Nhìn lại Quốc hội khóa 13: Một nhiệm kỳ nhiều dấu ấn
Các ĐBQH đều cho rằng, dấu ấn đậm nét nhất mà không phải nhiệm kỳ QH nào cũng vinh dự có được đó là, sửa đổi và thông qua bản Hiến pháp năm 2013.
Quốc hội khóa XIII đã đi gần hết chặng đường 5 năm với rất nhiều dấu ấn được nhân dân cả nước ghi nhận. Một Quốc hội năng động, có nhiều đổi mới trong thực hiện sứ mệnh là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân cả nước. Và quan trọng hơn là một QH trong lòng dân, lấy dân làm gốc cho mọi hoạt động, quyết đáp của mình. Đó là giá trị lớn nhất mà QH khóa XIII đã tiếp nối lịch sử 70 năm của QH và trao truyền cho QH khóa XIV.
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường chiều 23/3 (Ảnh: Hoàng Long)
Một nhiệm kỳ nhiều dấu ấn
Thảo luận tại tổ về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ QH khóa XIII, các ĐBQH đều cho rằng, dấu ấn đậm nét nhất mà không phải nhiệm kỳ QH nào cũng vinh dự có được đó là, sửa đổi và thông qua bản Hiến pháp năm 2013, đặt cơ sở chính trị - pháp lý cho một thời kỳ phát triển mới của đất nước với tinh thần xuyên suốt từng điều khoản của Hiến pháp là: mở rộng dân chủ, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân.
Cùng với dấu ấn lập hiến, QH khóa XIII cũng được cử tri đánh giá cao khi đã nỗ lực ban hành hơn 100 đạo luật - khối lượng văn bản quy phạm pháp luật lớn nhất từ trước đến nay, với chất lượng ngày càng nâng cao.
Nhiệm kỳ khóa XIII cũng để lại dấu ấn trong thực hiện chức năng giám sát, được cử tri đánh giá là QH đã năng động hơn, không ngừng đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực giám sát. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chỉ rõ, hoạt động giám sát của QH khóa XIII đã không còn “có nhiều hạn chế”, thường được ghi trong báo cáo tổng kết của các nhiệm kỳ trước, mà chỉ còn “một số hạn chế”.
Và với phạm vi giám sát rộng từ vấn đề vĩ mô đến vấn đề dân sinh bức xúc, qua giám sát của QH, UBTVQH, các cơ quan của QH, Đoàn ĐBQH và ĐBQH, nhiều hạn chế trong quá trình quản lý, chỉ đạo của các cơ quan chức năng đã được khắc phục hiệu quả, đem lại những thành quả tích cực về kinh tế - xã hội, từ đó củng cố niềm tin cho nhân dân.
Bày tỏ hài lòng về việc thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước của QH, ĐBQH, Hòa thượng Thích Chơn Thiện (Thừa Thiên Huế) nhận xét: với trí tuệ, sự kiên tâm vì lợi ích của nhân dân, QH khóa XIII đã vượt qua các rào cản chủ quan, khách quan, để đưa ra nhiều quyết định sáng suốt như hoàn thiện dự án đường Hồ Chí Minh, xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành…
Bỏ tư tưởng xây dựng các dự luật hoành tráng
Hài lòng và tự hào về những thành quả mà QH đã đạt được trong suốt 5 năm qua là vậy. Song nếu hỏi, những kết quả này đã đủ để các ĐBQH khóa XIII yên tâm trước khi chia tay nghị trường hay chưa thì câu trả lời của hầu hết các ĐBQH là chưa.
Bởi vẫn còn tình trạng QH phải liên tục điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vì các cơ quan trình không chuẩn bị kịp, chất lượng không bảo đảm… và đến thời điểm này, QH vẫn nợ cử tri một số luật rất quan trọng, ví dụ như Luật Biểu tình đã phải gác lại nhiệm kỳ sau. Hay vì làm luật trong tình trạng bức bách về thời gian, nên việc nghiên cứu bài bản để sửa đổi một số luật, bộ luật chưa đạt yêu cầu, khiến chỉ sau vài ba năm ban hành lại phải đặt vấn đề sửa đổi, bổ sung.
QH khóa XIII cũng đã cố gắng để giảm bớt luật khung, luật ống, hạn chế tối đa việc phải ủy quyền lập pháp cho các chủ thể khác như UBTVQH, Chính phủ, các bộ, ngành. Dẫu vậy, vẫn chưa thể khắc phục được hoàn toàn, thậm chí, có những nội dung được QH ủy quyền cho Chính phủ ban hành hướng dẫn chi tiết nhưng Chính phủ lại… nợ hoặc thậm chí, ban hành văn bản hướng dẫn chưa đúng với tinh thần được ủy quyền.
Bên cạnh câu chuyện luật khung, luật ống, một ĐBQH cũng chỉ rõ: vẫn có cả những dự luật mang tính khẩu hiệu, nghị quyết, đọc dự thảo mà đến ngay cả các nhà lập pháp cũng không hiểu sẽ thực hiện như thế nào. Trong nhiều trường hợp, các cơ quan của QH cũng chưa được tham gia vào quá trình xây dựng dự thảo. Có cả trường hợp cơ quan thẩm tra không đồng ý nội dung nào đó nhưng cơ quan trình vẫn đưa vào dự thảo luật để trình QH.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, nhiệm kỳ khóa XIV, QH cần kiên quyết loại bỏ tư tưởng xây dựng luật phải hoành tráng, có tính bao quát cao mà cần chú trọng đến những yêu cầu thực tế như: sự hợp lý, cần thiết, giải quyết vấn đề bức xúc của đời sống xã hội và quản lý nhà nước… Đồng thời, quy trình làm luật phải thay đổi, QH cần kiên quyết hơn, không nên để tồn tại những dự án luật được đại biểu nói vui là “dự án luật nóng”, vì đến trước phiên họp mới nhận được bản giấy dự thảo luật vừa in ra.
Những tâm tư của ĐBQH khóa XIII cũng chính là yêu cầu, là đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống đối với QH. Vì thế, tiếp tục đổi mới để thực hiện đầy đủ hơn, trọn vẹn hơn sứ mệnh của cơ quan quyền lực Nhà nước tối cao, cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân cả nước chính là sự kỳ vọng mà các ĐBQH khóa XIII gửi gắm cho các ĐBQH khóa XIV./.
QH khóa XIII là nhiệm kỳ năng động, có nhiều đổi mới trong hoạt động của cơ quan dân cử. Trong khóa XIII, giữa các ĐBQH, cũng như giữa cơ quan lập pháp và hành pháp có sự đoàn kết cao, có sự chân tình, chân thành. Từ môi trường này, đã có nhiều sáng tạo, mang lại kết quả tốt đẹp.
Trong nhiệm kỳ khóa XIV, các nội dung làm việc của QH cần tiếp tục bám sát tinh thần trọng dân, lấy dân làm gốc, vì nhân dân mà phục vụ, đặc biệt là trong công tác lập pháp. Tất nhiên, để thực hiện được yêu cầu này, trong cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 -2021, cần chọn những người có kiến thức thực sự về làm luật và kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của QH. Chất lượng của ĐBQH là yếu tố quyết định thành công của QH, nên cần giảm bớt chỉ tiêu phân phối về tuổi, giai tầng. Cần tăng tỷ lệ cho các đại biểu là chuyên gia lập pháp thực sự…
ĐBQH, Hòa thượng Thích Chơn Thiện (Thừa Thiên Huế)