nhà K14/20 đường Hải Phòng, quận Hải Châu chân đi tập tễnh, chống gậy tới điểm bầu cử để bỏ phiếu. Ông Vũ Quang Hùng, Bí thư Quận ủy Hải Châu bày tỏ: “Các cụ thực sự là tấm gương cho con cháu noi theo”.
Cụ ông Dương Quang Bằng, ở tổ 39 phường Thanh Bình, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng năm nay 92 tuổi là người đến điểm bỏ phiếu sớm nhất và chọn lựa những người xứng đáng bầu làm người đại diện cho cử tri: “Tôi tuổi lớn, trông đến ngày đi bỏ phiếu thành ngủ không ngon giấc, 2h sáng đã dậy trông cho sáng đi bỏ phiếu làm tròn nhiệm vụ của một công dân. Chúng tôi chọn những người có tài, có đức, để xây dựng đất nước”.
Tại bệnh viện Phổi Đà Nẵng có 101 cử tri “đặc biệt”. Đây là những bệnh nhân đang điều trị bệnh Covid-19 phải cách ly y tế nghiêm ngặt. Để đảm bảo quyền bầu cử của mỗi công dân, Ủy ban Bầu cử thành phố yêu cầu Bệnh viện Phổi Đà Nẵng có giải pháp tốt nhất để các cử tri được bỏ những lá phiếu của mình trong khu vực cách ly.
Bệnh viện cử 2 bác sĩ mặc đồ bảo hộ y tế, vào từng khu vực điều trị, giúp bệnh nhân bỏ phiếu. Thùng phiếu được khử khuẩn và di chuyển đến các khu điều trị bệnh nhân. Chỉ có 101 cử tri nhưng việc bỏ phiếu kéo dài 5 tiếng đồng hồ.
Bác sĩ Đặng Thanh Nguyên, 1 trong 2 bác sĩ tiếp xúc với các "cử tri bệnh nhân" cho biết, khó khăn nhất là sau khi bệnh nhân bỏ phiếu bầu cử xong, phải đem toàn bộ lá phiếu đó bỏ vào máy để xử lý tia cực tím trong gần 1 giờ đồng hồ, sau đó mới đưa ra ngoài kiểm phiếu: "Lần đầu tiên bầu cử với điều kiện cách ly như thế này. Nhân viên y tế thì đều phải mặc đồ bảo hộ và các phiếu bầu phải làm khác thường. Khi họ bầu xong chúng tôi phải đưa hết toàn bộ lá phiếu này vào trong 1 túi ni lông, chuyển vào thùng tia cực tím chiếu ít nhất trên 1 tiếng đồng hồ thì mới dám đem ra để đếm và kiểm".
Cũng trong sáng nay, tại tỉnh Quảng Nam, hơn 6.400 người đang cách ly y tế phòng chống dịch Covid-19 đã thực hiện quyền công dân, thùng phiếu phụ được các tổ bầu cử mang đến tận nơi cử tri đang thực hiện cách ly để thực hiện quy trình bỏ phiếu.
Tại Trạm Y tế phường Cẩm Châu, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam có 8 người đang cách ly y tế tập trung, Tổ bầu cử phải đưa thùng phiếu phụ đến khu cách ly cho bà con bỏ phiếu. Ông Lê Thành Trung, Khối trưởng khối Sơn Phô 2, phường Cẩm Châu, cho biết, đây là kỳ bầu cử rất “đặc biệt”, chưa có tiền lệ: “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi luôn tuân thủ nguyên tắc phòng chống dịch, đảm bảo cả cho tổ bầu cử và đảm bảo cho người trong khu vực cách ly”.
Cuộc bầu cử lần này, các địa phương không chỉ bảo đảm an toàn phòng chống dịch, thực hiện đúng quy định tại các điểm bỏ phiếu mà các tổ bầu cử còn đưa thùng phiếu phụ đến gia đình những người già, người đang bị bệnh không thể đến các điểm bỏ phiếu. Các thành viên trong Tổ bầu cử số 1 ở xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa đã mang thùng phiếu phụ đến nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Chưa để Mẹ bỏ phiếu. Chồng và con trai là liệt sĩ, năm nay Mẹ đã 89 tuổi, bị bệnh nặng, không đi lại được. Được bỏ phiếu bầu cử ngay tại nhà, Mẹ rất vui.
Anh Bùi Quốc Thái, cháu nội đang nuôi dưỡng Mẹ Phan Thị Chưa cho biết: “Bà nội tôi là Mẹ Việt Nam anh hùng, bà bị bệnh, đau lắm, bà 89 tuổi rồi. Nhờ mấy anh em cán bộ tại địa phương ôm thùng phiếu để bà bỏ phiếu, cuộc bầu cử được thuận lợi. Bà cũng rất vui vì được bỏ phiếu tại nhà, thực hiện quyền công dân của bà”./.