Ông Lê Minh Khái vừa nhận nhiệm vụ đã liên tục nhận được tin nhắn tố cáo
VOV.VN - Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, thụ lý, giải quyết bằng hình thức tố cáo qua thư điện tử sẽ khó cho các cơ quan có thẩm quyền...
Tại phiên thảo luận về dự án Luật Tổ cáo (sửa đổi) sáng 8/11, Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại nếu được thực hiện với trách nhiệm cao thì khuyến khích. Tuy nhiên, với thực trạng nguồn nhân lực hiện nay, áp dụng hình thức này có thể dẫn đến xử lý không kịp, không đáp ứng được yêu cầu thực tế.
"Sau khi tiếp nhận đơn thư tố cáo thì phải xác minh, nhưng điện thoại đâu có chữ ký. Tôi lo sau này thụ lý, giải quyết bằng hình thức này sẽ khó cho các cơ quan có thẩm quyền. Tôi vừa nhận nhiệm vụ Tổng thanh tra Chính phủ, tin nhắn tố cáo đã liên tục đổ về điện thoại", ông Lê Minh Khái cho biết.
Tân Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái (ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội) |
Trước đó, ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã có báo cáo Thẩm tra dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) do Ủy ban Pháp luật báo cáo cho thấy, Dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) đưa ra được chỉnh lý theo hướng vẫn giữ quy định 2 hình thức tố cáo như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp (khoản 1 Điều 19), nhưng có bổ sung quy định về việc tiếp nhận, xử lý tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại phục vụ cho công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra (Điều 22).
Đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật đề nghị không nên chỉ giới hạn ở 02 hình thức tố cáo như Luật hiện hành để phù hợp hơn với trình độ phát triển của xã hội, của công nghệ như hiện nay. Tuy nhiên, dù tố cáo dưới hình thức nào thì cũng phải xác định được rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo - đây là điều kiện cần để thụ lý giải quyết; cơ sở quan trọng nhất để quyết định thụ lý, giải quyết tố cáo vẫn là nội dung tố cáo phải có căn cứ, có cơ sở để xác minh, kết luận.
Việc tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại thực chất cũng chỉ là các phương thức thể hiện khác nhau của 2 hình thức tố cáo mà dự thảo Luật đã quy định là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Vì vậy, đề nghị chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định tố cáo có thể thực hiện bằng đơn và các hình thức khác theo quy định của pháp luật (hình thức khác có thể bao gồm thư điện tử, fax, điện thoại mà các luật khác đã quy định).
Quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân thực hiện quyền Hiến định và cũng thống nhất với quy định của một số luật hiện hành, như Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Tố tụng hình sự đều có quy định về việc tiếp nhận tố cáo, tố giác, tin báo tội phạm qua điện thoại, qua mạng thông tin điện tử hoặc phương tiện thông tin khác; Luật Giao dịch điện tử cũng đã quy định về giá trị của văn bản điện tử và chữ ký điện tử.
Có ý kiến tán thành với dự thảo Luật quy định về 2 hình thức tố cáo như Luật hiện hành để hạn chế tình trạng gia tăng số lượng tố cáo, gây phức tạp trong công tác tiếp nhận, xử lý ban đầu./.
Không nên đưa việc khen thưởng người tố cáo vào trong dự án Luật Tố cáo?