‘Sếp mà lấy xe công đưa vợ về quê… nói sao được cấp dưới’
(VOV) -Lãng phí biểu hiện ngay ở việc lãnh đạo lên chức là thay xe. Tầm của người lãnh đạo không phụ thuộc vào xe sang.
Đây là các ý kiến của Đại biểu Quốc hội đưa ra khi thảo luận ở tổ về Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK-CLP). Luật THTK-CLP đã đi vào cuộc sống được 7 năm và bước đầu đã có hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, công tác THTK - CLP vẫn còn nhiều chuyện phải bàn, đặc biệt là cần chế tài mạnh thì mới hiệu quả.
Lãng phí và tham nhũng: Khó phân biệt
Theo Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, nếu đem so lãng phí với tham nhũng, rất khó để xác định chính xác yếu tố nào gây thất thoát cho đất nước nhiều hơn. Hành vi tham nhũng luôn kín đáo, tinh vi, lợi ích của các bên gần như đồng nhất với nhau nên việc tìm ra người, ra việc không dễ. Trong khi lãng phí không quá khó để phát hiện, từ người có chức năng phòng, chống lãng phí đến người bình thường đều có thể dễ dàng nhận diện ra nó.
Do đó, theo ông Phạm Quang Nghị, luật cần có những chế tài ràng buộc trách nhiệm đối với những người gây lãng phí. Những quy định này nếu không cụ thể, rõ ràng thì khả năng khắc phục bệnh lãng phí sẽ không cao.
Mổ xẻ về hành vi gây lãng phí, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, lãng phí biểu hiện ngay ở việc lãnh đạo lên chức là thay xe. Đại biểu nói: “Cử tri biết rất rõ và rất hiểu tầm của từng vị lãnh đạo. Tầm của người lãnh đạo không phụ thuộc vào xe sang. Các đồng chí lãnh đạo cao cấp nên nêu gương, làm sao tránh bệnh hình thức”.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) lại cho rằng: “Sếp mà lấy xe công đưa vợ về quê, đi chùa, thì nói sao được cấp dưới. Chúng ta phải định ra các chế tài xử lý hiệu quả, đồng thời làm rõ trách nhiệm người đứng đầu, để họ phải đi đầu, làm gương. Phải kỷ luật người đứng đầu và nếu nghiêm trọng thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hiện nay, cứ quyết toán xong là có tiền, dự toán ít, quyết toán nhiều. Lãnh đạo thì cứ sáng vác ô đi, tối vác ô về, thiếu trách nhiệm mà không bị xử lý. Cần phải chế tài rõ để toàn bộ hệ thống công chức nhận thức rõ trách nhiệm trong THTK - CLP từ tiết kiệm điện, nước, thời gian…”.
Đánh giá về dự án Luật THTK - CLP, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cho rằng, ban soạn thảo “không dám nhìn thẳng vào sự thật về quốc nạn lãng phí, dẫn đến luật sửa đổi không khả thi là thiếu nghiêm túc với Quốc hội, với nhân dân”. Đại biểu Tâm cũng cho rằng, sự lãng phí hiện nay được thể hiện ở việc tổ chức lễ động thổ, khởi công, khánh thành…, từ khâu mời đại biểu đến hành vi tặng quà.
“Tôi không cực đoan phản đối hoàn toàn nhưng qua theo dõi, tôi thấy chúng ta đang lãng phí ghê gớm. Hội họp nhiều nơi mời quá nhiều đại biểu, tổ chức hoành tráng và luôn có quà tặng. Vậy tiền ở đâu ra, đó là ngân sách, tiền thuế của nhân dân”, đại biểu Tâm nhấn mạnh.
Còn đại biểu Võ Thị Dung (đoàn TP HCM) thì nhận xét: “Tác dụng luật hiện hành đi vào cuộc sống chưa nhiều, nhất là sử dụng nguồn lực của các đơn vị thuộc Nhà nước, như đối với Vinashin, Vinalines là điển hình trong lãng phí. Thực sự nhân dân chưa thể yên tâm”.
Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Huỳnh Minh Thiện (đoàn TP HCM) cho rằng: Luật có chế tài nhưng Điều 56 đưa ra “hành vi gây lãng phí tại DNNN” thì chỉ là nêu đưa ra hành vi để “biết” chứ không phải là nghiêm cấm hay xử lý nên cần thêm chữ “nghiêm cấm” thì mới thể hiện được chế tài.
Từ thực tế này, Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (đoàn Hà Nội) nêu quan điểm: Không nên gọi là Luật thực hành tiết kiệm mà là phòng, chống lãng phí. Vì thực tế, cơ chế để người ta lãng phí còn nhiều lắm mà chưa có cơ chế để phòng. Báo cáo của Chính phủ cho biết lãng phí 20.000 tỷ trong mấy năm trong khi có xử được ai ra tòa đâu, mà chỉ có tội tham nhũng, trong khi độ nghiêm trọng chưa biết cái nào hơn.
Dân cũng lãng phí
Đại biểu Thích Chơn Thiện (đoàn Hà Nội), cho rằng: Nước ta còn nghèo, dân nghèo nhưng sử dụng thực phẩm, năng lượng… còn rất hoang phí. Điều dễ nhìn thấy nhất là dự án đất đai thu của dân, để quá lãng phí. Người dân thì được đền bù một số tiền, con cái mang mua xe, mua các tiện nghi đắt tiền. Nhưng như thế còn là tốt nếu không thì đánh cờ đánh bạc hết.
Một khía cạnh nữa được đại biểu Thích Chơn Thiện đề cập là việc tổ chức việc cưới, việc tang. Đại biểu bày tỏ ủng hộ thành phố Hà Nội trong quy định về cải cách tang ma. Theo đại biểu, việc tổ chức đám cưới cũng không lãng phí bằng việc tang ma. Mỗi đám ma có tới vài trăm vòng hoa. Câu đối thì nhiều, “Chúng tôi chỉ có 1 cách là khâu tất cả lại thành chăn mang đi cho người nghèo. Một cái vòng hoa 100 ngàn đồng thì lúc xử lý tôi nghĩ phải tốn gấp rưỡi, mất 150 ngàn đồng” – đại biểu Thích Chơn Thiện nói.
Đánh giá của Chính phủ cũng khẳng định: ở một số nơi việc tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội và các hoạt động khác có sử dụng nguồn lực đóng góp của cộng đồng một cách linh đình, lãng phí vẫn còn diễn ra, nhất là khu đô thị, thành phố lớn có điều kiện thu nhập cao; bên cạnh đó, một số hủ tục lạc hậu lại có nguy cơ phát triển trở lại ở các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc vùng xa xôi, hẻo lánh.
Hôm nay (7/6), Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012./.