Nhìn lại chuyến công tác nước ngoài của Chủ tịch Quốc hội
VOV.VN - Chuyến công tác nước ngoài của Chủ tịch Quốc hội rất thành công và ấn tượng, đem lại sự lan tỏa chung cho mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước.
Sáng nay 9/4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã về đến sân bay Nội Bài, Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Vương quốc Maroc, Cộng hòa Pháp, thăm và làm việc với Nghị viện châu Âu, dự Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới IPU 140.
Đây là chuyển đi rất thành công và ấn tượng, bởi không chỉ thúc đẩy mối quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội, Nghị viện các nước mà còn đem lại sự lan tỏa chung cho quan hệ giữa Việt Nam và các nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Maroc. |
Điểm dừng chân đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam là Vương quốc Maroc. Thể hiện sự trọng thị của mình với chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hạ viện Maroc Habib El Malki đã ra tận sân bay để chào đón đoàn.
Trong các cuộc hội đàm, hội kiến với lãnh đạo cấp cao của Maroc, hai bên đều thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù những năm gần đây, hai nước đã thúc đẩy mạnh mẽ trong các lĩnh vực, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng mà hai bên đang có. Lãnh đạo hai nước đã thống nhất, Maroc chọn Việt Nam là cửa ngõ vào ASEAN và Việt Nam cũng chọn Maroc là cửa ngõ vào châu Phi.
Tại chuyến thăm chính thức lần này, các bộ, ngành của Việt Nam và Maroc đã triển khai kí kết hợp tác về các lĩnh vực thương mại và công nghiệp; môi trường và phát triển bền vững; Bản ghi nhớ thành lập Tiểu ban hợp tác về thương mại và công nghiệp; Lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng và Hội đồng Thành phố Tangier, Maroc đã ký Bản ghi nhớ về việc thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai thành phố.
Theo đại sứ Việt Nam tại Maroc Trần Quốc Thủy, với quyết tâm chính trị, hai nước có nhiều tiềm năng, cùng với việc cụ thể hóa các thỏa thuận trước đây. Đại sứ cho rằng, hợp tác thương mại hai bên ngày càng phát triển. Ví dụ, năm 2018 kim ngạch thương mại đã tăng lên 10% so với năm 2017. Trong tương lai hai nước, với việc kí kết thành lập Tiểu ban hợp tác về thương mại và công nghiệp sẽ làm nhân tố để chúng ta cụ thể hóa và đi vào những biện pháp cụ thể để thúc đẩy kim ngạch thương mại hai nước.
Cũng trong chuyến thăm chính thức này, Chủ tịch Quốc hội đã tiếp Toàn quyền Vùng Marrakech. Marrakech là thành phố mở cửa lớn nhất ở Maroc trong quan hệ đối ngoại. Đây cũng được xem là “kinh đô” du lịch của Maroc với nền văn hóa vô cùng độc đáo có lịch sử hàng nghìn năm. Chủ tịch Quốc hội và Toàn quyền Marrakech thống nhất hai bên sẽ thiết lập quan hệ hữu nghị, kết nghĩa giữa Cố đô Huế của Việt Nam với Marrakech.
Trong chuyến thăm chính thức Pháp của Chủ tịch Quốc hội đã có 13 hoạt động được diễn ra. Đặc biệt, lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội cùng ăn sáng và làm việc với 15 doanh nghiệp hàng đầu của nước Pháp cùng 1 số nghị sĩ của Thượng viện, Hạ viện Pháp để đối thoại về những chính sách và định hướng phát triển kinh tế, thương mại hai nước.
Chủ tịch Quốc hội hội kiến Thủ tướng Pháp. |
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, kết quả của Hội nghị 11 đã tiếp sức cho những thành tựu mà các địa phương hai nước đã đạt được trong nhiều thập kỷ hợp tác cũng như tạo một xung lực cho những bước phát triển mới trong hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp; bày tỏ tin tưởng, trong lần hội ngộ tới sau 3 năm nữa tại Hà Nội, hai nước sẽ có thêm nhiều kết quả, thành tựu trong hợp tác để cùng nhau chia sẻ và góp phần hỗ trợ cho sự phát triển của mỗi địa phương.
Các cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với Chủ tịch Quốc hội Pháp, hội kiến với Thủ tướng, Chủ tịch Thượng viện Pháp diễn ra trong bầu không khí thẳng thắn, cởi mở và ấm cúng.
Cuộc hội kiến với Chủ tịch Thượng viện Pháp vào lúc 7h30, giờ mà đại đa số người dân Pháp chưa bắt đầu công việc của một ngày mới, thì trong phòng làm việc của mình, Chủ tịch Thượng viện Pháp đã cầm trên tay tờ báo Pháp đăng trên trang nhất bài phỏng vấn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhân chuyến thăm chính thức và nói rằng, đây là tờ báo đầu tiên trong ngày hôm nay ông đọc. Điều đó cho thấy, sự quan tâm của người đứng đầu Thượng viện Pháp với lãnh đạo Quốc hội Việt Nam.
Trao đổi với báo chí Pháp trong chuyến thăm chính thức này, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, quan hệ hai nước đang trên đà phát triển mạnh mẽ, với các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao và các cấp. Mục đích của chuyến thăm Pháp lần này là để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp. Việt Nam luôn xem Pháp là đối tác ưu tiên của châu Âu trong quan hệ nhiều mặt. Việt Nam mong muốn Pháp là nước lớn của Liên minh châu Âu sẽ thúc đẩy Nghị viện châu Âu sớm ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam và châu Âu.
“Nếu Hiệp định này được ký sẽ mở ra nhiều cơ hội cho hoạt động kinh tế, thương mại đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam cũng như khối các doanh nghiệp Liên minh châu Âu” – Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Về vấn đề này, Chủ tịch Thượng viện Pháp đã cho rằng, không thể để kết thúc năm 2019 mà chưa thông qua được EVFTA. Ông cho biết, có cuộc họp với các Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Thượng viện của các quốc gia thành viên EU. Tại cuộc gặp này, ông sẽ chính thức nhắc lại với EU về vấn đề này. Với những Hiệp định của các quốc gia không thuộc EU như Việt Nam thì không thể để tình trạng kéo dài như vậy. Việc ký kết và phê chuẩn EVFTA không những có lợi cho các nước trong khối EU mà còn cho cả các nước ngoài liên minh.
Không chỉ có Chủ tịch Hạ viện, Thượng viện Pháp mà trong chuyến thăm và làm việc với Nghị viện châu Âu, các nhà lãnh đạo ở đây cũng như lãnh đạo cấp cao của Bỉ cũng đã khẳng định ủng hộ việc sớm phê chuẩn Hiệp định này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Chủ tịch Thượng viện Pháp. |
Nhân dịp đến thăm và làm việc với Nghị viện châu Âu cũng như Ủy ban Châu Âu, Chủ tịch Quốc hội cũng hội kiến Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ. Các nhà lãnh đạo Vương quốc Bỉ đánh giá cao 13.000 kiều bào sống và làm việc đã đóng góp cho chính quyền sở tại. Các nhà lãnh đạo hai bên cũng cho rằng, quan hệ thương mại hai chiều cần phải được nâng lên nữa và tiềm năng hợp tác hai nước vẫn còn nhiều.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Chủ tịch Thượng viện Bỉ. |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có bài phát biểu quan trọng tại Phiên thảo luận chung, nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới ngày nay, giáo dục góp phần thúc đẩy đối thoại, nâng cao hiểu biết lẫn nhau, chống chủ nghĩa bài ngoại, ngăn ngừa chủ nghĩa cực đoan-mầm mống của tư tưởng bạo lực. Giáo dục cần phải toàn diện trên mọi lĩnh vực và có tính bao trùm, hướng tới mọi đối tượng, mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt chú trọng bảo đảm các nguyên tắc công bằng và bình đẳng.
Trong quá trình này, các nghị sỹ đóng vai trò quan trọng để hoàn thiện hệ thống pháp luật, phân bổ ngân sách, giám sát Chính phủ triển khai các kế hoạch hành động trong lĩnh vực giáo dục; đồng thời nghị sỹ còn là cầu nối, giúp nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân trong xã hội về ý nghĩa quan trọng của giáo dục vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững.
“Với tinh thần đó, chúng tôi hoan nghênh mọi nỗ lực của IPU trong việc thúc đẩy các nghị viện thành viên dành ưu tiên cho giáo dục thể hiện qua các Nghị quyết của Đại hội đồng IPU năm 1993, 2001 và năm 2017. Tôi đánh giá cao chủ đề của Đại hội đồng IPU lần này đã nêu bật ý nghĩa quan trọng của giáo dục và vai trò của các nghị viện trong việc thúc đẩy giáo dục vì mục tiêu hòa bình, an ninh và pháp quyền. Điều này cho thấy tầm nhìn dài hạn, nhân văn của IPU, phát triển hướng tới một tương lai bền vững hơn cho hợp tác đa phương giữa các quốc gia nói chung và của ngoại giao nghị viện đa phương” – Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu. |
Tại Doha, Chủ tịch Quốc hội cũng đã có các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo nước chủ nhà như Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội Qatar. Chủ tịch Quốc hội Qatar Ahmad Bin Abdullah Al Mahmoud cho rằng, những thành công trong công tác tổ chức IPU 140, chính là nhờ kinh nghiệm mà Qatar đã học hỏi được từ Quốc hội Việt Nam trong việc tổ chức Đại hội đồng Liên minh nghị viện Thế giới lần thứ 132 tại Hà Nội.
Bên lề hội nghị, Chủ tịch Quốc hội đã có các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo nghị viện các nước Nga, Iran, Kazakhstan, Sri Lanka, Gruzia…
Chuyến công tác kéo dài hơn 10 ngày của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội đến 4 nước ở 3 châu gồm châu Âu, châu Phi, Tây Á đã có gần 50 hoạt động. Có thể nói, đây là chuyến đi rất thành công và ấn tượng, không chỉ với mối quan hệ Quốc hội, nghị viện mà còn đem lại sự lan tỏa chung cho mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước nói chung./.