“Nhiều dự án không liên quan đến phục hồi kinh tế vẫn được hỗ trợ”
VOV.VN - Thảo luận về chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế, có ý kiến cho rằng trong số các dự án trong danh mục hỗ trợ, có nhiều dự án không liên quan đến phòng chống dịch phục hồi kinh tế, nhiều dự án kiểu “té nước theo mưa”
“Chưa có vaccine của Việt Nam là một khiếm khuyết rất lớn”
Thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, cho rằng, nói về mục tiêu của chương trình, đáng ra nội dung phòng - chống dịch phải được nêu rất rõ trong Chương trình này, nhưng theo ông lại rất mơ hồ.
“Ai cũng có thể thấy, tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, không nhà khoa học, giáo sư nào có thể nói được ngày tháng nào dịch sẽ chấm dứt. Nếu chống dịch không thành công mà sụp đổ, thì tổn hại sẽ rất lớn, an sinh xã hội, phục hồi kinh tế cũng sẽ không đạt được. Số một phải là mục tiêu chống dịch”, ông Trí nhấn mạnh.
Nêu ý kiến ở vị trí của một người thầy thuốc, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng vấn đề vaccine của ta chưa ổn. Mặc dù ở thời điểm này, Việt Nam là một trong những nước có độ phủ vaccine nhiều nhất, nhưng câu chuyện vaccine trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp mà chúng ta vẫn phải tiếp tục đi mua, đi xin, đi nhượng…. thì đó chỉ là giải pháp tình thế.
Ông Trí cho biết, đến thời điểm này, vaccine của Việt Nam vẫn chưa có. Mặc dù về ý chí, về quyết tâm sản xuất vaccine của Việt Nam là tương đối sớm nhưng tháng 5, rồi tháng 7, tháng 9, và cuối cùng là tháng 12 vẫn chưa có.
“Đó là một khiếm khuyết rất lớn bởi câu chuyện dịch bệnh vẫn còn dài trong khi virus corona gây dịch bệnh đã xuất hiện hàng trăm năm nay, nhiều nước đã có vaccine và trong đợt dịch vừa qua họ sản xuất rất nhanh. Cuba, Trung Quốc, Ấn Độ sản xuất được chẳng lẽ Việt Nam không sản xuất được?”, đại biểu Trí đặt vấn đề.
Ông Trí cũng cho biết do rất sốt ruột nên ông đã từng đề xuất bằng văn bản nên mua một loại công nghệ vaccine thật tốt, bao gồm cả công nghệ, máy móc thiết bị, chuyên gia để làm cho ra sản phẩm, như vậy vừa không cần thử nghiệm vì chúng ta là một chi nhánh của họ, vừa có thể sản xuất để dùng được ngay. Nhưng đến giờ chúng ta vẫn chưa làm được điều đó. “Cần phải đầu tư và đầu tư sớm nhất để tiến hành vấn đề này”, ông Trí nêu quan điểm.
“Nhiều dự án không liên quan đến phục hồi kinh tế vẫn được hỗ trợ”
Đồng tình với chính sách hỗ trợ tài khóa kết hợp với chính sách tiền tệ cho hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân, lưu ý cần thống nhất quan điểm, giới hạn của chính sách sẽ thực hiện gọn trong 2 năm, có nghĩa phạm vi chính sách, các nguồn lực của chính sách chỉ giới hạn thực hiện trong 2 năm, vì thế mục tiêu là để hỗ trợ cho phục hồi kinh tế sau đại dịch thì hoạt động nào bị ảnh hưởng của đại dịch, làm đứt gẫy, đình trệ hoặc là những nút thắt cần phục hồi thì mới dùng gói này để hỗ trợ, không hỗ trợ dàn trải, tránh nguy cơ trùng lặp như gói hỗ trợ giai đoạn trước đây dẫn tới tình trạng trục lợi chính sách, hỗ trợ không đúng đối tượng.
Cho rằng, tổng gói hỗ trợ rất lớn nhưng thực ra nguồn lực thực tế để hỗ trợ phục hồi chỉ có 176 nghìn tỷ là nguồn bổ sung tăng thêm, tuy nhiên số tiền này không phải quá lớn so với nhu cầu các lĩnh vực KT-XH cần phục hồi. Vì thế đại biểu Hoàng Văn Cường kiến nghị cần rà soát và ưu tiên những lĩnh vực nào thực sự bị ảnh hưởng bởi đại dịch để lựa chọn đầu tư.
Nhìn vào dự kiến đầu tư, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, có một số điểm chưa thật hợp lý. Nêu dẫn chứng trong 176 nghìn tỷ, riêng dành cho hạ tầng giao thông là hơn 103 nghìn tỷ, các lĩnh vực khác còn khoảng 70 nghìn tỷ.
Theo ông Hoàng Văn Cường, nhiều dự án đầu tư cho hạ tầng giao thông không phải là những dự án bị đình trệ do dịch bệnh, nhiều dự án trong đó đã được phân bổ trước, có dự án chưa được phân bổ nhưng do có gói hỗ trợ này nên đưa vào. Chưa kể đây cũng không phải là những dự án then chốt để tháo những nút thắt cho nền kinh tế.
Ông Cường cho rằng, việc dành lượng vốn rất lớn cho đầu tư giao thông cần phải được cân nhắc. Không phải đợt này có nhiều tiền cần phải giải ngân mà chúng ta đang phải dùng các chính sách tài khóa tiền tệ, thậm chí có khi phải chấp nhận rủi ro trong tăng nợ công để có thêm nguồn lực hỗ trợ thì nguồn lực đó phải được ưu tiên cho những lĩnh vực thực sự cần ưu tiên hỗ trợ.
“Trong số các dự án trong danh mục tôi thấy có nhiều dự án có lẽ không liên quan đến phòng chống dịch phục hồi kinh tế, nhiều dự án kiểu “té nước theo mưa”. Như vậy sẽ dẫn đến tình trạng phân tán nguồn lực trong bối cảnh chúng ta đang rất yếu. Trong khi đó, nhiều hoạt động cần hỗ trợ để kích cầu thì ưu tiên nguồn lực chưa thỏa đáng”, đại biểu Cường nêu rõ.
Khẳng định, tác động mạnh nhất trong gói kích cầu này chính là gói hỗ trợ lãi suất, dự kiến dành 40 nghìn tỷ. Ngân sách bỏ ra 40 nghìn tỷ nhưng dự kiến sẽ tác động đến 2 triệu tỷ, nghĩa là các doanh nghiệp, nền kinh tế được hưởng lợi từ 2 triệu tỷ. Tuy nhiên theo quan điểm của ông Cường, vấn đề này hơi tham vọng bởi chỉ đưa ra mức hỗ trợ lãi suất 2%, trong bối cảnh hiện nay, đã nhìn thấy tình trạng nợ xấu có nguy cơ gia tăng, nên dù nói cách nào cũng không thể ép các ngân hàng giảm lãi suất quá thấp, vì ngoài đảm bảo mục tiêu kinh doanh, họ vẫn phải duy trì một tỷ lệ nhất định để trích lập cho dự phòng rủi ro, nợ xấu gia tăng.
Theo phân tích của ông Cường, với mức hỗ trợ 2% thì doanh nghiệp tiếp tục phải đi vay và phải trả với mức lãi suất sau khi hỗ trợ phải 6-7%, mức này rất khó khả thi với nhiều lĩnh vực đang rất yếu đó là du lịch và giao thông, phải đầu tư để duy trì, để phục hồi nhưng chưa biết khi nào mới thu hồi được vốn.
“Theo đó, cần tính lại chính sách hỗ trợ lãi suất, mức lãi suất để doanh nghiệp tiếp cận chỉ quay quanh khoảng 4-5%, tương đương với mức tỷ lệ lạm phát mà mục tiêu đang đặt ra. Như vậy doanh nghiệp vay vốn về nếu hoạt động không hiệu quả chỉ phải trả phần tương đương với mức độ lạm phát, như vậy cần nâng mức hỗ trợ lên khoảng 4%, nếu được thì với 40 nghìn tỷ, khả năng sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận được 1 triệu tỷ. Đấy sẽ là nguồn lực tác động mạnh nhất đến nền kinh tế”, ông Cường phân tích.
“Bối cảnh hiện nay, động lực chính là cải cách thể chế và mở cửa thị trường”
Khẳng định việc đưa ra gói hỗ trợ 291 nghìn tỷ trong thời điểm hiện nay là thích hợp, phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế, với khả năng chịu đựng của hệ thống tài khóa và tiền tệ, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng vấn đề là làm thế nào để thực hiện cho tốt. “Chắc chắn trong việc thực hiện chương trình này, nền tảng vẫn phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô và kiên định mở cửa để thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Lộc nhấn mạnh.
Ông Lộc cũng cho rằng việc đột phá vào chính sách chính là gói hỗ trợ lớn nhất với doanh nghiệp. Mạnh dạn mở cửa thị trường, kèm theo các biện pháp y tế, cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục, thực hiện những thủ tục đặc thù, thí điểm trong thời gian 2 năm, không chỉ để hỗ trợ doanh nghiệp đưa nhanh các dự án vào sản xuất kinh doanh giai đoạn này, mà còn có thể định hình thể chế của chúng ta trong giai đoạn sau.
“Doanh nghiệp cần tiền nhưng nhanh về thủ tục thì giúp họ huy động được nguồn lực xã hội chứ không nhất thiết phải trông chờ vào ngân hàng hạ lãi suất. Nếu hạ lãi suất 2% nhưng thủ tục kéo dài hết năm này qua năm khác thì doanh nghiệp mất bao nhiêu tiền. Nếu nhanh thủ tục thì không nhất thiết phải hạ lãi suất. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, động lực chính là cải cách thể chế, là mở cửa thị trường”./.