Tài sản công có nên đem cho thuê hay kinh doanh?
VOV.VN - Đây là điều mà một số đại biểu Quốc hội băn khoăn khi thảo luận về dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), ngày 29/5.
Có khả năng mất vốn và uy tín?
Đại biểu Lê Anh Tuấn (đoàn Hà Tĩnh) đề nghị cần cân nhắc luật hóa cho phép tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập được khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công năng vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê liên doanh liên kết.
Theo đại biểu, mục tiêu thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập là thực hiện các hoạt động sự nghiệp với ngân sách do Nhà nước đài thọ, việc cho phép các đơn vị này được sử dụng tài sản chưa sử dụng hết công năng để cho thuê, khai thác góp vốn kinh doanh do cơ chế thị trường như là để hợp pháp hóa thực tiễn đang diễn ra hiện nay. Mặc dù có những ưu điểm nhưng trên thực tế sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu chính khi thành lập các đơn vị này, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học.
Đại biểu Lê Anh Tuấn (đoàn Hà Tĩnh) đề nghị cân nhắc việc luật hóa việc khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công năng vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê |
Hơn nữa, việc sử dụng tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập vào các mục địch này chịu sự ảnh hưởng bởi các quy luật thị trường và có khả năng bị mất vốn do kinh doanh thua lỗ, ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Bên cạnh đó, còn có khả năng ảnh hưởng đến uy tín nếu tài sản góp vốn là thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập, trừ trường hợp góp vốn liên doanh liên kết thì việc hạch toán từ hoạt động cho thuê khai thác của các đơn vị sự nghiệp công lập là rất khó theo dõi và quản lý theo phương diện quản lý nhà nước.
“Quan trọng là cần thiết lập một cơ chế tài chính hiệu quả cùng với quy trình giám sát chặt chẽ nguồn thu chi từ việc cho thuê khai thác tài sản của đơn vị sự nghiệp công lập. Như vậy mới có thể có được phần để nộp lại vào ngân sách nhà nước, vì trên thực tế hiện nay rất hiếm có trường hợp nào như vậy”- đại biểu Tuấn nêu quan điểm và lưu ý việc sử dụng tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh dịch vụ cũng cần được cân nhắc thận trọng vì sẽ xung đột với nhiều quy định hiện hành khác có liên quan.
“Theo tôi giải pháp cho vấn đề này là cần rà soát đánh giá đúng thực trạng phân loại các đơn vị sự nghiệp công lập, nếu đơn vị nào đủ điều kiện sớm chuyển sang quản lý hoạt động theo mô hình doanh nghiệp”- vị đại biểu đoàn Hà Tĩnh đề xuất.
Cho thuê, kinh doanh… để giảm áp lực cho ngân sách
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đối với đơn vị sự nghiệp công lập, mục tiêu cao nhất của việc sử dụng quản lý tài sản công là phải tạo ra nhiều dịch vụ công với chất lượng tốt chi phí thấp. Theo đó việc sử dụng tài sản phải tối đa hóa công suất, giảm chi phí. Vì vậy, chủ trương cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công năng vào mục đích sản xuất, kinh doanh vào dịch vụ cho thuê, liên doanh liên kết đã được quy định tại Luật quản lý sử dụng tài sản nhà nước năm 2008.
“Tổng viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập khoảng 2 triệu người. Chi phí cho việc vận hành bộ máy là rất lớn, việc cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công năng vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh liên kết giảm bớt áp lực cho ngân sách nhà nước và nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản, tạo ra nguồn thu phục vụ hoạt động đầu tư nâng cao chất lượng, số lượng dịch vụ…” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng làm rõ thêm các vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu ra tại phiên họp |
Cũng theo người đứng đầu ngành Tài chính, tinh thần là cho thuê nhưng sử dụng vào dịch vụ công và cũng sẽ tiến tới tính đúng, tính đủ.
Để việc khai thác tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập được chặt chẽ, dự thảo luật đã rà soát, bổ sung các yêu cầu khi sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh gồm: Không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao; không làm mất quyền sở hữu tài sản nhà nước; bảo toàn, phát triển vốn tài sản nhà nước, sử dụng tài sản đúng mục đích; đầu tư xây dựng, mua sắm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản; tính đủ khấu hao tài sản cố định, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí, các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
“Để ngăn chặn tình trạng tiếp tục đầu tư, mua sắm mới các tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập từ nguồn vốn ngân sách nhà nước dẫn đến dư thừa công năng, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý dự thảo luật theo hướng, đối với tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập được đầu tư từ ngân sách nhà nước, sau thời điểm luật này có hiệu lực thi hành, chưa được sử dụng hết công suất chỉ được khai thác vào mục đích kinh doanh, dịch vụ, cho thuê liên doanh, liên kết khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định” – Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết./.
Đại biểu Quốc hội đề xuất bán đấu giá biển số xe đẹp